Sách cổ 'Hoàng hoa sứ trình đồ' của Việt Nam chính thức thành Di sản Tư liệu Thế giới

30/05/2018 16:10 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Thông tin từ Ủy bản Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: vào 17h30 giờ Hàn Quốc (tức 15h 30 giờ Việt Nam) hôm nay 30/5, các chuyên gia Việt Nam đã chính thức bảo vệ thành công hồ sơ Hoàng hoa sứ trình đồ, trước Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP).

Như vậy, với việc được các chuyên gia trong Hội đồng của MOWCAP thông qua, Hoàng hoa sứ trình đồ của Việt Nam đã chính thức trở thành Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thuyết trình về hồ sơ. Ảnh: Thu Phương

Được biết, trong Hội nghị lần thứ 8 của MOWCAP (diễn ra tại Gwangju, Hàn Quốc), 8 quốc gia và 12 hồ sơ  đã được xét duyệt cho danh hiệu này, và Hoàng hoa sứ trình đồ của Việt Nam là 1 trong 10 hồ sơ thành công.

Hồ sơ của Việt Nam được các nước đánh giá cao là một hồ sơ hiếm, quý nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới và được thông qua với số phiếu 17/17 phiếu.

Hoàng hoa sứ trình đồ là cuốn sách cổ của dòng họ Nguyễn Huy (ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Văn bản này được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn những năm 1765 - 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông, có kích thước 30cm x 20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó.

Chú thích ảnh
Một trang trong  "Hoàng hoa sứ trình đồ"

Về nội dung, Hoàng hoa sứ trình đồ vẽ lại  bản đồ đi sứ từ mục Nam Quan đến Bắc Kinh của Thám hoa Nguyễn Huy, ngoài ra còn có các nội dun ghi chép về cảnh sông núi, hình thức đón tiếp, độ dài cung đường, danh lam thắng cảnh, khảo sát lại hành trình đi sứ...Theo đánh giá chung, đây là cuốn sách độc đáo hiếm gặp về hành trình đi sứ mà một dòng họ lưu giữ được.

Danh hiệu Di sản tư liệu thế giới (thuộc chương trình Ký ức thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1994, với mục đích ghi các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu, có giá trị độc đáo ở nhiều lĩnh vực. Di sản này có thể là các cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói ( lưu trong băng ghi âm), hay bút tích...

Chú thích ảnh
Một trang trong "Hoàng hoa sứ trình đồ"

Đặc biệt, danh hiệu này được chia thành 2 loại: Di sản Tư liệu Thế giới  thuộc chương trình Ký ức thế giới (được xét vào các năm lẻ) và Di sản Tư liệu Thế giới  thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ( được xét vào các năm chẵn).

Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 3 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới, bao gồm Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long (năm 2011) và Châu bản triều Nguyễn (2017). 

4 di sản khác đươc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường Phúc Giang (2016) và sách cổ Hoàng hoa sứ trình đồ (2018).

Hôm nay, Việt Nam bảo vệ hồ sơ 'Hoàng hoa sứ trình đồ' trước UNESCO

Hôm nay, Việt Nam bảo vệ hồ sơ 'Hoàng hoa sứ trình đồ' trước UNESCO

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: trong ngày hôm nay 30/5, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ chính thức bảo vệ hồ sơ "Hoàng hoa sứ trình đồ", trước Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP).

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm