Nguyễn Đới Chung Anh: 'Con đã vẽ những điều tốt đẹp giữa đại dịch

24/09/2020 08:25 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Vượt lên trên tính chất tuyên truyền, cổ động về chủ đề phòng chống Covid-19, cũng rất khác so với những bức tranh “ngây ngô” của thiếu nhi, tranh của cô bé Nguyễn Đới Chung Anh là một góc nhìn vừa hồn nhiên vừa dữ dội về sự hỗn loạn cũng như sự kiên cường của thế giới trong đại dịch. Tranh có sự chững chạc và phức tạp về bố cục, tạo hình, cách lồng ghép câu chuyện và cả khả năng liên tưởng.

Hướng tới Tết Trung thu và giải thưởng Dế Mèn: '199 mấy hồi ấy làm gì' - Một thế hệ vô ưu?

Hướng tới Tết Trung thu và giải thưởng Dế Mèn: '199 mấy hồi ấy làm gì' - Một thế hệ vô ưu?

Hướng tới Tết Trung thu 2020, 100 năm ngày sinh Tô Hoài (27/9/1920 - 2020), cũng là dịp trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần đầu tiên do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức (29/9/2020), chúng ta hãy cùng điểm lại bầu không khí sáng tác, trình diễn nghệ thuật cho thiếu nhi trong thời gian qua, cùng những đỉnh cao văn học thiếu nhi trong quá khứ.

Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục, khi biết tác giả bộ tranh này mới chỉ 10 tuổi, đang học lớp 4 Trường Tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội. Cùng với MV Ghen cô Vy của bộ ba Khắc Hưng - Min – Erik, tranh cổ động Ở nhà là yêu nước của họa sĩ Lê Đức Hiệp, bộ tranh của Nguyễn Đới Chung Anh đã được một số hãng thông tấn, báo chí trong nước và thế giới giới thiệu rộng rãi.

Con nhà nòi nhưng tự tìm tòi cách vẽ

Nguyễn Đới Chung Anh sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ trong ngành mỹ thuật. Vì thế, khi biết em vẽ tốt, ai cũng nghĩ ngoài việc thừa hưởng gen của cha mẹ, Nguyễn Đới Chung Anh hẳn phải được bố mẹ dạy dỗ, bồi dưỡng, “truyền nghề” cho từ bé.

Chú thích ảnh
Nguyễn Đới Chung Anh bên bố mẹ và em gái

Nhưng theo chị Đới Xuân Hiếu (mẹ của Nguyễn Đới Chung Anh) thì cô bé bộc lộ khả năng về mỹ thuật của mình từ rất sớm. Mọi cách vẽ, phối màu đều do Chung Anh tự tìm hiểu, mày mò… Duy nhất chỉ một lần Chung Anh được bố mẹ dạy cho cách bố cục, làm nổi chủ đề muốn thể hiện trên tranh.

“Khoảng 3 tuổi con đã vẽ theo các hình con vật mà con yêu thích. Đến khi học mẫu giáo, con thường được các cô khen là rất có năng khiếu về mỹ thuật. Nhưng chỉ đến khi bắt đầu vào lớp 1 thì con mới thực sự vẽ những bức tranh không theo đề tài hoặc gợi ý của các cô giáo” - chị Đới Xuân Hiếu nói - “Bố con là người rất yêu nghệ thuật và làm việc rất nghiêm túc. Vì thế con cũng sớm học được sự nghiêm túc khi thực hiện các ý tưởng của mình lên giấy”.

Chú thích ảnh
Nguyễn Đới Chung Anh bên tác phẩm về dịch COVID-19

Sở thích của Chung Anh khi cầm cọ là vẽ về những điều trong trí tưởng tượng của em, và về vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Khi bước vào lớp 1, em cùng các anh chị lớp lớn hơn vẽ tranh để báo cáo về hoạt động hè. Vì Chung Anh là tác giả bé nhất trường, nên khi tranh được gửi lên chấm, thầy cô giáo loại tranh ra vì không tin một cô bé lớp 1 vẽ được như vậy. Chỉ đến khi giáo viên của Chung Anh khẳng định rằng cô bé tự vẽ, giải Nhất mới được trao cho em.

Trong gia đình, mẹ là người đầu tiên phát hiện ra Chung Anh có năng khiếu. Chung Anh kể: “Mẹ đã ủng hộ và khích lệ con vẽ những gì con thích. Mẹ đã mua cho con rất nhiều bút màu, nhiều loại chất liệu khác nhau để con có thể thỏa sức sáng tạo. Mẹ cho con đi mua sách, rồi cho con xem rất nhiều những thứ hay và đẹp để giúp con có nhiều trí tưởng tượng hơn".

“Bố mẹ luôn nhắc nhở con: Muốn trở thành hoạ sỹ vẽ tranh giỏi thì con phải dành thời gian cho nó mỗi ngày, ít nhất là 1 tiếng” - cô bé kể thêm - “ Mặc dù đi học có nhiều bài và cả tuần, nhưng con vẫn cố mỗi ngày làm bài tập về nhà xong, con sẽ vẽ. Con có thể vẽ tranh to, hoặc có thể chỉ vẽ những điều con thích ra mẩu giấy nhỏ…”

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Vòng quay ánh sáng” của Chung Anh vẫn đang nổi bật trên trang chủ của UNICEF tại Việt Nam

“Hiệp sĩ” chống Covid-19 bằng tranh

Nói về sự ra đời của bộ tranh được giải, Chung Anh cho biết: Đó là do những ngày đầu tiên sau khi nghỉ Tết, em đã không được đến trường vì dịch bệnh. “Con đã rất lo lắng sau khi nghe các tin tức trên tivi, và con đã vẽ ra giấy những gì con nghĩ đến. Đó là câu chuyện ở những đất nước đầu tiên có Covid-19. Các bạn nhỏ ở nước đó cũng bị ảnh hưởng như chúng con” - Chung Anh kể - “Lúc đầu con vẽ 1 rồi 2, rồi 3 bức... con không nghĩ đến bây giờ con đã có 14 bức tranh nói về đại dịch này”.

Xem bộ tranh của Chung Anh, ta có thể dễ dàng nhận ra: Mỗi bức tranh về Covid-19 là một sự kiện nổi bật, hoặc là những điều Chung Anh đã cảm nhận được bằng trí não của mình. Và tuyệt vời hơn, bộ tranh ấy đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nhưng không hề khô khan, thậm chí vẫn tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội trong việc phòng chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
1 bức tranh trong bộ tranh về đề tài COVID-19 của Nguyễn Đới Chung Anh

Người xem cũng dễ dàng “đọc” được những thông điệp của một cô bé tuy mới 10 tuổi nhưng cái nhìn của em đã rất… người lớn. Đó là những thông điệp về ảnh hưởng của đại dịch với thế giới, là lời cảm ơn tri ân đến các bác sỹ, chiến sỹ và những người trên tuyến đầu chống dịch ở khắp mọi nơi, là những giá trị tốt đẹp mà tất cả chúng ta đều thấy được giữa con người với con người trong đại dịch.

Tranh của Nguyễn Đới Chung Anh đã được giải đặc biệt của UNICEF trong chiến dịch “Lòng tốt dễ lây”. Tại cuộc trao giải này, Chung Anh đã có cuộc gặp gỡ với bà Rana Flower, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam. Bà đã rất bất ngờ và ấn tượng với những bức vẽ của Chung Anh và cho biết: Nếu không gặp và không đọc về thông tin về Chung Anh, sẽ không ai nghĩ đó là những bức tranh ấy được vẽ bởi từ một cô bé 10 tuổi. Sau đó, UNICEF đã dùng bức tranh của Chung Anh làm ảnh chính trên trang web của họ tại Việt Nam. Bức tranh Vòng quay ánh sáng cũng được lựa chọn để làm bìa cho cuốn sách về các tác phẩm cũng như những bức kí hoạ của chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” của UNICEF, kết hợp với Bộ Y tế và Công ty Nhã Nam để ấn hành.

Tôi hỏi: “Theo Chung Anh, một Hiệp sĩ là một nhân vật như thế nào? Nếu Chung Anh là một Hiệp sĩ, Chung Anh sẽ làm gì"?

Chú thích ảnh
1 bức tranh trong bộ tranh về đề tài COVID-19 của Nguyễn Đới Chung Anh

Chung Anh nói: “Theo suy nghĩ của con, Hiệp sĩ phải là một người bảo vệ công lí, làm những điều đúng đắn và biết bảo vệ lẽ phải. Nếu con là Hiệp sĩ vào lúc này, con muốn tiêu diệt con virus Corona. Con thấy nó đã gây rất nhiều điều xấu, nhiều người đã phải chết vì nó, thế giới đang rất khổ vì nó. Trong đời thực, con không phải là Hiệp sĩ, nhưng con đã tưởng tượng và dùng nét vẽ của mình, biến ra thành thuốc, thành vắc-xin... để có thể tiêu diệt hết Covid-19 trên thế giới này”.

Chung Anh còn cho biết thêm: “Mơ ước của con bây giờ và tương lai là con sẽ trở thành một họa sỹ. Vì khi vẽ tranh, con được sống trong thế giới của mình, không có giới hạn về tưởng tượng và con muốn vẽ thật nhiều những bức tranh đẹp cho cuộc sống tươi đẹp hơn”.

 

Ánh sáng của lòng tốt

“Con đã vẽ những điều tốt đẹp mà chúng ta thấy giữa đại dịch, mỗi một lòng tốt tỏa sáng như những chiếc bóng đèn. Và khi lòng tốt khớp vào với nhau, xã hội sẽ chuyển động tốt hơn, ánh sáng lòng tốt sẽ soi sáng những ngày tháng tăm tối của đại dịch. Con mong không chỉ trong chiến dịch, cũng không chỉ khi có dịch bệnh, mà ngay cả khi những ngày bình thường, lòng tốt sẽ còn mãi” – Tâm niệm của Nguyễn Đới Chung Anh.

Tự hào và lo lắng

“Là cha mẹ của Chung Anh, chúng tôi cảm thấy rất vui vì con trưởng thành và học được nhiều điều thông qua việc vẽ tranh. Tuy nhiên cũng cảm thấy lo lắng vì nếu con bị ngủ quên trong những điều mà truyền thông mang lại mà không chăm chỉ rèn luyện, con sẽ không đi được một chặng đường dài mà chỉ nổi lên như một hiện tượng nhất thời. Gia đình rất tôn trọng những quyết định của con. Dù biết con đường con lựa chọn rất khó khăn, nhưng gia đình sẽ luôn ở bên và ủng hộ con, hỗ trợ hết sức những gì có thể để con thực hiện được ước mơ của mình” – Phát biểu của chị Đới Xuân Hiếu, mẹ của Nguyễn Đới Chung Anh.

Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020 sẽ diễn ra vào hồi 14h, ngày thứ Ba, 29/9/2020 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

 

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm