Tháp nghiêng Pisa đã sáng bóng

30/06/2011 14:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Mùa Hè này, hàng ngàn khách du lịch sẽ tới tháp nghiêng Pisa - công trình kiến trúc bị cho là phạm sai lầm nổi tiếng nhất thế giới. Sau hơn 800 năm, chiếc tháp này vẫn nghiêng, nhưng giờ nó đã sạch sẽ và vững chãi hơn sau khi trải qua dự án tu bổ tốn kém khoảng 9,3 triệu USD.

Tương truyền rằng, công trình xây dựng tháp Pisa được bắt đầu sau khi một quả phụ để lại 60 đồng tiền để mua những viên đá đầu tiên vào năm 1172. Khi xây tháp, thành phố cảng Pisa quyết định coi công trình này là một biểu tượng cho sức mạnh của thành phố, tuy nhiên khi hoàn thành, nó lại không được như người ta mong đợi.

“Đáng lẽ ra chiếc tháp này được xây thẳng” - Gianluca De Felice, người điều hành của Opera della Primaziale Pisana, tổ chức phi lợi nhuận giám sát tháp Pisa và quảng trường xung quanh, nói. “Nhưng sau khi xây những tầng đầu tiên thì vùng đất đầm lầy bên dưới bắt đầu lún. Đương nhiên đây là điều không ai muốn bởi đáng lẽ ra đây là một biểu tượng của sức mạnh thì nó lại trở thành biểu tượng của sự yếu kém”.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua tháp Pisa đã trở thành một điểm thu hút khách tham quan và nó không chỉ là biểu tượng của thành phố Pisa mà của cả đất nước Italia. De Felice, một người dân của thành phố Pisa, tự hào khi được tham gia vào công trình tu bổ tháp. “Tòa tháp này từng bị coi là một công trình đáng hổ thẹn và điều đó khiến lịch sử của tháp khác thường. Tuy nhiên, hiện giờ đây là công trình mà chúng tôi muốn gìn giữ”.

Tu bổ tháp nghiêng Pisa

Tu bổ kỳ công

Các nhà tu bổ đã sử dụng các chất hóa học để “tiêm” vào đá, phun nước, dùng các chất hòa tan khác và thậm chí còn dùng cả kỹ thuật laser công nghệ cao để làm sạch bụi bẩn bám trên hơn 24.000 khối đá làm nên tòa tháp cao gần 56m này.

Năm 1990, tháp Pisa có nguy cơ bị sụp đổ và các nhà chức trách đã buộc phải đóng cửa để tiến hành dự án lớn nhằm giữ tháp ổn định. Nơi này được mở cửa lại vào năm 2001, trong khi vẫn xúc tiến việc kéo thẳng tháp và làm sạch những phiến đá cẩm thạch. Các nhà nghiên cứu đã phải phân tích đá để tìm được cách xử lý phù hợp. “Các chuyên gia từng rất lo lắng khi các phiến đá cẩm thạch bị vỡ và hiện tượng đó sẽ đe dọa tới sự ổn định của cả cấu trúc. Ở phần trên của các cột đá từng có những vết nứt to mà tôi có thể nhét được cả bàn tay vào trong đó” - ông De Felice cho biết.

Việc làm sạch tháp được xem là một quá trình hết sức kỳ công bởi tòa tháp đã trở thành màu đen vì lớp bẩn bám sau nhiều năm bị gió có chứa cả vị muối từ biển Địa Trung Hải thổi vào. Hơn nữa, tháp còn dính nhiều phân chim bồ câu, trong khi nhiều khách tham quan vô ý thức đã dính kẹo cao su hay vẽ graffiti lên đó. Chưa kể độ nghiêng của tháp cũng là một nhân tố gây hư hại tháp. Mỗi khi mưa xuống, nhiều chỗ bị đọng nước và mọc đầy rêu.

“Tất cả các công trình ở đây, trong đó có cả tháp Pisa, đều đen kinh khủng” - Roberto Bello, một hướng dẫn viên du lịch bản địa, cho biết. “Đây là một hình ảnh không hề bắt mắt đối với những người lần đầu tiên tới đây”.

Trở lại vẻ huy hoàng vốn có

Lần đầu tiên trong khoảng 20 năm qua, tháp Pisa không còn những lớp bẩn đen hay bị giàn giáo che khuất mà đã trở lại vẻ huy hoàng và “bóng bẩy” vốn có. Thậm chí giờ đây du khách tới tham quan nơi này còn phải đeo kính râm bởi nếu không sẽ bị chói mắt vì độ sáng bóng của đá cẩm thạch hắt ra.

Việc tu bổ thành công tháp Pisa được xem là một công trình đặc biệt ở Italia khi hiện nay nhiều di sản và di chỉ khảo cổ ở đất nước này ít được tu bổ khiến chúng ngày càng trở nên tàn tạ do nguồn kinh phí bị cắt giảm và nạn tham nhũng. Năm ngoái, những bức tường từ thời La Mã ở Pompeii đã bị đổ sụp.


Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm