Nghệ nhân Cơ Tu mang các 'kiệt tác' văn hóa về thành phố Đà Nẵng

29/03/2016 17:17 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) – Ngày 29/3, tại Bảo tàng Đà Nẵng, lần đầu tiên nhiều du khách và người dân TP Đà Nẵng được xem tận mắt đồng bào Cơ Tu thể hiện những điệu múa cồng chiêng, trổ tài dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc…,  thông qua ngày hội “Văn hóa dân tộc Cơ tu – Nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng”. 

Theo kế hoạch, thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục giới thiêu văn hóa của nhiều đồng bào thiểu số khác.  Đây là một hướng đi mới mẻ, thực tế ngày hôm qua sự kiện trên đã  thu hút khá nhiều du khách.

Đồng bào dân tộc Cơ Tu là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Cơ tu sinh sống tập trung ở vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng, một số ít sinh sống ở vùng Tây Trường Sơn thuộc nước bạn Lào.

Xét về địa bàn cư trú, người Cơ Tu chia thành hai nhóm: Nhóm người Cơ Tu ở vùng cao và người Cơ tu sinh sống ở vùng thấp. Đồng bào Cơ Tu ở thành phố Đà Nẵng hiện nay thuộc nhóm Cơ Tu vùng thấp, sinh sống tại hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Văn hóa của người Cơ Tu độc đáo, vẫn luôn là đề tài thú vị cho các nhà nghiên cứu khám phá đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc này.


Đội múa cồng chiêng do đồng bào Cơ Tu đến từ xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) biểu diễn.

Ngày hội “Văn hóa dân tộc Cơ Tu – Nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng” lần đầu tiên được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 29/3 đã mang lại cho nhiều du khách và người dân TP Đà Nẵng những ấn tượng về những con người Cơ Tu từ các huyện miền núi Đà Nẵng, Quảng Nam. Một số hình ảnh về sinh hoạt đời thường, điệu múa cồng chiêng, đan lát… đã được tái hiện lại sinh động.

Bên cạnh biểu diễn một số nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào Cơ Tu, Bảo tàng còn trưng bày, giới thiệu về trang phục truyền thống của đàn ông và phụ nữ Cơ Tu cũng như kỹ thuật dệt vải, hoa văn trang trí trên trang phục của người Cơ tu; giới thiệu sản phẩm rượu cần Phúc Túc – một đặc sản của đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng và trưng bày một số tác phẩm đan lát, điêu khắc do các nghệ nhân Cơ Tu thực hiện.

Để việc hiện văn hóa Cơ Tu theo truyền thống của đồng bào, 6 nghệ nhân các nghề đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc đại diện cho hai xã là xã Ba và Tà Lu (huyện Đông Giang, Quảng Nam) và đội múa cồng chiêng xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã được mời đến tại Bảo tàng

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Đà Nẵng đưa đồng bào Cơ Ttu về với người dân thành phố để họ trực tiếp giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của mình đến với du khách cũng như người dân thành phố. Những nghệ nhân được mời tới đây đều là người am hiểu sâu nhất và trực tiếp bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa, các nghề truyền thống của người Cơ Tu".

Ông tiết lộ: "Sắp tới Bảo tàng cũng sẽ tiếp tục tổ chức giới thiệu nhiều chương trình hoạt động văn hóa đặc sắc mang âm hưởng của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi phía Tây Quảng Nam. Sau lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu những nét văn hóa của đồng bào người Co, Xơ Đăng, Giẻ Triêng đang sinh sống ở miền núi phía Tây Quảng Nam”.

Cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.

Sau sự kiện mang ý nghĩa khởi đầu này, hy vọng sắp tới, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều buổi giới thiệu có chiều sâu hơn, chuyên nghiệp hơn, để thực sự văn hóa đồng bào chạm được tình cảm người thành thị lẫn du khách.

Một số hình ảnh về ngày hội "Văn hóa dân tộc Cơ tu – Nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng" lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng: 

Đội múa cồng chiêng do đồng bào Cơ Tu đến từ xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) biểu diễn.
Nghệ nhân điêu khắc A Lăng Đại đến từ H. Đông Giang, Quảng Nam.
A Lăng Đại mong muốn được quảng bá văn hóa của đồng bào đến với người dân thành phố.
Các chị em rất vui khi lần đầu tiên được giới thiệu văn hóa Cơ Tu đến với người dân thành phố.
Nghệ nhân đan lát Briu Thiện đến từ xã Sông Côn, H. Đông Giang, Quảng Nam.
Briu Thiện cùng em trai đại diện cho thôn Bờ Hoong I tham gia ngày hội.
Một số sản phẩm điêu khắc của đồng bào Cơ Tu.
Nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu được trưng bày và bán tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm