09/05/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Hát bội (hát tuồng) của thế kỷ 21 như một di tích nặng mang dấu vết của một thời vàng son rực rỡ, đang nằm trải mình giữa sương gió phũ phàng. Tôi đi xem Liên hoan Nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc 2011, ngoài tình yêu dành cho hát bội, còn vì muốn tự trả lời câu hỏi có thể đau lòng nhưng rất cần phải hỏi: Hát bội hôm nay còn khán giả không, có còn những bạn trẻ sẵn lòng sống chết với nó giữa cơn bĩ cực này không?
Tri âm ơi hỡi tri âm!
Ngày đầu tiên đặt chân đến Quy Nhơn, thành phố đón tôi bằng băng-rôn của Liên hoan Nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc (LHNTTTT, diễn ra từ 25 đến 30/4 tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và tiếng loa phóng thanh giới thiệu giờ giấc biểu diễn vọng ra từ phía Hội trường Quang Trung. Nhìn về hội trường từ xa, người đi đường có thể thấy những poster đầy màu sắc của các đoàn có tiết mục biểu diễn trong ngày treo trước rạp. Có thể thấy BTC đã khá chu đáo trong việc quảng bá LHNTTTT với khán giả. Nhưng liệu có khán giả không?
Đêm đầu tiên, tôi cố ý đến hội trường Quang Trung vào lúc 19h, mặc dù phải đến tận 20h mới biểu diễn. Nhưng hóa ra tôi không phải là người đầu tiên, vì trong hội trường đã có độ chừng năm bảy chục khán giả ngồi chờ. Còn 15 phút đến giờ biểu diễn, hơn 2/3 chỗ ngồi trong hội trường rộng lớn này đã có chủ. Lòng vẫn nghi ngại, hay là khán giả đặc biệt thích một đoàn nào đó nên đi xem đông? Nhưng tiếp tục đi xem những đêm sau, vẫn lượng khán giả hơn 2/3 vào buổi tối và hơn 1/2 vào buổi sáng, tôi đã tin rằng khán giả đến đây vì mê xem hát!
Cảnh trong vở Trảm Trịnh Ân, vở diễn dự thi của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM
Gìn vàng giữ ngọc
Những nhà tổ chức đặt ra yêu cầu nghệ sĩ vào vai chính và thứ chính không được quá 40 tuổi và vở diễn dự thi phải là “tuồng truyền thống”, mục tiêu không gì khác hơn là gìn vàng giữ ngọc cho vốn tuồng cổ đồng thời khuyến khích tài năng trẻ. Nhìn Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dự thi với 2 vở diễn (trong khi các đoàn khác chỉ dựng một vở) cũng có thể thấy phần nào lạc quan về lực lượng nghệ sĩ trẻ và những nghệ sĩ đang bước vào giai đoạn chín muồi. Trong đó nổi bật là Nhà hát Tuồng Việt Nam với dàn đào kép “có thinh, có sắc” và khá đồng đều, dự thi thành công với một tuồng văn (Thất hiền quyến) và một tuồng võ (San Hậu). Đoàn không đông đảo về nhân lực cũng có cách nâng niu vàng ngọc riêng của mình. Ví dụ như Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM với 4 NSƯT làm dàn bao (quân sĩ và nữ binh) thực sự là một hình ảnh đẹp về sự chia sẻ và đồng hành trên con đường bảo tồn và phát triển nghề.
Ám ảnh bởi những ánh nhìn mê mẩn của khán giả, những khóc - cười như lên đồng của nghệ sĩ, những lung linh rực rỡ của sân khấu trong những ngày liên hoan, để rồi chớp mắt, quay về với thực tại phẳng lặng u buồn của hát bội.
Nhìn sự lộng lẫy của Lộc Huyền (Nhà hát Tuồng Việt Nam) hay vẻ đẹp dịu dàng của Kiều Oanh (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế), có khán giả thốt lên: “Đẹp quá mà đi theo nghề hát, uổng ghê!”. Hát bội của ngày xưa là “thinh, sắc, thục, khí, thần”, mà vẻ đẹp là một trong những yêu cầu cần có mà thôi. Nhưng cũng không trách được cảm xúc tiếc nuối ấy, khi mà hát bội giờ đìu hiu đến tê tái lòng. Vậy mà xem biểu diễn, và nếu có dịp lắng nghe những tâm sự của các bạn nghệ sĩ trẻ, chúng ta mới hiểu rằng hát bội với họ có sức hút mãnh liệt hơn bất cứ tiêu chuẩn được - mất thông thường nào. Như lời chân tình của một bạn nghệ sĩ ngoài hai mươi, mà tôi tin rằng đó là cũng là tâm tư chung của rất nhiều người khác: “Bây giờ theo nghề này cực và nhiều khi cũng tủi lắm chứ. Nhưng bỏ nghề thì không bao giờ”.
Và ngày mai?
Khán giả đấy, nghệ sĩ đấy, không khí ấm cúng của những đêm diễn đấy, nhưng hết LHNTTTT rồi sẽ ra sao? Những bạn trẻ nhiệt huyết của tôi, rồi họ sẽ về đâu trong thường nhật? Những suất diễn phục vụ nơi hẻo lánh, những đêm diễn thu hình ít ỏi, hay những buổi biểu diễn với khán giả đếm trên đầu ngón tay? Khán giả với trái tim ấm nồng ấy, họ còn lụm cụm đến với hát bội đươc bao nhiêu năm nữa, khi mà nhìn đỏ mắt không kiếm được bao nhiêu khán - giả - U40 cho “vừa” với nghệ - sĩ - U40?
Bảo tồn và phát triển phải đi đôi với nhau, giữ một hiện vật quý trong bảo tàng còn dễ hơn giữ một bảo vật văn hóa trong lòng con người, cho hôm nay và cả mai sau. Liên hoan và nghệ sĩ trẻ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải làm sao tìm cho hát bội những khán giả mới. Một điều ai cũng biết, ai cũng cố gắng làm, nhưng kết quả dường như vẫn chưa thực sự như mong đợi! Nhiều người chọn cách hiện đại, cách tân cho hát bội gần với khán giả. Tôi thì tin rằng, hát bội là một đặc sản đậm đặc tinh hoa văn hóa dân tộc, như men cay xé của rượu Bàu Đá miền Trung hay vị nồng của mắm miền Nam. Người ta không thể giảm nồng độ rượu hay làm nhạt mùi mắm để thực khách phương xa dễ nếm thử, vì thế thì còn chi là rượu Bàu Đá, còn chi là mắm ngon? Điều duy nhất có thể và phải làm là giúp cho đặc sản “đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh thực phẩm” để yên tâm người thưởng thức mà thôi.
Với hát bội, cần gạn đục khơi trong, loại bỏ những yếu tố tiêu cực thực sự và giữ gìn đúng cái hồn, cái chất của nó - rồi hãy đem đi quảng bá. Tuồng truyền thống có thể xem là loại tuồng dùng để “tiếp thị” tốt nhất, nhưng vấn đề quan trọng nữa là quảng bá sản phẩm ấy như thế nào? Các đoàn hát có địa điểm sáng đèn thường xuyên chưa, có đủ điều kiện vật chất và tinh thần để tồn tại chưa, hát bội có được “PR” đúng mực chưa…? Nếu có quá nhiều cái “chưa” thì có lẽ những Liên hoan hay Hội diễn cũng chỉ là dịp gặp nhau của người làm nghề, vài đêm vui ngắn ngủi của khán giả hội ngộ nghệ sĩ mà thôi.
Rời LHNTTTT, trong đầu tôi vẫn còn bị ám bởi những ánh nhìn mê mẩn của khán giả, những khóc - cười như lên đồng của nghệ sĩ, những lung linh rực rỡ của sân khấu, để rồi chớp mắt, lại quay về với thực tại phẳng lặng u buồn của hát bội. Bỗng nhớ một câu hát của Triệu Khánh Sanh mà cụ Đào Tấn đã viết, sao mà giống số phận lênh đênh hát bội bây giờ đến vậy: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay”…
Hy Văn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất