29/09/2020 10:21 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Chuyện của anh em nhà Mem và Kya không phải là tác phẩm được gửi dự thi Giải Dế Mèn, mà nó được các thành viên Ban sơ khảo chủ động tuyển chọn trong quá trình rà soát các sáng tác, trình diễn cho thiếu nhi được công bố trong giai đoạn từ 1/1/2019 đến 6/9/2020.
Tác phẩm ngay lập tức chinh phục được các thành viên Ban sơ khảo, Hội đồng giám khảo với sự đồng thuận rất cao. Nhưng rốt cuộc nó sẽ không nhận Giải thưởng Dế Mèn, bởi vì cha đẻ của nó - nhà văn Nguyễn Quang Thiều - là thành viên Hội đồng giám khảo và là một thành viên rất tích cực.
Dựa trên số phiếu bầu chọn rất cao, và đối chiếu với Quy chế Giải thưởng, Hội đồng giám khảo cùng Ban Tổ chức đã nhất trí và dự định trao 1 trong 2 Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn cho tác phẩm này. Nhưng cha đẻ của Chuyện của anh em nhà Mem và Kya đã cảm thấy "rất vô tư và hạnh phúc" khi quyết định xin rút khỏi giải để "tôn trọng giải đó cao hơn nữa".
“Có hai không gian vô cùng quan trọng. Thứ nhất là không gian người – những người sống cùng trẻ, thứ hai chính là thiên nhiên. Nếu chúng ta đánh mất cả hai không gian này, ta sẽ mất hoàn toàn đứa trẻ đó. Theo tôi, văn học thiếu nhi là thành trì đầu tiên đủ sức mạnh để bảo vệ một đứa trẻ” – nhà văn nhà văn Nguyễn Quang Thiều mở đầu câu chuyện về văn học nghệ thuật thiếu nhi với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Thế giới lớn từ những câu chuyện nhỏ
Chuyện của anh em nhà Mem và Kya là tác phẩm văn học thiếu nhi thứ 6 của Nguyễn Quang Thiều được xuất bản tháng 3 năm nay. Sau nhiều năm vắng bóng với các độc giả nhí, trong lần trở lại này, tác giả mang theo một sứ mệnh đặc biệt -“Sứ mệnh của người thư ký rất mực trung thành”.
“Hoàn cảnh sáng tác không có gì phức tạp. Mem là cháu nội tôi, Kya là cháu ngoại người nước ngoài của tôi. Tôi chỉ là một thư ký thay các cháu viết lại những việc xảy ra trong năm thứ nhất cuộc đời. Các câu chuyện trong Mem và Kya rất đơn giản. Nhưng với tôi, mỗi bước tiến của một đứa trẻ đều là niềm xúc độngvà cần sự đón nhận trang nghiêm của người lớn”.
Chuyện của anh em nhà Mem và Kya vẻn vẹn có vài ngàn từ, giống như cuốn nhật ký hàng ngày của một gia đình nhiều thế hệ, có ông bà, bố mẹ, anh, chị và những người xung quanh. Gia đình ấy thật đầm ấm, hạnh phúc dưới cái nhìn “trong vắt” của 2 đứa trẻ. Mem và Kya hiện lên với hàng loạt thắc mắc đầu đời: “Sao quê nội của người này lại là quê ngoại của người kia?”, “Tại sao người ít tuổi hơn lại là anh nhỉ?”, “Sao mình không có mặt trong ngày cưới của bố mẹ?”…
Xoay quanh câu chuyện cũng không thiếu những liên tưởng ngô nghê, những logic mà chỉ trẻ em mới có. Cái tài tình của Nguyễn Quang Thiều là ở chỗ, ông đặt bản thân vào vị trí của đứa trẻ, dùng tư duy của trẻ để tiếp nhận và đánh giá sự vật. Đúng như một nhà văn đã từng nhận xét: “Không tìm thấy dấu vết của một người lớn trong tác phẩm Mem và Kya”.
Và quan trọng nhất, đằng sau những câu chuyện nhỏ mở ra một thế giới lớn. Thế giới của tình yêu, chủ nghĩa nhân ái, niềm tự hào về quê hương, dân tộc.
Nhà văn chia sẻ: “Tôi vẫn nói rằng, tôi đã được rất nhiều giải thưởng văn học trong nước, văn học nước ngoài. Nhưng giải thưởng tôi ám ảnh, xúc động và mất ngủ nhất chính là giải Dế Mèn định trao cho Mem và Kya”.
“Khi giải thưởng Dế Mèn bắt đầu xuất hiện, tôi vô cùng vui và nghĩ rằng chúng tađã có một sân chơi chuyên nghiệp, uy tín cho văn học thiếu nhi nở rộ. Với Mem và Kya, ban đầu tôi chỉ định in hơn 100 cuốn tặng cho họ hàng, người thân. Thật tuyệt vời khi cuốn sách lại gây xúc động cho nhiều độc giả. Và dù không dự thi, Mem và Kyavẫn được đề cử cho giải Hiệp sĩ”.
Mặc dù Chuyện của anh em nhà Mem và Kya được số phiếu rất cao trong các vòng sơ khảo và chung khảo, nhưng nhà văn Nguyễn Quang Thiều vẫn quyết định rút khỏi giải thưởng để bảo đảm tính công tâm. Ông thẳng thắn: "Tôi rất muốn nhưng tôi lại nằm trong Hội đồng giám khảo. Mặc dù sơ khảo và chung khảo đã làm việc một cách công tâm và kín đáo. Tôi thực sự muốn nhận giải này hơn những giải khác. Thế nhưng, e rằng có những người chưa hiểu đúng, chưa nghĩ đúng chưa đồng cảm được với câu chuyện của tôi viết, họ sẽ thấy như vậy là không công bằng”.
“Có rất nhiều giải thưởng bị mất đi giá trị vì thành viên trong ban giám khảo được giải, và giải đó không thuyết phục. Có thể Giải thưởng Dế Mèn năm nay chưa hẳn trọn vẹn, nhưng tôi muốn nó trọn vẹn theo một nghĩa khác. Đó là thái độ của người chấm giải, sự uy tín và là bước đệm cho những mùa giải tiếp theo. Tôi rút khỏi giải là một thái độ để chúng tôi tôn trọng giải đó cao hơn nữa".
"Mem và Kya được đón nhận đối với tôi đã là một niềm hạnh phúc. Tôi cũng thấy hạnh phúc và vô tư khi rút khỏi giải thưởng. Và càng hạnh phúc hơn khi tôi - chúng ta đang nỗ lực từng ngày vì một nền văn học cho trẻ em, vì quyền lợi trẻ em tại Việt Nam” - ông nói thêm.
“Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để viết sách cho trẻ em”
Là một tác giả của nhiều tập thơ, tập truyện ngắn thuộc hàng kinh điển, Nguyễn Quang Thiều vẫn không quên dành một “khoảng trời riêng”cho các tác phẩm văn học thiếu nhi.
Ông bộc bạch: “Tôi đã xuất bản cuốn truyện thiếu nhi đầu tiên như một lời hứa với con gái mình. Cô ấy luôn hỏi rằng tại sao bố không viết những điều bố kể thành một cuốn sách? Thế là tôi sáng tác. Cuốn đầu tiên tôi viết là Bí mật hồ cá thần, cuốn thứ hai có tên Con quỷ gỗ. Cả 2 cuốn sách đều được các em nhỏ yêu thích và đạt giải thưởng của nhà xuất bản Kim Đồng. Tôi cho đó là một thành công”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 6 tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có thể kể đến Bí mật hồ cá thần (1998), Người cha (1998), Con quỷ gỗ (2000), Câu chuyện về ngọn núi bà già mù (2001), Thơ tuyển cho thiếu nhi (2004), Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (2020). Mỗi câu chuyện nhỏ của Nguyễn Quang Thiều đều sinh động, gần gũi và mang đậm triết lý giáo dục.
“Ông nội nói: Khi ông cháu mình nhớ đến tổ tiên, nhớ đến các kỵ, các cụ thì mọi người sẽ ở trong trái tim mình. Mem hỏi: Trái tim bé hơn cái nhà thì các kỵ, các cụ ở thế nào được hở ông? Ông nội cười và nói: Không có gì rộng bằng trái tim cháu ạ. Vì trái tim chính là tình yêu thương mà tình yêu thương thực sự sẽ rộng hơn cả ông trời. Lớn lên cháu sẽ hiểu lời ông” - (Trích "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya").
Bàn về yếu tố quan trọng nhất khi viết một tác phẩm thiếu nhi, Nguyễn Quang Thiều khẳng định, trước hết phải bằng sự rung động, tình yêu thương và mong muốn đứa trẻ đó trở thành một người tốt trong xã hội. Hãy kiên nhẫn và lắng nghe trẻ em, chấp nhận cả những điều logic và phi logic.
“Tôi luôn đồng ý với quan điểm của các bậc thầy: Anh ta phải trở thành một đứa trẻ, để anh ta có thể nói đúng ngôn ngữ của trẻ em. Chúng ta không nên đưa những bài học đạo đức theo cách của người lớn vào những tác phẩm văn học, mà chúng ta phải hóa thân vào một đứa trẻ cất lên ngôn ngữ và tâm hồn của chính nó. Thế mới tuyệt vời!
Đến bây giờ tôi vẫn tiếc tại sao mình không dành một thời gian lớn hơn nữa, nhiều hơn nữa để viết chothiếu nhi. Tôi muốn kêu gọi các nhà văn, ít nhất trong 10 năm cầm bút của mình, hãy dành 1/3 hoặc 1/4 để viết một cuốn sách gì đó. Không cần phải điều gì lớn lao, hãy viết về chính đứa con, đứa cháu mình với sự trung thực và lòng yêu thương chân thật.
Và có lẽ, từ nay đến cuối đời, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để viết sách cho những đứa trẻ”.
“Văn học thiếu nhi là thành trì đầu tiên bảo vệ một đứa trẻ”
“Tôi nói một cách thô thiển rằng, nếu vô tình gặp một người trẻ có những hành vi không đúng mực, thì có lẽ, trong quá khứ, chúng ta đã sai lầm đâu đó trong cách giáo dục. Có 2 không gian vô cùng quan trọng. Thứ nhất là không gian người - những người sống cùng trẻ, thứ 2 chính là thiên nhiên. Nếu chúng ta đánh mất cả 2 không gian này, ta sẽ mất hoàn toàn đứa trẻ đó. Theo tôi, văn học thiếu nhi là thành trì đầu tiên đủ sức mạnh để bảo vệ một đứa trẻ” - nhà văn nói thêm.
Về thực trạng các tác phẩm dành cho thiếu nhi hiện nay, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn nhận định: “Chúng ta đang trống vắng nền văn học thiếu nhi ở Việt Nam trong nhiều năm nay. Hội nhà văn Việt Nam có một Ban Văn học thiếu nhi, chúng tôi có thể thay các hội đồng khác, các ban khác nhưng Ban Văn học thiếu nhi phải giữ lại. Vì chúng tôi đánh giá, văn học thiếu nhi vô cùng cấp thiết trong định hướng giáo dục.
Viết cho thiếu nhi là khó, nhưng việc đặt vấn đề để viết cho thiếu nhi thì các nhà văn chưa thực sự coi đó là một sứ mệnh lớn, lượng sách dành cho thiếu nhi ở các quốc gia trên thế giới rất hệ trọng, thậm chí là thước đo cho sự phát triển, tại Việt Nam chưa làm được điều này”.
Ông cho biết có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Đầu tiên, sự nhận thức về tầm quan trọng của văn học thiếu nhi chưa cao. Bên cạnh đó, văn học thiếu nhi tưởng giản dị nhưng sáng tác khó vô vùng. Và đặc biệt, chúng ta cũng chưa quan tâm đến sách đọc cho thiếu nhi khi đầu tư nhiều hơn vào các thể loại khác.
“Chúng tôi kiếm tìm hàng năm để trao giải thưởng văn học thiếu nhi nhưng rất khó. Trong khi đó, văn học thiếu nhi từ nước ngoài dịch vào rất nhiều, chất lượng đều tốt cả. Nhưng một đứa trẻ lớn lên vàhướng về những điều tốt đẹp khi và chỉ khi trong nền văn hóa của chính dân tộc mình”.
Nhà văn cũng nhấn mạnh thêm, văn học thiếu nhi đang gặp phải vấn đề đời sống hóa, nôm na những câu chuyện ở trường, chuyện chơi, không truyền tải được những điều thực sự có ý nghĩa. Hơn nữa xu hướng "đạo đức hóa" bằng văn chương đôi khi còn hơi khô cứng, hơi nghị luận tạo thành một “lề thói” trong sáng tác dành cho trẻ em.
Truyện và thơ thiếu nhi Việt Nam đang dần xa rời thiên nhiên, trong khi thiên nhiên kỳ vĩ luôn là nguồn đề tài phong phú. Phim truyện, sách ảnh cho thiếu nhi nước ngoài tái hiệnmột thiên nhiên kỳ diệu và chứa đựng rất nhiều bài học đạo đức.
“Truyện thiếu nhi cần dẫn người đọc vào một thế giới mà ở đó đứa trẻ được hòa đồng với thiên nhiên, cây cối, muông thú, côn trùng và hoa cỏ. Tự nhiên không mang lòng yêu thiên nhiên, không yêu một cái cây, một bông hoa, một con chim thì chắc chắn không có khả năng yêu một con người” - nhà văn nói.
“Tôi nghĩ chúng ta phải thường xuyên tác động vào nhà văn cùng người đọc. Độc giả bây giờ tìm kiếm văn học rất ghê, họ có nhu cầu và khả năng nhận định văn chương tốt" - ông chia sẻ - "Ngoài ra, nên có những cuộc thi, giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi như Dế Mèn để kêu gọi, đánh thức tiềm năng người sáng tạo. Và quan trọng nhất chính là đề ra các chiến lược dài hơi thúc đẩy văn học thiếu nhi, chúng tôi rất cần những nhà văn về thiếu nhi chuyên nghiệp”.
“Viết truyện thiếu nhi là cơ hội được quay trở về tuổi thơ, được trong sạch và bớt đi những phàm phu của cuộc đời” - ông nhấn mạnh.
Hiền Lương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất