Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Đừng bắt người dân giữ di tích không công

31/07/2013 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Để bảo tồn làng cổ Đường Lâm, địa phương cần "xin" Trung ương 500 tỷ đồng. Khi "hội chứng" xin trả di tích lan tới phố cổ Đồng Văn, dự án bảo tồn di tích này cũng sẽ tốn hàng chục tỷ …

Vậy là sau thời kỳ “hội chứng” chạy xin công nhận di tích, giờ xuất hiện “hội chứng” trả lại di tích. Và sau khi được công nhận di sản, thậm chí ở tầm quốc tế, hàng loạt di sản lại trở thành cỗ máy đốt tiền, với những dự án đề xuất xin đầu tư cả trăm tỷ đồng - thay vì tạo sức hút mới cho du lịch địa phương. Tại sao lại có những chuyện trớ trêu và nực cười như thế?

TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi giữa với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa - Nghệ thuật VN).


Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

* Đằng sau câu chuyện “xin trả danh hiệu” này là gì, theo anh?

- Rất dễ hiểu, chúng ta đang có những mâu thuẫn không thể giải quyết trong việc bảo tồn di sản. Lấy Đường Lâm làm ví dụ. Qua những lộn xộn vừa rồi, chúng ta thấy rõ: nhu cầu văn minh hóa của người dân là chính đáng, chính đáng không kém gì nhu cầu của Nhà nước trong việc bảo tồn làng cổ này. Vậy, muốn giữ nguyên trạng không gian cổ của Đường Lâm, Nhà nước cần có quỹ đất, cần có chi phí hỗ trợ xây dựng, để đảm bảo việc giãn dân theo đúng nguyên tắc bảo tồn.

Chúng ta có quá nhiều di tích cần bảo tồn như vậy. Và cách làm chủ yếu bây giờ vẫn là trông vào nguồn kinh phí nhà nước. Đó là bài toán quá sức với một nền kinh tế đang suy thoái như hiện nay. Mà nếu không suy thoái, chắc chắn Nhà nước cũng không thể è cổ ra gánh. Tiền đâu, đất đâu, nếu di sản nào cũng xin kinh phí tầm 500 tỷ như Đường Lâm?

Ở những di sản như Đường Lâm, người dân vẫn phải tham gia bảo tồn không công. Họ chưa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trùng tu, chưa được hưởng những nguồn lợi kinh tế mà di sản mang lại - và quan trọng nhất là không được phép chủ động lo cho nhu cầu cải thiện chỗ ở của mình. Từ đó, tâm lý chán di sản, coi di sản là cái danh hão… cũng dễ nảy sinh thôi.


Nhà tầng ở Đường Lâm

* Chúng ta đã có 8 năm kể từ khi trao danh hiệu cấp quốc gia cho Đường Lâm, hay 5 năm với phố cổ Đồng Văn. Nếu không đủ điều kiện kinh tế để thực thi ngay, chúng ta vẫn có thể xây dựng một lộ trình hợp lý để từng bước một giải tỏa “sức ép” tại các di tích này. Nghĩa là, hoặc chúng ta quá chậm, hoặc chúng ta không ý thức được về nhu cầu cần thiết đó?

- Mọi khâu của chúng ta, từ khi phong danh hiệu, cho tới lúc bảo tồn đều gặp vấn đề cả. Và có những vấn đề nực cười tới mức không hiểu nổi. Chẳng hạn, khi sự việc ở Đường Lâm vỡ ra, người ta mới phát hiện việc thu tiền vé từ khách du lịch là của chính quyền, chứ không phải nguồn thu cho chủ sở hữu những ngôi nhà cổ. Hoặc, một số thông tin nhắc tới việc nhà của dân thì cấm xây dựng nhưng nhà của cán bộ xã thì vẫn cao 2 - 3 tầng như thường. Chính sự thiếu công bằng ấy mới khiến người dân phản ứng dữ dội như thế.

Bây giờ, tôi thấy khái niệm “phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản” đang bị hiểu rất lung tung. Chúng ta không hỗ trợ kinh phí, không có biện pháp để người dân trực tiếp hưởng quyền lợi từ di sản, nhưng lại luôn trông đợi vào việc giáo dục, vận động họ theo kiểu một chiều. Bạn có nói tới lộ trình từng bước bảo tồn, còn tôi thì không lạc quan lắm với điều ấy đâu. Thứ nhất, như đã nói, chúng ta sẽ sớm kiệt quệ, nếu bảo tồn toàn bộ các di tích theo kiểu bao cấp. Thứ hai, quan trọng hơn, với câu chuyện kéo dài 5, 7 năm tại Đường Lâm và Đồng Văn, người dân ở những di tích tương tự đã mất hết kiên nhẫn, đồng thời ý thức rõ được quyền lợi của mình rồi. Bởi thế, ngành quản lý đang bị đặt trước lựa chọn: hoặc bỏ kinh phí ra tiến hành hỗ trợ bảo tồn, hoặc chấp nhận tiếp tục nhận về những phản ứng tiêu cực như thế này.


Làng cổ ngổn ngang như công trường xây dựng

* Nhưng anh cũng thấy là hầu hết các vụ “trùng tu sai” thời gian qua đều rơi vào trường hợp thu hút nguồn vốn xã hội hóa để bảo tồn di sản, chùa Trăm Gian là ví dụ điển hình. Có nghĩa, vấn đề ở đây vẫn là năng lực chuyên môn?

-  Đúng hơn, đó là câu chuyện về quản lý. Không phải chúng ta không biết cách bảo tồn. Nhưng, “nhân vật chính” ở đây là những người trực tiếp bỏ tiền đầu tư, hoặc chủ thể quản lý trực tiếp di sản. Họ không mấy quan tâm tới nguyên tắc bảo tồn của thế giới, mà chỉ chú ý tới thị hiếu chung bây giờ. Khách hành hương thích di tích hoành tráng, màu mè, diêm dúa, sư tử Tàu, đèn đá Nhật Bản, tượng Phật xanh đỏ phát hào quang ư...? Thích thì chiều! Từ đó, khi bỏ tiền trùng tu, người ta muốn tranh thủ loại cũ làm mới, muốn đắp thêm được gì vào thì đắp. Thị hiếu của xã hội bây giờ là như thế. Giới chuyên môn nhìn di tích ở góc độ nghiên cứu văn hóa, còn người chủ nơi thờ tự thì nhìn ở góc độ cơ sở tín ngưỡng, miễn sao thu hút khách du lịch.

Rất buồn là thế này: tất cả những vụ việc như vậy đều do báo chí khui ra. Vụ trùng tu chùa Trăm Gian, nếu dư luận không lên tiếng, thì chắc hẳn sẽ không ai hỏi tới. Đình Ngu Nhuế, thành nhà Mạc cũng vậy. Rồi gần đây là chuyện phản ứng của người dân tại Đường Lâm hay Đồng Văn. Tại sao các nhà báo nhìn ra câu chuyện, trong khi những nhà quản lý địa phương lại không thể nhìn ra? Đó là vấn đề trách nhiệm của phía quản lý, hay vấn đề nhận thức?

Tại sao không áp dụng cách thu hút nguồn vốn xã hội hóa theo mô hình của các nước phát triển : đầu tư cho di sản, doanh nghiệp sẽ được giảm trừ thuế ?

* Rất nhiều di tích của chúng ta chưa thành công trong việc hấp dẫn du lịch. Hiếm hoi mới có một Hội An. 

-  Bỏ qua những đặc thù riêng về cấu trúc không gian, thì tôi thấy Hội An gần như là tài sản lớn nhất của một tỉnh nghèo. Họ đầu tư công sức, chuẩn bị rất lâu, để di sản này có thể gắn kết được với du lịch như hiện nay. Trong khi đó, khu vực phía Bắc có hàng nghìn di sản, nếu đầu tư hết thì sẽ tốn kém khôn cùng. Đó có thể cũng là lý do dẫn tới sự lúng túng như hiện tại. Nhưng xa hơn thế, điều cần thay đổi là tâm lý vội vàng, mạnh ai nấy làm trong cách khai thác di sản hiện nay. Chẳng hạn, để có một không gian làng cổ thật sự tại Đường Lâm, chúng ta sẽ phải mất thời gian rất lâu để tôn tạo, quy hoạch và từng bước thu hút du khách. Còn bây giờ, nếu chỉ có vài ngôi nhà cổ, vài con đường như hiện tại, thì không thể vội nghĩ tới chuyện kiếm tiền từ du lịch được.

* Vậy với quan điểm của anh, những điều có thể áp dụng ngay cho việc bảo tồn di sản là gì?

- Tôi vẫn băn khoăn, không hiểu vì sao chúng ta chưa áp dụng cách thu hút nguồn vốn xã hội hóa theo mô hình của các nước phát triển. Đầu tư cho di sản, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước giảm trừ một phần thuế, đồng thời gắn liền việc quảng bá thương hiệu của mình với di sản đang được bảo tồn. Tất nhiên, toàn bộ việc trùng tu, bảo tồn ấy phải được kiểm soát về chuyên môn, đảm bảo đúng nguyên tắc.
Còn, nếu mô hình ấy hơi xa, thì trước mắt tôi chỉ mong chúng ta luật hóa và quy định thật chặt về việc bảo tồn di sản đã. Quy định  thật rõ ràng, chẳng hạn như trùng tu di sản mà sai sót chuyên môn thì đền tiền làm lại? Xin kinh phí bảo tồn, nghiên cứu di sản, nhưng làm không đúng thì phải xử phạt… Có sự minh bạch, rõ ràng như thế thì bước đầu mới mong giảm bớt những lộn xộn như hiện tại.

Tuấn Hiệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm