08/12/2021 10:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhân vật chính trong tác phẩm Phú Quang đa phần là nữ. Chất trữ tình thấm đẫm những tình ca dù không có danh từ “Hà Nội” vẫn toát lên sự mộng mơ, thanh quý Hà thành...
LTS: Sáng nay, 8/12/2021, nhạc sĩ Phú Quang qua đời sau gần 2 năm chống chọi bệnh hiểm nghèo. Báo Thể thao & Văn hoá(TTXVN) trân trọng giới thiệu lại bài viết dài kỳ về Phú Quang của nhà thơ Vi Thuỳ Linh. |
1. Phú Quang, con út của người mẹ chục lần sinh nở, ấu nhi đã đối mặt với thử thách. Ông chào đời ở xứ đạo Cẩm Khê, Phú Thọ, gần 3 tháng sau mẹ mới ra ủy ban xã làm khai sinh. Cuộc sống của gia đình tản cư đông con vào thời kháng chiến chống Pháp khiến cha mẹ ông không thể khai sinh ngay khi con ra đời. Nên ngày sinh giấy tờ 13/10, ông gọi là “sinh nhật đen”, vì sinh nhật thực là 8/7/1949.
Tưởng không qua khỏi, rồi Cha xứ đã cứu sống. Phú Quang ơn Chúa, ơn Cha suốt đời. Cha mẹ Phú Quang cho con út thực hành nghi lễ rửa tội, được đặt tên Thánh là Phê-rô. Tại Catinat, tôi đã được Phú Quang kể câu chuyện này, tay thành kính đặt lên cây thánh giá - mặt dây chuyền đeo cổ. “Tuy tôi không hành đạo, nghe giảng mỗi tuần, nhưng tôi cố gắng sống trung thực, lương thiện. Tên Thánh tôi mang là vị gác cổng Thiên đàng, nên sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những gì không minh bạch, lộn xộn giá trị”.
Phú Quang hiểu biết vì đi nhiều đọc nhiều, lại khẩu khiếu, nói chuyện hấp dẫn, hài hước, sắc sảo. Ông là một trong các nhạc sĩ trả lời phỏng vấn "đáo để", kích thích người đối thoại, tạo ra cuộc trò chuyện kịch tính thú vị.
2. Không chỉ là "cô cháu gái" hơn 20 năm, tôi còn là hàng xóm của gia đình con cả của nhạc sĩ. Tôi tự hào về tập thể Văn công Cầu Giấy, kề bên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Khu nhà của Bộ Văn hóa phân cho các ca sĩ cán bộ, diễn viên đàn, hát, múa từ thời nhà cấp 4 mái lá, ngói xi măng cho đến giờ toàn nhà tầng đã vơi hao nhiều nghệ sĩ (mất và chuyển nhà), lại bị ô hợp vì gần chợ xe máy, vẫn là nơi ở mà tôi tự hào. Ông nội tôi ở đây từ 1976, gia đình tôi có 45 năm gắn bó với khu này.
Tôi tự hào vì Khu Văn công là nơi đã và đang sinh sống của nhiều người nổi tiếng, thành đạt trong giới nghệ thuật, trong đó có nhạc sĩ Phú Ân, anh trai liền kề của nhạc sĩ Phú Quang. Khi tôi nhỏ, mỗi lần gặp chú Phú Quang đến thăm anh, tôi lại thích thú reo: "A, bác Ân là anh em sinh đôi!".
Ngôi nhà của nghệ sĩ múa ballet Phạm Thị Chung, người vợ đầu của Phú Quang, ở cuối khu, gần nhà nhạc sĩ Phú Ân. Dù đã chuyển cư lên Tứ Liên, nhưng cả gia đình mẹ Chung - Trinh Hương - Bùi Công Duy và con trai Duy Anh vẫn hộ khẩu Văn công Cầu Giấy. Nên ngoài tình thân, tôi còn tình hàng xóm lâu năm, hẳn biết nhiều bí mật.
Phú Quang dường như không khi nào ngừng yêu. Đa tình với nghệ sĩ vốn không lạ. Phú Quang sở hữu nhiều thế mạnh, nên luôn yêu, được yêu; chưa bao giờ bị mang tiếng lăng nhăng, bừa bãi, dễ dãi. Biết một vài cuộc tình của ông, chưa khi nào tôi viết, không nói, không bàn. Tôi tôn trọng quyền cảm xúc và đời tư.
Nhân vật chính trong tác phẩm Phú Quang đa phần là nữ. Chất trữ tình thấm đẫm những tình ca dù không có danh từ "Hà Nội" vẫn toát lên sự mộng mơ, thanh quý Hà thành. Ông dường như chưa khi nào công khai trên báo chí bài nào viết cho ai. Người ta nói Phú Quang "khôn". Quý từng quãng đời đã sống, trong đó có những người đàn bà đi qua đời mình, Phú Quang ít khi nói đến họ, đã nói là nói tốt và để một khoảng "giãn mờ" để ký ức ấy được bảo toàn.
Trường hợp hiếm hoi, tôi đọc được phỏng vấn nhạc sĩ Phú Quang viết ca khúc Mùa Thu giấu em (phỏng thơ Doãn Thành Tùng "Thời hoa đỏ") cho Trịnh Anh Thư (con gái nhà văn Trịnh Đình Khôi), người vợ thứ ba, hiện đang sống cùng ông. Với người vợ cuối cùng này, lần đầu nhạc sĩ công bố viết dành tặng.
3. Còn nhớ hồi Nam tiến, Phú Quang đưa tôi đến chơi nhà số 1/7/13 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - nơi ông sống cùng vợ thứ hai - NSƯT flute Nguyễn Hồng Nhung và 2 con Giáng Hương (1982), Phú Vương (1990). Nhà này đã bán từ 2006, giờ mẹ con Hồng Nhung - Phú Vương ở tận quận 9, xa trung tâm.
Tôi cũng đến ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 mà sau này ông bán, thêm tiền mua nhà tại Thụy Khuê, rồi bán nhà Thụy Khuê mua nhà 5 tầng tại đường Nước Phần Lan, phố Tứ Liên, làm công dân sang xịn của quận Tây Hồ, Hà Nội. Nhà nào của Phú Quang cũng đẹp, nhiều sách, không thể thiếu đàn. Ông ưa mặc đẹp, bút cũng đồ hiệu, vẫn giữ thói quen viết tay khi cảm hứng.
Tôi bị "thôi miên" khi xem Phú Quang chỉ huy dàn nhạc tại Nhà hát TP.HCM, đôi lần chỉ huy khi vợ độc tấu. Khi tôi nắc nỏm: "Cô Nhung thổi flute hay quá chú ạ". Tôi hiểu, thổi cây sáo, hay kèn - nhạc cụ bộ hơi - cần làn hơi, kỹ thuật điều khiển hơi tốt, mà đó còn là hơi thở của tâm hồn. Tôi nói thêm: "Hà Nội có Diệu Hồng. Sài Gòn có Hồng Nhung". Phú Quang "phản công" ngay: "Không so ngang được. Cô Nhung là thầy!".
NSƯT Nguyễn Hồng Nhung được coi là một nghệ sĩ flute hàng đầu Việt Nam. Cô sinh năm 1953 tại quận Lê Chân, Hải Phòng, trong một gia đình không ai làm nghệ thuật. Cô có đôi mắt to, da trắng, sinh viên xuất sắc của Trường Âm nhạc Việt Nam đã được Phú Quang đẹp trai để ý. Cùng họ, cùng trường, cùng say mê âm nhạc, họ đến với nhau khi Phú Quang qua tuổi 30, hai tay trắng. Bởi yêu tài thổi sáo, yêu tâm hồn qua tiếng sáo ấy mà Phú Quang đã viết nên hòa tấu đỉnh cao Tình yêu của biển, Chuyện kể về tình yêu, dành cho độc tấu flute cùng dàn nhạc. Biển ấy, đúng là biển Hải Phòng quê Hồng Nhung, chất Hải Phòng ngay từ khuông nhạc đầu tiên, mạnh mẽ, khắc khoải mà dịu dàng, da diết. Như lời tỏ tình, như sóng vỗ về, âu yếm, mở ra biển rộng mênh mang và khao khát cái đẹp tới những chân trời vô tận.
Tôi thuộc giai điệu này từ nhỏ, mà khi xem nghệ sĩ Hồng Nhung trình tấu trên sân khấu trong khi nhạc sĩ Phú Quang chỉ huy dàn nhạc, cứ nao lòng vì vẻ đẹp âm nhạc khiến tôi không ngừng xao động. Tôi nghe tác phẩm này nhiều lần trong lần về Hải Phòng 2 - 3/2/2020. Tôi đã nghe cả trăm lần qua máy điện thoại Samsung GalaxyA20: Xem clip Phú Quang làm việc trong phòng thu, chỉ huy vợ thổi flute sau tường kính. Rồi đoạn băng ghi lại cảnh đêm diễn Mơ về nơi xa lắm, Phú Quang xuất thần rực lửa trên bục chỉ huy, trong bộ vest đen, còn NSƯT Hồng Nhung tóc ngắn, váy trắng dịu dàng đam mê nâng flute lên môi.
Hà Nội ắp đầy kỷ niệm với Hồng Nhung mà không biết khi nào bà trở lại được, vì hàng tuần phải lọc máu chạy thận ở bệnh viện quận 2 do con trai đăng ký, cách nhà 6 km. Cũng không biết lúc nào bà mới có thể lên sân khấu, đấy là một giấc mơ. Như rất khó, theo chu kỳ xa, mới có một giọng kèn hay thế.
4. Người phụ nữ đáng quý trong cuộc đời Phú Quang mà ít được nhắc đến chính là người vợ đầu tiên, nghệ sĩ ballet Phạm Thị Chung, sinh năm 1945. Hơn Phú Quang 4 tuổi, nữ solist nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam vẫn khiến chàng trai Hà Nội si mê, thắng khá đông tình địch. Nhạc sĩ Vũ Duy Cương (trùng sinh nhật người vợ thứ hai của Phú Quang 4/8/1953), nhớ lại: "Phạm Thị Chung lúc trẻ, đẹp như thiên thần". Họ sinh con gái đầu lòng - Trinh Hương - được 1 tuổi thì ly hôn. Nghệ sĩ Phạm Thị Chung nay vẫn còn tật ở chân, do tai nạn khi diễn ở chiến trường.
Bà Chung nhỏ nhắn, hiền hậu, bao dung, vẫn dạy con từ bé: Chuyện người lớn là của người lớn. Các con là chị em cùng một bố, phải yêu thương đoàn kết. Lâu nay, hầu hết mọi người đều nghĩ Trinh Hương là tên cha đặt, cha dắt vào con đường âm nhạc. “Gen” nhạc, khuyên bảo là công cha, đặt tên và hướng con học piano là nhờ mẹ. Theo đuổi dương cầm là ước mơ của Phạm Thị Chung. Cho con học nhạc là đầu tư lớn cả tiền bạc và tâm sức, cha mẹ bà không có điều kiện, nên bà dồn vào con, đứa con đầu lòng và duy nhất đời bà. Bà không đi bước nữa, hy sinh vun vén tất cả cho con. Bà theo sang Nga chăm sóc để con chỉ tập trung học. Năm 2003, bà Chung về nước, xây ngôi nhà 5 tầng trên mảnh đất 35m2. Rồi bà lại bán để mua nhà gần con gái ở Tứ Liên, con gái đang giúp mẹ trông coi công trình xây kịp Tết Tân Sửu.
Bà không hề ích kỷ, hết sức tạo điều kiện ủng hộ con gái lo cho cha. Ngày nào bà cũng sang thăm con, cháu ngoại…
(Còn nữa)
Vi Thùy Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất