01/09/2020 08:21 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Văn hóa là di sản quý báu của toàn dân tộc, được các thế hệ người Việt Nam giữ gìn, phát huy giá trị từ đời này sang đời khác. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các giá trị văn hóa Việt Nam đã được lan tỏa, bạn bè thế giới ghi nhận; trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại. Các giá trị văn hóa không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam mà đã trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển.
Di sản văn hóa kiến tạo phát triển
Hệ thống di sản văn hóa trải khắp đất nước chính là nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước thông qua phát triển du lịch. Di sản văn hóa đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Việt Nam; kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.
Thừa Thiên - Huế đang sở hữu hai di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Đó là Quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993. Tiếp đó, vào năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO ghi tên vào danh mục Kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại. Từ đó đến nay, các di sản này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra điểm đến hấp dẫn cho du lịch Việt Nam.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Phúc Lưu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Khi mới được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, Quần thể Di tích Cố đô Huế chỉ đạt vài chục nghìn lượt khách du lịch, đến nay nơi này đã thu hút hàng triệu khách tham quan, du lịch mỗi năm. Tổng thu du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7 - 8% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp.
Vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới lần đầu tiên năm 1994 nhờ giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo, quan trọng về mặt thẩm mỹ. Năm 2000, Vịnh Hạ Long lần thứ 2 được ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới bởi giá trị đặc biệt về địa chất - địa mạo. Năm 2011, vượt qua 261 kỳ quan nổi tiếng trên toàn thế giới, Vịnh Hạ Long được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới... Đến nay, Vịnh Hạ Long đã trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Năm 2019, ước tính lượng khách đến Vịnh Hạ Long đạt 4,4 triệu lượt, trong đó có gần 2,9 triệu lượt khách quốc tế; thu phí đạt hơn 1.294 tỷ đồng...
Năm 1999, Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư tu bổ các di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, có chính sách liên kết giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, bảo tồn đã đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Di sản Văn hóa Hội An ngày nay trở thành thương hiệu hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hội An tiếp tục được bình chọn và đạt nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như “Thành phố tuyệt vời nhất thế giới”, “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019”...
Tính đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, trở thành tài sản di sản chung của văn hóa nhân loại. Nước ta có 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 nhóm hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Ngoài ra, nước ta còn có gần 3.500 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt, 168 bảo tàng thường xuyên lưu giữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật...
Sức hấp dẫn của di sản văn hóa đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Di sản văn hóa nếu không được xem là tài sản sẽ là di sản chết. Di sản văn hóa phải đóng góp vào phát triển, việc bảo tồn di sản mới bền vững. Đó là chủ trương của nước ta trong quá trình phát triển đất nước...
Áo dài - biểu tượng vẻ đẹp Việt
Áo dài – một loại trang phục từ lâu đã trở thành trang phục phổ biến của phụ nữ Việt Nam. Hiếm có loại trang phục nào có thể sử dụng được ở nhiều bối cảnh khác nhau như áo dài. Mọi người có thể mặc áo dài trong trường học, công sở cho tới là lễ phục các dịp lễ trọng của đất nước, trong các nghi lễ ngoại giao. Ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể chọn cho mình bộ áo dài phù hợp nhất. Không chỉ người Việt Nam, rất nhiều người nước ngoài đã yêu tà áo dài Việt Nam. Áo dài đã theo chân người Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới.
Áo dài trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều tác giả ở các lĩnh vực nghệ thuật, là thông điệp thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Áo dài nữ là tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, nét duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ. Còn áo dài nam lại mang nét trang trọng, nghiêm cẩn, tạo nên phong thái của người đàn ông.
Dù Việt Nam chưa ban hành văn bản chính thức nào khẳng định áo dài là “quốc phục” nhưng từ lâu, áo dài đã được đa số nhân dân ta mặc định là trang phục truyền thống của người Việt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành các bước đi cần thiết để xây dựng hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình UNESCO ghi danh áo dài tại danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc. Áo dài chứa đựng một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định vị trí là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo, cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Áo dài đã cho thấy sức sống mạnh mẽ, vượt qua nhiều thử thách để bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh nước ta ra thế giới.
Rất nhiều du khách nước ngoài, bạn bè quốc tế yêu thích áo dài Việt Nam và góp phần lan tỏa vẻ đẹp của trang phục này. Vào năm 2016, “Lễ hội Áo dài” chủ đề “Áo dài của chúng ta” tại Hà Nội đã kể lại một câu chuyện về tà áo dài Việt Nam gắn với 19 bộ sưu tập hoa, mang theo đó là bản sắc truyền thống văn hóa Việt đã gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Đặc biệt, nhiều gương mặt người nước ngoài là các phu nhân, nữ đại sứ người nước ngoài tại Việt Nam khi đó tham gia trình diễn như: Đại sứ Italy Cecilia Piccioni, Phó Đại sứ Italy Natalia Sangtitini, phu nhân Đại sứ Haiti Jovana Benoit, phu nhân Đại sứ Anh Gill Level, giám đốc Trung tâm Văn hóa Nga Zubtsova Elena Robertovna...
Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm du lịch của cả nước đã tổ chức “Lễ hội Áo dài” từ năm 2014 như một sự kiện trọng tâm, góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa định kỳ đặc trưng của thành phố.
Cố đô Huế không chỉ thu hút du khách bởi lăng tẩm, đền đài, âm nhạc cung đình... mà còn “đóng đinh” vào lòng du khách hình ảnh người con gái thướt tha, dịu dàng trong tà áo dài tím mộng mơ, đội nón, đạp xe trên phố. Ngày nay, áo dài đã trở thành sản phẩm du lịch thành công ở Huế, thể hiện qua chương trình “Áo dài show” hấp dẫn du khách quốc tế. Huế cũng có nhiều tiệm may áo dài tinh tế, thu hút đông đảo du khách tìm đến mỗi khi đến thăm vùng đất này. Nắm bắt được nhu cầu này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ dạy nghề thiết kế may đo áo dài truyền thống và cách tân. Việc này đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu du khách đến Huế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị một nét văn hóa truyền thống đẹp của vùng đất này...
Có thể khẳng định rằng, di sản văn hóa là một nhân tố đắc lực, thực sự góp phần tạo nên bản sắc, hình ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc sâu rộng. Khai thác văn hóa đúng cách góp phần tạo nên nhiều giá trị cho đất nước cả về vật chất và tinh thần. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc gìn giữ, phát huy giá trị, phát triển bền vững văn hóa là một trong những trụ cột không thể thiếu để phát triển bền vững đất nước...
Thanh Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất