30/01/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày 9/6/2014, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ra đời. Mục tiêu cao nhất của Nghị quyết là nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học…
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), hãy cùng nhìn lại những thành tựu mà Nghị quyết 33 mang lại sau hơn 5 năm ra đời.
Toàn xã hội vào cuộc
Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp, trong đó khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đó là một bước ngoặt quan trọng, khi việc xây dựng văn hóa và con người được xác định là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và sự vào cuộc của nhân dân.
Cuối năm 2014, Nghị quyết 102 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Cùng với các Bộ, ngành liên quân, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nội dung phong phú, hình thức đa dạng tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về các nhiệm vụ trong Nghị quyết này.
Bên cạnh đó, căn cứ nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành đều đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, hầu hết các địa phương cũng ban hành kế hoạch và chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết số 102/NQ-CP.
Theo báo cáo của ngành văn hóa, việc tuyên truyền Nghị quyết đã được các địa phương triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm và các chuyên mục, tin, ảnh, phim tài liệu được thể hiện trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền được cập nhật, đổi mới, phong phú, sinh động phù hợp với địa phương, trong đó có sự kết hợp chặt chẽ với tình hình địa phương để đảm bảo vừa có nội dung chuyên sâu, vừa có tính toàn diện, đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời.
Đặc biệt, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cũng tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục hoàn thiện một bước thể chế, cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Điển hình, trong ngành văn hóa, phải kể Luật du lịch 2017 với quy định nghiêm cấm làm phương hại đến truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong phát triển du lịch. Rồi, Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội với quy định yêu cầu, nội dung của lễ hội, giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh; không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân.
Hoặc, Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” đã tạo cơ chế khuyến khích, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa, phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị....
Huy động nhiều nguồn lực
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn cho phát triển văn hóa, phát triển con người. Mức đầu tư cho phát triển lĩnh vực văn hóa từ ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) được duy trì trong khoảng 2,6 - 2,7% so với tổng đầu tư phát triển.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2014-2019, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa thông qua Bộ VH,TT&DL là hơn 5.735 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2014-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã được cấp 546 tỷ đồng. Còn trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 với tổng nguồn vốn của Chương trình là 10.620 tỷ đồng.
Đáng nói, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu đến năm 2018, nhiều di sản sau khi được trùng tu, tôn tạo đã phát huy giá trị rất tốt, tạo nguồn thu lớn, đóng góp cho ngân sách và tái bổ sung nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích Cố đô Huế, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, phố cổ Hội An... Nhiều trung tâm và câu lạc bộ cồng chiêng, ca trù, quan họ, hát xoan, đờn ca tài tử... được phục hồi, hoạt động trở lại, trong khi hàng trăm câu lạc bộ mới ra đời, hoạt động bằng nguồn kinh phí huy động xã hội hóa, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Ở góc độ bảo tàng, cả nước hiện nay đã có 39 bảo tàng ngoài công lập được cấp giấy phép hoạt động. Thực tế cho thấy, ngay tại Tết Canh Tý 2020 này, nhiều lễ hội xuân đã hoạt động hoàn toàn theo mô hình xã hội hóa...
(Còn tiếp)
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất