Ngắm báu vật hoàng cung độc bản tại Cố đô Huế

23/04/2016 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com)- Sáng 23/04/2016, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai mạc triễn lãm “Báu vật hoàng cung: Kim ấn và Kim sách thời Nguyễn” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Triễn lãm lần này giới thiệu đến người xem một số kim sách và kim ấn triều Nguyễn thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được đưa về cố hương, giới thiệu tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế Nhân dịp Festival Huế 2016. Triễn lãm giúp công chúng có thể thưởng lãm các bảo vật hoàng cung ngay trong không gian chốn cung đình xưa.



Ấn hoàng đế tôn thần chi bảo bằng vàng (niên đại vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8)....

Ts.Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) phát biểu trong buổi khai mạc: “Nhân dịp Festival Huế 2016, một số kim sách và kim ấn triều Nguyễn thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam được đưa về cố hương, giới thiệu tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế từ ngày hôm nay đến ngày 23/6/2016, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của công chúng đồng thời tiếp tục khẳng định những giá trị di sản Huế xưa mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Đây cũng là bước khởi động cho một cuộc trưng bày “Bảo vật hoàng cung” phong phú hơn sẽ được tổ chức vào tháng 9 sắp đến”.



....dùng để đóng trên các văn bản khuyến giáo dân chúng hoặc sắc bằng khen tặng các nhân vật hiếu hạnh, tiết nghĩa.

Triễn lãm trưng bày 2 kim sách thời Nguyễn bằng vàng, một bộ có từ thời Gia Long thứ 5 (năm 1806), một bộ từ thời Minh Mạng thứ 21 (năm 1840) và một bộ kim sách bằng bạc mạ vàng có từ thời Minh Mạng thứ11 (năm 1830). Đáng chú ý và nổi bật nhất trong triễn lãm lần này là ấn hoàng đế tôn thần chi bảo bằng chất liệu vàng nặng hơn 8,9kg. Được biết, ấn có niên đại vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8 (năm 1827).

Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung (Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế):  “Những báu vật đưa vào triễn lãm lần này được xem như là độc bản, có ý nghĩa về mặt cổ vật, khẳng định văn vật của đất nước và vị thế của nước Việt Nam ta”.


Ts. Phan Thanh Hải giới thiệu cho khách tham quan về lịch sử và giá trị của Kim ấn và kim sách thời Nguyễn.

Cuốn kim sách đầu tiên của triều Nguyễn được vua Gia Long cho làm để phong tặng mẫu thân mình là Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng hậu vào năm 1803. Trước đó, từ năm 1796, ông đã làm kim sách, kim ấn tôn mẹ mình là Quốc mẫu Vương thái phi.

Thời Minh Mạng, kim sách cho Quý phi gồm 6 trang (cả bìa) đóng bằng 4 khuyên vàng, khổ 5 tấc 1 phân (27cm) x 3 tấc 5 phân (14,8cm), dày 2 ly, bìa sách chạm trổ trang trí phượng hoàng. Sáu phi tần kế tiếp được nhận Ngân sách (sách bạc) mạ vàng gồm 5 trang khổ 5 tấc 1 phân x 3 tấc 2 phân, dày 1 ly. Trong 9 bậc cung giai, các bà ở cấp thấp hơn chỉ được ban Thể sách (sách lụa). Năm 1869, để bổ sung cho nguồn ngân sách quân nhu, vua Tự Đức cho thu hồi một số sách bạc, đổi cấp lại sách đồng để thay thế. Hiện nay tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn lưu giữ 8 cuốn sách đồng thuộc loại này.



 Kim sách bằng vàng nặng 4.529kg tấu về việc lên ngôi của hoàng tử trưởng Trường Khánh Công (sau này là hoàng đế Thiệu Trị).

Triễn lãm Kim ấn và Kim sách thời Nguyễn sẽ mở cửa hàng ngày từ 7:00 – 17:00 đến 23/6/2016. Được biết, sau triễn lãm, các báu vật hoàng cung này sẽ được đưa về trưng bày tại bảo tàng ở Hà Nội.

Kim sách triều Nguyễn là bộ thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình, lời sách do đích thân các Hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện.


Kim sách từ thời Gia Long thứ 5, bằng vàng với nội dung: Hoàng đế Gia Long truy tôn thụy hiệu Hiếu Văn hoàng đế, miếu hiệu Hi Tông (tức Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên).


Kim sách làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước và sau trang trí hình rồng 5 móng hoặc hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn.Đặc biệt, nhiều quyển kim sách trong sưu tập có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện. 

Kim ấn (hay còn gọi là kim bảo tỷ) biểu thị cho quyền lực tối cao của hoàng đế và của cả triều đại, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước dưới thời Nguyễn.

Thanh Nhàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm