Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 4): NSƯT Phi Điểu - 'Dặn diễn viên phải biết yêu tiếng Việt'

01/04/2020 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Ngoài 80 tuổi mà cách đây chưa lâu, khi dịch bệnh chưa bùng phát, còn thấy bà vẫn một mình chạy xe gắn máy đến điểm quay phim. Phim mới nhất bà đang đóng là Sui gia đại chiến của đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum với vai bà nội. Bà luôn tâm niệm sống có ích cho cộng đồng. Không giận phiền bất cứ ai và đếm từng vai diễn được giao.

Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 3): Tú Trinh - từ cải lương thành bậc thầy lồng tiếng

Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 3): Tú Trinh - từ cải lương thành bậc thầy lồng tiếng

Hiếm có khán giả nào thường xuyên xem truyền hình mà lại chưa nghe giọng của Tú Trinh, dù số người “khớp” gương mặt với tiếng nói để thành nghệ sĩ này có thể chưa nhiều. Giọng nói đa dạng, Tú Trinh phủ sóng từ phim, kịch nói, quảng cáo… cho tới nhiều chương trình cần lồng tiếng khác.

Nghệ sĩ Phi Điểu tên thật Nguyễn Thị Phi, sinh năm 1933, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1997. Gần đây, bà thay đổi hình ảnh trong phim hài sitcom như: Ngũ long công chúa, Sui gia đại chiến. Bà còn tham gia đóng quảng cáo, minh họa cho video nhạc và lồng tiếng các vai bà mẹ Nam Bộ.

Không ngại khổ, đã làm thì phải thắng

Ở tuổi 85, NSƯT Phi Điểu - vợ của cố nhạc sĩ Phan Nhân vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Bà gắn bó với công việc phát thanh viên từ năm 17 tuổi, lúc đó bà được giao đọc bài thời sự, sau giao thêm công việc Kể chuyện cổ tích cho thiếu nhi với vai bà Tám và khán giả yêu thích bà nhất với chương trình Kể chuyện đêm khuya.

Giọng đọc huyền thoại của bà còn được khán thính giả nhớ nhất mỗi ngày qua loa phát thanh: “Đây là Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, phát thanh trên hai làn sóng 365m tức 820 kHz và sóng FM tầng số 103 kHz”. Nhờ quá trình này mà bà rèn luyện được chất giọng rất trầm ấm, đầy truyền cảm, để sau này áp dụng cho việc lồng tiếng phim. Cái nghề tạo sự tương tác để bà vừa làm việc, vừa học hỏi diễn xuất.

Bà đã hóa thân vào nhiều số phận nhân vật, dù chỉ là vai phụ nhưng đều để lại trong tâm trí người xem dấu ấn đẹp. Vẫn năng động trên sàn diễn, bà còn là nữ tướng khiêm luôn giáo viên, sẵn sàng hướng dẫn diễn xuất cho các thế hệ trẻ, nhất là nghệ thuật lồng tiếng cho nhân vật của mình.

Từ ngày ông qua đời, bà dành một góc nhà để những kỷ vật của ông, rồi hàng ngày nhìn ngắm như có sự hiện diện từ ánh mắt đến nụ cười của một người đàn ông đã đồng hành với bà suốt chặng đường dài.

Là người miền Nam chính cống, bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1954, bà tập kết ra Bắc và trở thành phát thành viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi bà chuyển vào TP.HCM công tác tại Đài Phát thanh TP.HCM.

Chú thích ảnh
NSƯT Phi Điểu

Nói về duyên may đến với nghề diễn viên, bà kể: “Bắt đầu đóng phim từ năm 2000, có lẽ nhờ gương mặt hiền lành, khắc khổ, đạo diễn chọn tôi đóng các vai bà mẹ lam lũ, tảo tần nuôi con. Sau những bộ phim như: Thụy khúc, Blouse trắng, Lẵng hoa tình yêu..., tôi được khen là diễn tự nhiên, cứ thế lấn sân sang nghề diễn. Điều quan trọng là tôi lồng tiếng cho tôi và khi nào có thời giờ thì lồng tiếng cho các bạn diễn khác”.

Ở tuổi 85 ít ai biết NSƯT Phi Điểu vẫn ham học, không đọc sách báo, thì bà nghe đài, thích xem chương trình truyền hình dạy học nấu ăn, cắm hoa, thiết kế mẫu thiệp để tham gia dàn dựng các tiết mục cho phong trào văn nghệ địa phương.

Bà nói: “Già thì không nên để đầu óc mình bị chậm. Sợ cái đầu trống không, nên tần suất lao động phải liên tục. Học cũng là cách vận động cho tuổi trên 80 luôn” - bà lại tươi cười.

Lời thoại không bao giờ thừa

Bà được các diễn viên trẻ thương yêu, quen gọi bà là ngoại, là nội, là mẹ, còn các đạo diễn thì gọi bà là “nữ tướng”.

Diễn viên trẻ Nguyễn Thành Danh - đang đóng vai Thanh Bình, cháu nội của bà trong phim Sui gia đại chiến kể: “Bà học kịch bản nhanh lắm, ra sàn quay là diễn ngọt xớt. Có khi diễn viên trẻ còn quên thoại chứ bà thì không quên. Tôi may mắn ngày nào cũng được ở bên bà, khi hai bà cháu hết phân đoạn, tôi được nghe bà kể chuyện làm nghề diễn viên, những cách học kịch bản và tự rèn luyện giọng thoại, để khi xong vai chính là lồng tiếng cho vai diễn của mình”.

Chú thích ảnh
NSƯT Phi Điểu trên sân khấu ca nhạc

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết thêm: “Khi mời bà, chỉ cần nói sơ qua tính cách nhân vật, bà đã chuẩn bị sẳn đạo cụ, phục trang cho vai của mình và ra phim trường diễn hết sức tinh tế. Bà có nghề lồng tiếng nên lời thoại không bao giờ thừa, có những khoảng lắng để nghe rõ từng hơi thở của nhân vật, vì thế vai diễn của bà có chiều sâu”.

Có lần đang quay phim bà bị tai nạn giao thông, bị chấn thương ở tay và mất một thời gian dài bó bột. Bà xin bác sĩ chỉ bó thuốc để tiếp tục được quay cho hết bộ phim. Rồi có hai lần bà té trật khớp nhẹ, có lần suýt gãy xương hông, nhưng vẫn khăn gói lên đường quay phim cho kịp phát dịp Tết.

Con cái tất nhiên cũng mong muốn bà ở nhà nghỉ ngơi, và sợ bà lái xe trên đường gặp nguy hiểm. Nhưng bà trấn an con để thực hiện mục tiêu của “nữ tướng”. Đó là “trả nợ duyên phận đã tôi đến với nghiệp diễn này”. Tổ nghệ thuật đãi bà, cho bà nhiều cơ hội được ngợi khen và Tổ cũng cho bà có sức khỏe, để qua mỗi chặng đường làm nghề bà có điều kiện truyền đạt kinh nghiệm của nghề lồng tiếng đến các diễn viên trẻ, để “họ yêu tiếng Việt hơn, chăm chút mỗi khi phát âm cho vai diễn” - bà chia sẻ.

Mục tiêu của NSƯT Phi Điểu là còn sức thì còn làm. Đem lại cho cộng đồng niềm vui nho nhỏ.

“Chưa khi nào tôi đòi hỏi mức cát xê. Khi các nhà sản xuất hỏi tôi về thù lao, tôi luôn nói cứ trả sao cho phim và tôi đều không bị thiệt. Mỗi phân đoạn của tôi dạo này từ 300 - 500 nghìn đồng. Một lần quay quảng cáo 3 tiếng đồng hồ được mấy trăm đô la, đó là mức cát xê cao nhất. Số tiền chắt chiu từ các bộ phim tôi sung vào các quỹ khuyến học và đóng góp cho bà con có hoàn cảnh đáng thương. Hễ rảnh thì tôi chạy xe đến khu dưỡng lão nghệ sĩ, thăm các đồng nghiệp và trao quà, chút tình thương của tôi” - bà bộc bạch chân thành.

Sống có ích cho thế hệ trẻ qua mỗi công việc truyền nghề, từ diễn xuất cho đến lồng tiếng, phát thanh viên, NSƯT Phi Điểu là tấm gương và điểm tựa bền bỉ cho thế hệ trẻ làm nghệ thuật tử tế.

… Làm cho tiếng Việt đẹp hơn trong đời sống

* Bà có hài lòng về cuộc sống hiện tại không?

- Tôi hạnh phúc lắm, vì hiếm nghệ sĩ nào như tôi ở tuổi 87 vẫn còn được làm nghề, được đến phim trường mỗi ngày và có vai diễn. Đi đâu tôi cũng có con cháu, các diễn viên yêu quý, xem tôi như mẹ, như ngoại, như nội… Thương lắm.

* Nếu quay trở về thời kỳ đầu, bà có theo nghề phát thanh viên và lồng tiếng?

- Chắc chắn sẽ không có lựa chọn nào khác. Vì hai cái nghề đó bổ sung cho nhau và cho tôi nhiều kinh nghiệm để làm nghệ thuật, sau này áp dụng vô diễn xuất cũng thuận tiện lắm. Có gì thú vị bằng mình xem người ta diễn qua, rồi lồng lời thoại vào đó, gửi vào đó hơi thở, nhịp đập trái tim và cả những day dứt, trăn trở của cuộc sống.

Sau này vì sức khỏe kém tôi chỉ nhận lồng tiếng cho vai của mình và một số vai bà già Nam Bộ của các bạn đồng nghiệp khác. Nhưng thú vị lắm, cứ vào phòng thu âm thì cứ như quá khứ tuổi trẻ quay về với tôi.

* Bà mong muốn điều gì cho nghề lồng tiếng hiện nay?

- Các diễn viên trẻ còn yếu về tiếng nói sân khấu lắm, có thể do các em có được đào tạo nhưng lại không chịu khó rèn luyện. Đi quay phim thì nhiều em cứ phát âm sai chính tả, hoặc nói giọng địa phương. Khó cho việc lồng tiếng. Và đội ngũ diễn viên chuyển âm, lồng tiếng cũng vậy, rất cần được đào tạo thật tốt để làm đẹp hơn cho tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta xem nhẹ khâu này thì một số phim chưa thể đạt chất lượng nghệ thuật. Đang xem một bộ phim Việt hay, tự dưng có hạt sạn do phát âm sai của người lồng tiếng, thì tiếc biết chừng nào. Có lẽ vì kỹ nên khi đi thu âm, nghe diễn viên thoại sai, dù không phải là vai của tôi, tôi cũng yêu cầu đạo diễn phải cho thu lại, mỗi tác phẩm của chúng ta đều phải hướng đến mục đích làm cho tiếng Việt đẹp hơn trong đời sống.

* Xin cảm ơn bà!

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm