11/06/2019 07:05 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cuối tuần qua, vở kịch Dấu xưa (kịch bản: Thanh Bình, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) đã nhận Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019. Đây là trường hợp đáng chú ý, bởi trong tổng số 44 công trình nhận giải, chỉ có 3 thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Nhìn công tâm, vở chính luận này được dàn dựng khá hợp lý, nhẹ nhàng, gần gũi, không nặng tính tuyên truyền, nói chung dễ xem. Thế nhưng, NSƯT Mỹ Uyên (Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM) lại có những tâm sự riêng của mình, khi nói về sức hút của vở diễn.
Chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (TTXVN), chị nói:
- Nhiều người nhắc tới việc Dấu xưa thời gian qua ít biểu diễn tại Nhà hát. Thật ra, vở kịch chính luận này mà sáng đèn đều đặn với giá vé giống như những vở thương mại khác thì chắc chắn sẽ vắng khách. Nghĩa là, chúng tôi không có đủ chi phí cơ bản cho đêm diễn, chứ chưa nói thù lao cho diễn viên.
* Nhưng, sau những giải thưởng, sau khi tham gia hội diễn, việc “Dấu xưa”… xếp xó có vẻ là phí phạm tiền đầu tư và công sức của mọi người?
- Cũng không hẳn vậy, vì chúng tôi đã lưu diễn gần 70 suất tại huyện Cần Giờ và các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tổng công ty. Với một vở chính luận mà có đến 70 suất diễn là khá lý tưởng rồi.
Dù vậy, các khán giả này khác hẳn với khán giả mua vé tại sân khấu. Chúng tôi làm sân khấu nhiều năm nên luôn biết được khán giả của mình là ai. Nói chung, kịch thể loại nào thì có khán giả đó. Rồi khán giả ở các điểm lưu diễn khác với khán giả tại chỗ. Bởi, lâu lâu mới có một đoàn kịch đến diễn thì người ta sẽ háo hức đi xem cho biết với tình cảm ấm áp nhiệt thành… Ở thành phố cũng vậy, lâu lâu mới có một suất diễn thì khán giả có thể đến, nhưng sáng đèn thường xuyên sẽ khác. Nói thật, chỉ cần bán vé hòa vốn cho từng suất diễn, chúng tôi sẽ xếp lịch diễn thường xuyên ngay.
* Đây có phải là vở chính luận hiếm hoi mà Kịch 5B đã dàn dựng không?
- Thưa không. Chúng tôi còn Phía sau tội ác, Gương mặt kẻ khác, Đêm vượn hú, Tình lá diêu bông, Bên đàng dệt mộng, Chuyện tình nữ phạm nhân… Chính luận cũng là một thể loại mà 5B lựa chọn, dù biết sẽ khó khăn. Và 5B cũng không phải là đơn vị đơn độc. Các sân khấu khác tại TP HCM thỉnh thoảng cũng làm điều này, nên rõ ràng không thiếu vở chính luận, cái thiếu là làm sao tìm kiếm, gìn giữ khán giả. Tôi không tin không có đủ khán giả cho dòng kịch chính luận, chỉ có điều lâu nay chưa có nhịp cầu kết nối mà thôi. Kịch chính luận phải làm sao bước ra khỏi cái không khí khô khan, giáo điều để đến gần khán giả hơn.
Cũng xin được nói thẳng, văn học nghệ thuật chính luận chưa được TPHCM quan tâm đúng mức, thường xuyên, mà chỉ mang tính thời vụ. Thỉnh thoảng được bao cấp tiền tiền dựng một hai vở, tài trợ vài chục suất diễn… thì khó mà bền vững, định hình. Các sân khấu còn dựng kịch chính luận là do họ “máu nghề”, thấy có trách nhiệm mà làm, chứ không phải vì danh vì lợi. Khán giả đang lơ là, đến một lúc các sân khấu cũng buông xuôi luôn thì kịch chính luận sẽ hoàn toàn vắng bóng. Lúc ấy có muốn vực dậy thì sẽ rất khó khăn, tốn kém.
* Xin hỏi thật, Kịch 5B không được “chia lại” phần nào kinh phí sáng tác mà Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM được cấp hoặc được tài trợ hay sao?
- Gần như rất là ít và không thường xuyên. Việc đầu tư làm tác phẩm văn học, tranh tượng, phim ảnh… sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc công bố, lưu hành, nếu so với một vở kịch. Mỗi lần lưu hành hoặc sáng đèn thì kịch lại vận hành y như lúc mới công diễn, chi phí và thù lao lại phải chi trả. Đây chính là cái khó của kịch, nên thật tình mà nói, khi chọn sáng đèn vở nào là chúng tôi phải có niềm tin bán vé được, để ít nhất là hòa vốn hoặc bù lỗ chút đỉnh. Tình trạng bù lỗ đã liên tục diễn ra tại Kịch 5B, vì vậy chúng tôi càng phải thận trọng hơn.
Kịch nói chung đang lúc khó khăn, kịch chính luận càng khó khăn hơn. Muốn sáng đèn thường xuyên, chúng ta phải hiểu xem khán giả đang ở đâu, họ muốn xem gì, làm sao để họ đi xem... Và câu chuyện ở đây là bài toán đầu tư cho yếu tố khán giả. Bài toán ấy cũng quan trọng như vở diễn.
* Với chị, bài toán ấy cần được giải thế nào?
- Có rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nếu được thành phố hỗ trợ một phần kinh phí căn bản hoặc hỗ trợ vé, các Nhà hát chúng tôi sẽ lập tức giảm sâu giá vé để thu hút người xem. Đừng vội nghĩ đây là Nhà nước đầu tư cho chúng tôi hay một đơn vị nào đó. Hãy nghĩ xa hơn, đó là chúng ta cùng nhau đi tìm khán giả cho dòng kịch chính luận, bởi lâu nay chúng ta như bỏ quên lớp khán giả này.
* Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất