15/02/2020 07:24 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Tiếp theo ý kiến của nhà thơ Mai Văn Phấn, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu ý kiến của nhà văn Văn Giá - người từng đảm nhiệm chức vụ có thể coi là “hiệu trưởng” của hậu thân Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây. Dù giai đoạn ông giữ chức trưởng khoa (2007 - 2018) và hiện giờ vẫn đang là cán bộ giảng dạy, Trường đã bị sáp nhập thành một khoa của Đại học Văn hóa Hà Nội, nhưng với sự dìu dắt của ông, Khoa Viết văn (nay là Khoa Báo chí - Viết văn) vẫn giữ được chất lửa, chất lãng mạn của mình.
“Theo quan điểm của tôi thì thơ không cần cuồng nhiệt. Đọc thơ cần phải có một sự trầm tĩnh cần thiết để thưởng thức. Còn hội thơ thì đương nhiên phải có sự rộn ràng, thế nhưng không phải và không nên đi theo hướng tổ chức các sự kiện, các lễ hội đường phố hay những lễ hội hiện đại” - Văn Giá chia sẻ. Sau đây là quan điểm của ông:
Ngày thơ đang nhạt dần
“Hội thơ phải có sự tinh lọc và chất lượng, có giá trị thẩm mỹ, chiều sâu và sự sâu lắng cần thiết. Sự đam mê thì cần, nhưng sự cuồng nhiệt đôi khi lại là phản tác dụng. Ví dụ như khi nghe một bài thơ được đọc ở trên sân khấu thì phải có độ lắng để cho người ta thưởng thức và nuôi được dư âm trong tâm hồn. Thơ phải giữ được sự thiêng liêng chứ nếu biến nó thành một sự hô hào cổ động hoặc diễn đạt một cách nào đó khoe thân xác, nhảm nhí thì hỏng. Dù có kết hợp thơ với các loại hình nghệ thuật khác thì cũng vẫn phải giữ được sự sang trọng và chính nhờ sự sang trọng ấy đã giữ được tính thiêng liêng vốn có của thơ.
Có lần ngồi với anh Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) tôi đã nói với anh ấy rằng, ngày hội thơ Việt Nam là ngày hội rất chính đáng và từ những năm đầu đã làm quá tốt, nhưng những năm sau đó cứ làm lặp đi lặp lại, không có cái mới nên dẫn đến nhạt dần. Và mấy năm gần đây thì quá nhạt nên tôi cũng ít tham gia.
Tôi nghĩ chúng ta phải học các cụ ngày xưa ở các lễ hội thì sẽ chia ra hai loại hội, hội chính và hội lệ. Hội chính là hội mà 3 - 5 năm tổ chức một lần. Làm với quy mô lớn. Còn hội lệ thì chỉ làm một cách khiêm tốn như chỉ biện một cái lễ lên báo cáo với tổ tiên cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.
Vì nếu năm nào cũng là hội chính thì lấy đâu ra cái mới, sự sáng tạo. Ngày hội chính thì tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, còn “hội lệ” thì Hội Nhà văn có thể kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật địa phương để tổ chức ở một địa phương nào đó. Như vậy, ngày hội thơ Việt Nam sẽ được lan tỏa mà mình vẫn đủ sự trang trọng, đủ sự thiêng liêng cần thiết. Tuy nhiên, từ đó đến nay cũng đã 6 -7 năm rồi mà tôi vẫn thấy như vậy, chưa có gì thay đổi.
Trước đây, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà văn Hòa Vang thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt. Xuyên Việt ở đây không phải để thành dị biệt mà xuyên Việt như là một cách khẳng định niềm đam mê của người nghệ sĩ chân chính và đồng thời cũng là cách để thúc đẩy hoạt động sáng tạo văn chương trở nên sáng giá hơn. Cuộc đi bộ như vậy rất đẹp, đầy chất thơ và nó cũng là một cách để xiển dương tinh thần thơ ca, tinh thần văn chương cần thiết.
Ngày nay, để tạo ra được đam mê lớn như vậy thật không dễ chút nào. Bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện như xã hội, bạn đọc. Rồi còn bởi vì ngày nay thơ ca không phải là thú vui duy nhất cho nên để thắp lên những tinh thần, ngọn lửa đam mê kiểu như Nguyễn Lương Ngọc, Hòa Vang hay những người cùng thời là vô cùng khó.
Để “truyền lửa” cho người viết
Riêng chuyện truyền lửa cho sinh viên thì chúng tôi cũng có cả một chiến lược. Thứ nhất, là cho các bạn tiếp xúc thường xuyên với các nhà văn, nhà thơ tên tuổi của đất nước không chỉ ở Hà Nội mà ở cả các tỉnh thành khác. Mỗi khi họ có dịp về Hà Nội là chúng tôi lại tìm cách tổ chức để các bạn sinh viên được tiếp xúc.
Thứ hai, là đưa các bạn ấy vào những cuộc sinh hoạt văn chương như tham gia các hoạt động, sự kiện ra mắt sách, tọa đàm, hội thảo…
Thứ ba là những tác phẩm hay, nổi tiếng thì chúng tôi yêu cầu học trò phải tiếp xúc ngay lập tức. Ví dụ như mấy hôm nay nghe nói nhà văn Bảo Ninh sắp ra một phần đầu tiên của tập tiểu thuyết thứ hai rất quan trọng của anh ấy có tên là Đường về và sẽ công bố một phần ở trong ấn phẩm Viết và đọc. Và đương nhiên chúng tôi sẽ cho sinh viên biết ngay lập tức để các bạn ấy săn tìm và đọc.
Đấy là những cách mà chúng tôi truyền lửa cho sinh viên. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu lại là một câu chuyện khác. Bởi, có những bạn sẵn có tố chất khi gặp được sự truyền lửa ấy thì hiệu quả rất là tuyệt vời. Nhưng cũng có những bạn thiếu bén nhạy, thiếu tình yêu hay sự đam mê thường trực nên khi thắp lên một que diêm thì đôi khi cũng không thể bắt được để thành ngọn lửa đam mê mà chỉ là một ngọn lửa nhỏ hoặc có khi cũng không thành một ngọn lửa nào cả. Nhưng rõ ràng là chúng tôi luôn quan tâm và tìm mọi cách thường xuyên để truyền cảm hứng cho sinh viên trong đam mê sáng tạo.
Tôi vẫn thường nói với các bạn sinh viên rằng, trong sáng tạo nghệ thuật đương nhiên phải bắt đầu từ năng khiếu, nhưng bên cạnh đó phải có đam mê lớn. Không có hai yếu tố ấy thì sẽ không có sáng tạo.
Ví như ở khoa tôi thì có một cậu bút danh Hà Hương Sơn, sinh viên khoa Viết văn, quê Quảng Ngãi, hơn 30 tuổi. Trước đây từng là sinh viên trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, học được hai năm rồi nghỉ đi làm công nhân, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và chỉ để thỏa mãn đam mê văn chương. Sau đó cậu ấy có liên lạc với chúng tôi, tỏ nguyện vọng được học hành và nộp tác phẩm của mình thì chúng tôi thấy đây là một cây viết khá triển vọng và nhất là cậu ấy có niềm đam mê lớn và chúng tôi quyết định nhận cậu ấy. Khi quyết định ra Hà Nội để học và theo đuổi đam mê thì cậu ấy phải hoàn toàn tự lực cách sinh chứ không được sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía gia đình.
Hiện nay, cậu ấy vẫn vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải, vừa học vừa sáng tác, đã từng ra một tập thơ và đang chuẩn bị ra mắt thêm một tập thơ và một tiểu thuyết. Tôi đánh giá cả hai tập bản thảo này đều khá chững chạc và hoàn toàn có thể in được. Vấn đề chỉ là kinh phí in. Chúng tôi cũng đang tìm nguồn hỗ trợ để tạo điều kiện cho cậu ấy. Tôi thấy những đam mê như vậy rất đáng quý.
Hoa Mộc Lan (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất