Nguyễn Quang Thiều kể về thế giới của thi ca và tội ác

11/02/2017 10:15 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những dòng hồi tưởng về một chuyến đi đầy cảm xúc của ông với sứ mệnh thơ ca. Thể thao & Văn hóa xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Tôi lên đường tới Colombia để dự Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 22 được tổ chức tại thành phố lớn thứ hai Colombia: thành phố Medellín và mang theo một câu chuyện nhiều suy ngẫm về đất nước này trong suốt chuyến bay. Đó là khi đất nước Colombia của nhà văn Garcia Marquez đang chạy đua giành quyền đăng cai World Cup năm 1982 thì ông được trao Nobel cho cuốn tiểu thuyết Trăn Năm Cô Đơn. Khi đó, Tổng thống Colombia đã kiêu hãnh tuyên bố họ không cần World Cup nữa, giải Nobel của Garcia Marquez là đủ cho đất nước Colombia.

Vì Colombia không có sứ quán tại Việt Nam nên tôi phải lấy visa Colombia tại Tổng lãnh sự Colombia ở thành phố Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ. Người phụ trách lãnh sự Colombia ở đó là một phụ nữ trẻ.

Chị tiếp tôi tại một căn phòng nhỏ trong lúc đang hâm nóng thức ăn cho bữa trưa của chị. Chị vừa trò chuyện với tôi vừa làm giấy tờ và cấp visa cho tôi. Trước khi chia tay, chị dặn tôi hãy cẩn thận với hành lý sách tay của tôi khi làm thủ tục ở sân bay thành phố Medellín vì có thể có những kẻ buôn bán ma túy lợi dụng sự lơ là của hành khách mà bỏ vào hành lý xách tay của họ ma túy để hành khách vô tình trở thành người vận chuyển không công cho chúng.

Nghe vậy, tôi thực sự thấy ớn lạnh. Nếu vô tình an ninh sân bay kiểm tra hành lý sách tay của tôi mà thấy một vài bánh heroin trong đó thì chẳng ai có thể cứu được tôi. Những khách hành bất hạnh như vậy vẫn xẩy ra. Thế là trong suốt chuyến bay từ Mỹ đi Colombia và ngược lại, tôi ôm khư khư chiếc ba lô trước ngực mà vốn chỉ để khoác sau lưng.

Nguyễn Quang Thiều tham dự tọa đàm về thơ trong Liên hoan thơ tại Medellín, Colombia 2006

Ở sân bay Medellín, giữa những nhân viên ninh Colombia chìm nổi cùng với một cảm giác căng thẳng là những tấm poster về Liên hoan thơ quốc tế và những lời chào đón nồng nhiệt.

Đêm thơ khai mạc Liên hoan thơ quốc tế Medellín kéo dài năm giờ đồng hồ dưới trời mưa tầm tã. Vì sân khấu đọc thơ ngoài trời nên sức chứa khoảng ba ngàn người. Những người yêu thơ đã che ô và ngồi nghe thơ mà hầu như không ai bỏ ra về. Trước buổi khai mạc, khi các nhà thơ quốc tế chúng tôi đến nơi khai mạc đêm thơ, tôi thấy cảnh sát Colombia kiểm tra rất nghiêm ngặt người đến nghe thơ mà chủ yếu kiểm tra vũ khí và bom.

Cho dù tôi cũng biết một số tình hình an ninh ở Colombia trước khi đến đất nước này nhưng tôi cảm thấy một điều gì đó bất trắc. Nhưng chính trong sự bất trắc này, tôi lại nhận ra sứ mệnh của thi ca. Thi ca chính là Cái đẹp và Cái đẹp trên thế gian này luôn luôn phải đối mặt với Cái ác. Và đất nước Colombia cũng là một trong những nơi trên thế gian này đã trở thành ví dụ về Cái đẹp sinh ra giữa tội ác.

Một buổi tối, khi ngồi uống cà phê ở khách sạn nơi tôi ở, tôi nghe những tiếng súng vang lên liên tiếp ở khu nhà cách khách sạn chừng vài trăm mét. Sáng hôm sau, tôi hỏi một nhân viên khách sạn có chuyện gì xẩy ra đêm qua và được biết có một vụ thanh trừng nhau của những nhóm tội phạm Colombia. Chuyện như vậy thực sự không có gì bất ngờ với người dân Colombia cũng như nhiều người trên thế giới biết về đất nước này. Khi tôi nói chuyện với nhà thơ Fernando Rendón, Chủ tịch Liên hoan thơ quốc tế Medellín về những tiếng súng đêm trước và hỏi ông sứ mệnh thi ca trên đất nước ông.

Ông kéo tôi ra sát mép phố và nói: “ Ở bên kia phố là ma túy, bạo lực và mại dâm, ở bên này phố là các thi sỹ và những người yêu thơ. Sứ mệnh của những thi sỹ và những người yêu thơ là không cho những kẻ bên kia phố lấn chiếm bên này phố”. Nhân loại không bao giờ triệt tiêu hết tội ác. Chính vì thế mà Cái đẹp mà thi ca là một ví dụ không bao giờ được khuất phục. Nếu chúng ta khuất phục, cái ác sẽ thống trị thế gian này.

Một buổi tối, một thi sỹ người Medellín đưa tôi đi “trải nghiệm” thế giới ban đêm của thành phố này. Vì tôi biết tiếng Tây Ban Nha nên ông dặn tôi chỉ nói tiếng Tây Ban Nha. Rồi ông nhìn tôi, nhoẻn cười và nói “Tốt, tốt, ông nhìn rất giống một người Mỹ La Tinh”. Ông nhận xét như thế bởi tôi có thân hình thấp đậm, da ngăm ngăm, để ria mép và nói một số từ tiếng tây Ban Nha đường phố mà tôi học được của mấy người bạn Cuba hồi còn học ở đó. Dọc phố có rất nhiều khách sạn, bar, vũ trường...

Và trước những nơi ấy tôi thấy những cô gái Colombia ăn mặc sexy tưởng như chỉ chạm kẽ là những mảnh vải nhỏ và quá mong manh trên người các cô gái ấy sẽ rơi ngay xuống. Từ những nơi ấy, thoảng ra mùi tài mà.

Nhà thơ người Medellín nói với tôi nếu đứa bé nào đi qua được những cám dỗ và sự đe dọa của đời sống các đô thị ở Colombia chúng sẽ trở thành những người mạnh mẽ và có ích. Ông nói với tôi hãy nhìn những cậu bé đang trượt patin trên phố hay đang túm tụm làm gì đó sau này cậu bé nào sẽ trở thành một ông trùm ma túy như Escobar khi mà từ lúc những đứa trẻ ấy bước ra khỏi nhà chúng đã nghe tiến súng, đã ngửi thấy mùi chất gây nghiện và đã nhìn thấy các cô gái bán dâm. Mọi điều đều có thể xảy ra. Một đất nước lúc nào cũng nóng bỏng bởi bạo lực, ma túy và mại dâm. Và chính lý do đó thi ca chân chính nói riêng và nghệ thuật nói chung chính là chiếc áo giáp vô cùng quan trọng để bảo vệ tâm hồn con người lớn lên trên mảnh đất này.

Một buổi chiều được nghỉ, tôi một mình đi bộ lang thang trên phố như đi qua một thế giới thu nhỏ. Ở đó, tôi thấy những người đàn ông tóc vuốt keo, đeo kính đen, nhẫn vàng hoặc kim cương đeo đầy trên những ngón tay, tôi thấy những người bán đĩa phim sex với những hình ảnh chẳng còn gì che giấu, tôi thấy những kẻ nghiện ma túy vờ vật và tăm tối, tôi thấy những cô gái bán dâm ngực to quá cỡ mời chào, tôi thấy những người ăn xin, tôi thấy những công chức ăn vét đeo ca-ra-vat lịch sự, tôi những họa sỹ ngồi vẽ tranh nhỏ bán, tôi thấy những nghệ sỹ chơi đàn, tôi thấy quầy bán sách.....Tất cả xen lẫn nhau. Cái đẹp và sự xấu xa. Tình yêu thương và sự băng giá.

Và buổi tối hôm đó, tôi lại chìm vào một thế giới của thi ca. Họ ngồi im lặng lắng nghe thi ca vang lên như một nghi lễ lớn lao, như một đức tin và như một sự dâng hiến. Sau mỗi đêm thơ trở về, tôi nhận thấy trên gương mặt những người đến nghe thơ hắt lên ánh sáng. Họ đang tìm cách chống lại một tai ương khủng khiếp có thể xẩy đến với dân tộc họ như nhà văn vĩ đại Garcia Marquez đã cảnh báo trong tác phẩn Trăm Năm Cô Đơn khổng lồ của ông là sinh ra những đứa trẻ có đuôi lợn.

Thông điệp trong câu chuyện này của Garcia Marquez mà những con người của xứ ở đó đã nhận ra là khi Cái đẹp bị giết chết thì con người chỉ còn là những dị thú. Đúng vậy, Garcia Marquez không hiện thực hóa hay mơ mộng hóa đời sống ông đang sống. Ông cảnh báo chúng ta về tương lai, một sự hủy hoại đang lớn dần lên trong những thỏa mãn điên rồ của con người. Một đời sống có thể suy tàn bởi chính con người. Cảnh báo này không dành riêng cho bất cứ dân tộc nào, mà dành cho mọi dân tộc đủ sáng suốt để nghe thấy lời cảnh báo của ông.

Rời Colombia trở về, tôi lại ôm khư khư chiếc ba lô trước ngực tại sân bay Medellín. Thấy hành động của tôi có vẻ “nghi vấn”, hai nhân viên anh ninh cửa khẩu Colombia đã tiến về phía tôi. Họ mời tôi đến chiếc bàn làn việc và hỏi tôi trong ba lô có gì. Tôi trả lời họ “thơ”. “Thơ ?”, họ hỏi lại tôi. Tôi mở ba lô ra và đưa cho họ xem mấy tập thơ mà các nhà thơ Colombia tặng tôi và một tờ báo của Medellín. Trong tờ báo đó có cả hai trang tôi trả lời phỏng vấn về thơ ca với cái tít là câu nói của những người làng Chùa quê tôi “Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”.

Thấy thế, cả hai nhân viên an ninh cửa khẩu đều hân hoan khi biết tôi là nhà thơ. Họ xin chụp ảnh chung với tôi. Tôi đã tặng cho họ tờ báo đó với chữ ký của mình. Sau đó họ dẫn tôi vào cửa kiểm soát giới thiệu tôi với những nhân viên khác. Rồi họ ôm tạm biệt tôi trong xúc động. Mới đó mà đã mười năm trôi đi. Nhưng chuyến đi ngắn ngày đến xứ sở của thi ca ấy đã mở ra trong tôi một cánh cửa và tôi đã nhìn thêm bao điều mới mẻ về thế gian này.

Nguyễn Quang Thiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm