17/02/2017 09:29 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Được biết đến với thể loại trào phúng bằng các bút danh Điệp Viên Không Không Thấy, Hai Cù Nèo, nhà văn Lê Văn Nghĩa khi trọng tuổi lại liên tục nhớ về thời niên thiếu của mình gắn với vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn.
Truyện dài đầu tiên ông trình làng viết về ngôi trường Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) mà ông từng theo học. Truyện dài Mùa Hè năm Petrus làm sống lại một thời đi học của nhà văn và bạn bè cùng thế hệ với Lê Văn Nghĩa. Tác phẩm này được đón đọc và tái bản nhiều lần.
Truyện dài Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ của Lê Văn Nghĩa vừa ấn hành
“Thừa thắng xông lên”, Lê Văn Nghĩa tiếp tục lùi ký ức của ông về thời… con nít, viết truyện dài có cái tên dài thòng: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy… Cuốn truyện này cũng được tái bản nhiều lần và đem đến cho người đọc nhiều ngạc nhiên về sinh hoạt một thời của Sài Gòn thông qua “góc nhìn” của trẻ con trong trẻo.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa về thăm lại trường tiểu học Bình Tây, nay là trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.6, TP.HCM). Ông đã tặng sách của mình cho lớp học trò thế hệ sau
NXB Trẻ vừa ấn hành tác phẩm mới toanh với tên truyện cũng dài thòng: Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ của Lê Văn Nghĩa. Truyện dài này lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 60 thế kỷ trước, nhà văn kể lại câu chuyện về những đứa trẻ ngộ nghĩnh đáng yêu với đủ trò vui buồn mang đậm dấu ấn học trò, gắn với một vụ mất tích bí ẩn chú chó nhỏ và cây bút máy.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã xúc động bật khóc trước những kỷ niệm ùa về
Lồng trong câu chuyện là những hình ảnh như thước phim như thước phim tư liệu về Sài Gòn xưa, với trường học, bến xe bus, những cửa hàng đầy màu sắc ở Chợ Lớn, hay cuộc sống của người tứ xứ tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định với ngôn ngữ, cử chỉ, nghề nghiệp mang bản sắc riêng… rất độc đáo.
Thế mạnh của giọng văn Lê Văn Nghĩa lâu nay là chất trào phúng, nên với Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, cũng được nhà văn viết với bút pháp dí dỏm hài hước. Tuy nhiên, đọng lại sâu đậm trong lòng người đọc chính là cách bọn trẻ xóm nghèo yêu thương đùm bọc nhau, đối xử với nhau đầy nghĩa khí…
Nhà văn Lê Văn Nghĩa từng học trường tiểu học Bình Tây (Q.6, Chợ Lớn) và trung học Petrus Ký, nên khi viết các tác phẩm này, ông dường như đem tất cả cảm xúc trân trọng về một thời niên thiếu trải lên trang giấy. Đến độ, khi về thăm lại trường Bình Tây và tặng sách cho học trò lứa đàn em, nước mắt nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa đã rơi, những giọt nước mắt hiếm thấy trên gương mặt của người đàn ông ngoài 60 này.
H.Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất