30/06/2017 15:52 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trên mạng vừa xuất hiện thông tin nhà thơ Hải Như, tác giả bài thơ nổi tiếng “Thành phố hoa phượng đỏ” đã qua đời ở tuổi 94.
Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923 trong một gia đình thuộc dòng dõi nho học tại thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cha mẹ ông làm nghề thuốc đông y. Trước khi qua đời nhà thơ Hải Như sống cùng gia đình tại TP HCM.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ông hoạt động cách mạng dưới vai trò Thư ký Hội truyền bá Quốc ngữ cùng với Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Hữu Đang tại Hà Nội. Năm 1946, ông vào quân đội, tham gia lớp đào tạo báo chí cách mạng Việt Nam đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc.
Suốt thời kháng chiến chống Pháp, nhà báo - nhà thơ Hải Như giữ vai trò Thư ký tòa soạn Báo Sông Lô Quân khu 10, Báo Vệ Quốc Quân, Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ TP. HCM, biên tập viên văn nghệ Báo Vệ Quốc quân, biên tập viên Văn nghệ Báo Cứu quốc, Báo Đại Đoàn kết. Sau hòa bình 10-1954, ông chuyển sang làm văn học, ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm đáng nhớ.
Sinh thời, nhà thơ Hải Như luôn tâm niệm: “Đề tài của nhà thơ, nhà văn phải là đề tài có tính nhân loại, cái mà nhân loại quan tâm. Con người thuộc mọi dân tộc, mọi màu da, mọi thời đại đều yêu cái đẹp, cái thật và ghét cái xấu, cái ác - đều hướng về chân - thiện - mỹ. Chức năng của văn học là làm thức tỉnh con người trở lại “chân thân”.
Chính vì lẽ đó, ông viết rất nhiều, đa đề tài, tự do trong thể loại và đầy cá tính. Thơ ông đậm chất nhạc, trữ tình với hơn 100 bài đã được phổ nhạc, nổi bật trong đó có các bài như: Thành phố hoa phương đỏ, Hà Nội thành phố của niềm tin, Hoa trong vườn Bác,…
Đó đều là những bài thơ chứa đựng tính triết lý, tính nhân văn cao cả, nhưng lại rất tự nhiên, nhẹ nhàng và không hề khiên cưỡng.
Nhiều nhất trong thơ ông có thể kể đến các sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với hơn 40 bài đều được sáng tác sau khi Bác mất, dù rằng bản thân nhà thơ chưa được gặp Bác lần nào.
Hiện lên trong thơ Hải Như là một chủ tịch Hồ Chí Minh rất “con người”, thoát khỏi cái bóng một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vẫn đầy đủ những phẩm chất cao quý. Thông qua các trang viết về Bác, nhà thơ Hải Như cũng gửi gắm thông điệp về thời đại, về con người Việt Nam.
Bộ phim dài 2 tập “Nhà thơ Hải Như với Hà Nội” đã được phát trên sóng truyền hình Việt Nam và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hội nhà văn Việt Nam.
Sự ra đi của nhà thơ Như Hải để lại niềm tiếc thương vô hạn và là sự mất mát lớn đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Hà Phạm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất