28/06/2016 18:49 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - No matter what là bài hát thành công nhất của Boyzone, nhóm boysband người Ireland, khi vào năm 1998 nó đã đưa Boyzone trở thành nhóm nhạc được yêu thích khắp thế giới. Nhưng No matter what sẽ chẳng thể trở thành nhạc phẩm ăn khách của nhóm nhạc nhạc này nếu như một thành viên của nhóm, Stephen Gately, không tìm mọi cách để mang về cho Boyzone bằng được.
Đây là một sáng tác của bộ đôi tác giả nổi tiếng nhất trong thế giới nhạc kịch: Andrew Lloyd Webber và Jim Steinman.Boyzone là ai?
Whistle Down the Wind là một dự án nhạc kịch của nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber bắt đầu khởi sự vào năm 1995. Lúc ấy, tên tuổi của Webber đã rất lẫy lừng với những The Phantom of the Opera, Cats, Evita… làm mưa làm gió trên các sân khấu nhạc kịch lớn nhất thế giới.
Thời điểm ấy, Webber đang rất hứng thú với bộ phim phát hành năm 1961, Whistle Down the Wind, một bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết của văn sĩ Mary Hayley Bell.
Cốt truyện khá đơn giản. Ba đứa trẻ nông thôn vùng Lancarshire nước Anh tìm thấy một tên sát nhân đang ẩn nấp trong một nhà kho. Lũ trẻ ngây thơ nghĩ rằng hắn chính là chúa Jesus. Tên sát nhân cũng chẳng hề phân bua hay đính chính, hắn cứ để lũ trẻ tưởng tượng và sẵn sàng làm mọi chuyện để bảo vệ hắn khỏi sự truy đuổi của cảnh sát.
Dựa trên câu chuyện ấy, Webber cùng với nhạc sĩ Jim Steinman quyết định sáng tác nhạc cho toàn bộ vở nhạc kịch này và No matter what là một trong số đó.
Đây là bài hát được dùng ở màn cuối chương 1 của vở nhạc kịch này và được ướm giọng cho lũ trẻ cất lên để thể hiện tình yêu và cả sự tôn sùng. Toàn bộ ca khúc toát lên sự trong trắng và hồn nhiên của lũ trẻ khi chúng hứa với tên sát nhân rằng sẽ cung cấp cho tên sát nhân tất thảy mọi thứ và tìm cách bảo vệ hắn. Chính tâm hồn và tấm lòng con trẻ ấy đã cảm hóa được tên sát nhân và khiến hắn ra đầu thú.
Vở nhạc kịch Whistle Down the Wind chính thức ra mắt vào cuối năm 1996 và bắt đầu làm mưa làm gió trong năm 1997. Công chúng đi xem bị xúc động mạnh bởi những đứa trẻ trong sáng và cả phần nhạc hấp dẫn không thể cưỡng lại của Andrew Lloyd Webber và Jim Steinman. Trong số khán giả đi xem lần ấy, có ca sĩ rất được yêu thích của nhóm Boyzone, Stephen Gately.
Stephen Gately yêu ca khúc này vô cùng, đến nỗi anh nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng giọng ca trên sân khấu kia đúng ra sẽ là của mình. Nhưng đã quá trễ, vở đã được diễn và chẳng có vị trí nào cho chàng trai 20 tuổi được thể hiện ước mơ của mình.
Nhưng ánh sáng đã lóe lên ngay sau đó khi Stephen Gately biết rằng Andrew Lloyd Webber sẽ chuẩn bị tung ra một album nhạc gồm các ca nhạc phẩm trong vở này và mời những danh ca thể hiện. Kế hoạch cũng đã gần xong, những danh ca như Meat Loaf, Tom Jones, Michael Ball, Bonnie Tyler hay Tina Arena cũng đã đồng ý tham gia. Còn Stephen Gately? Nhiệm vụ của anh bây giờ là nhảy vào lửa.
Stephen Gately bắn tin cho trợ lý của Webber rằng anh rất thích bài hát này và hy vọng ông sẽ cho nhóm Boyzone được cơ hội thể hiện ca khúc No matter what. Đáp lại, Webber đã hỏi người trợ lý rằng “Boyzone là nhóm nào vậy?”.
Lúc ấy, 1997, Boyzone đang là nhóm nhạc hàng đầu thế giới nhưng rõ ràng họ không phải là đối tượng yêu thích của nhà soạn nhạc tài danh kia.
Bị từ chối thẳng thừng nhưng Stephen Gately không nản chí. Anh quyết định đến nhà Webber và tại đó anh đã nói với Webber rằng anh rất yêu thích những vở nhạc kịch của ông, chưa từng bỏ sót một vở nào và giấc mơ bây giờ là được thể hiện lại No matter what.
Webber không trả lời, ông nói cần thêm thời gian suy nghĩ.
Vài hôm sau, Webber đã dành thời gian xem nhóm Boyzone biểu diễn trên chương trình Top of the Pops của đài BBC. Xem xong, ông gọi điện cho Stephen Gately và đồng ý. Công việc tiếp theo là suốt gần 1 tuần, Gately đến nhà Webber học hát.
Đầu năm 1998 album nhạc kịch Whistle Down the Wind chính thức phát hành, trong đó có phần biểu diễn của nhóm Boyzone với ca khúc No matter what. Trái với sự mong đợi, album này đã thất bại thảm hại.
Bài hit toàn cầu trước khi tan rã
Tưởng rằng No matter what sẽ mãi mãi nằm trong dự án nhạc kịch kia và bị quên lãng nhưng đến tháng 5/1998, nhóm Boyzone đã bất ngờ quyết định đưa ca khúc này vào album mới chuẩn bị phát hành, Where we belong. Họ muốn tung con bài cuối cùng mang tính quyết định bằng cách phát hành bài này thành single vào tháng 8 cùng năm.
Và quả đây là canh bạc quá sức thành công. No matter what khi nằm trong album nhạc kịch đã bị che lấp bởi quá nhiều tên tuổi nhưng khi ra đứng một mình nó đã trở thành duy nhất.
No matter what đã trở thành quán quân ở bảng xếp hạng Anh quốc suốt nhiều tuần lễ, đánh bật nhiều tên tuổi lẫy lừng. Bài hát cũng nhanh chóng được yêu thích trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, một thời bài hát này được mở đi mở lại trên hệ thống phát thanh và trong chương trình MTV Most Wanted của đài VTV3.
Tại Mỹ, lần đầu tiên có bài hát đạt vị trí quán quân và đưa Boyzone có bài hit đầu tiên tại thị trường, một cú hích rất quan trọng cho sự nghiệp của nhóm.
Lúc này Andrew Lloyd Webber mới lên tiếng khen ngợi phần trình diễn xuất sắc của Boyzone và ông rất hài lòng với sự lựa chọn của mình.
Nhưng lúc ấy, tháng 9/1998, nội bộ Boyzone không phải là không có những lục đục. Họ đã đi qua làn ranh 5 năm tồn tại cho một nhóm nhạc và giờ các thành viên của nhóm đang “ủ” những dự án riêng của mình.
Chỉ tiếc là không ai nói ra điều ấy và cuối cùng Boyzone đã có cớ để vin vào, nhân một scandal mới nhất của Stephen Gately.
Tháng 12/1998, BBC dẫn nguồn từ tờ The Daily Star tuyên bố Boyzone chuẩn bị tan đàn xẻ nghé vì các thành viên không còn đồng thuận vì ai cũng muốn sự nghiệp solo.
Đáp lại, Boyzone mở cộc họp báo tuyên bố tin đồn chỉ là tin đồn và việc dẫn lời của ông bầu Louis Walsh (“đã tới lúc thật rồi”) là hoàn toàn không có cơ sở. Đáp lại họ, 35.000 vé cho tour diễn ở Ireland đã bán hết trong vòng 4 giờ đồng hồ.
Để khẳng định Boyzone vẫn là một tập thể vững chắc, ngày 31/5/1999, nhóm đã ra mắt một tuyển tập những hit tuyệt vời nhất của họ, By Request. Và lúc này sự khôi hài mới bắt đầu được lộ rõ. Tháng 6/1999, Stephan Gately đã lên tờ The Sun và tuyên bố mình đồng tính.
Sở dĩ có chuyện này là do trước đó ít ngày, một vệ sĩ của nhóm Caught in the Act công bố trên một tờ báo lá cải về giới tính thật của Stephen Gately và nói anh đang cặp với ca sĩ Eloy de Jong. Biết không thể che giấu được nữa, Stephen Gately đã thừa nhận rằng, anh đồng tính và Eloy de Jong là bạn trai của anh.
Sự thật này không chỉ khiến danh tiếng của Boyzone giảm sút mà cuộc sống riêng của Stephen Gately cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Chỉ chưa đầy một năm sau, Boyzone tuyên bố giải tán.
Tuy vậy, No matter what vẫn được yêu thích cho đến giờ. Nó gần như là bài hát của riêng Stephen Gately (cho dù cũng có phần thể hiện của Ronan Keating) và được xem là bài hát ý nghĩa mà Stephen Gately đã dâng tặng cho đời.
Tháng 10/2009, Stephen Gately đã qua đời do bị suy tim. Cho dù Boyzone đã từng có rất nhiều bài hát nổi tiếng nhưng No matter what vẫn là bài hát đỉnh cao trong sự nghiệp của họ và tiếc thay nó lại đến lúc nhóm đã bên bờ tan rã và trở thành tình yêu cuối cùng mà cả nhóm đã dành cho nhau.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất