05/05/2020 06:41 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy định về xét tặng các danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đang được triển khai và lấy ý kiến dư luận. Nếu được áp dụng, những sửa đổi này sẽ mang lại tác động gì trong việc đánh giá và vinh danh nghệ sĩ?
Cần nhắc lại, trong 5 năm qua, việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ được gắn với Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 89). Dù đã có những thay đổi so với thời gian trước 2014, Nghị định 89 được cho là vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là ở các tiêu chí về tuổi nghề và giải vàng quốc gia của nghệ sĩ.
Thêm cách tính “tuổi nghề”
Cụ thể, theo Nghị định 89, nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu cần có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tối thiểu 15 năm với NSƯT hoặc 20 năm với NSND (riêng nghệ sĩ hoạt động trong 2 lĩnh vực đặc thù là múa và xiếc được “giảm” 5 năm cho mỗi danh hiệu). Và, thời gian này được tính “từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ”.
Trải qua 2 đợt xét tặng kể từ khi được áp dụng, phản hồi từ nhiều nghệ sĩ cho thấy: Quy định phải tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp hiện có phần cứng nhắc - khi trong quá khứ, nhiều nghệ sĩ xuất sắc vẫn được đào tạo theo kiểu “truyền nghề”, thay vì tham gia các trường chuyên nghiệp như thế hệ sau. Và ngược lại, một số nghệ sĩ trẻ có năng lực cũng đã được tham gia biểu diễn chuyên nghiệp song song với quá trình đào tạo, thay vì phải chờ… tốt nghiệp.
Từ thực tế ấy, bản dự thảo sửa đổi Nghị định 89 (hiện đang được Bộ VH,TT&DL lấy ý kiến để hoàn thiện) đã bổ sung thêm một tiêu chí mới về tuổi nghề. Theo đó, bên cạnh yếu tố về thời gian tốt nghiệp, tiêu chí này có thể được tính theo “thời điểm cá nhân được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp” cho tới lúc xét hồ sơ. Có nghĩa, tùy điều kiện thực tế, nghệ sĩ có thể được chọn 1 trong 2 tiêu chí phù hợp để xét tặng.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, một số nghệ sĩ lớn tuổi trong lĩnh vực biểu diễn cho rằng việc bổ sung thêm tiêu chí “ký hợp đồng” là tích cực, nhưng vẫn bỏ qua một thực tế: Có khá nhiều nghệ sĩ tham gia biểu diễn sớm nhưng phải rất lâu mới được ký hợp đồng với một đơn vị nghệ thuật. Tương tự, nhiều nghệ sĩ lớn tuổi, có thâm niên biểu diễn, lại không gắn bó liên tục tính theo hợp đồng) với một đơn vị nghệ thuật nào, thậm chí là không có hợp đồng nếu tham gia một nhóm nghệ thuật theo hình thức gia tộc (vốn khá phổ biến tại phía Nam).
Từ đó, sẽ là hợp lý hơn nếu bản dự thảo bổ sung thêm việc xem xét “đặc cách” cho những nghệ sĩ dù không đủ tuổi nghề nhưng có năng lực xuất sắc và đã cống hiến nhiều cho đời sống nghệ thuật?
Vừa “xiết” vừa “mở” về giải vàng
Ở một góc độ khác, tiêu chí “giải vàng” luôn là điểm nóng gây tranh cãi trong những đợt xét duyệt trước đây. Nghị định 89 hiện yêu cầu mỗi nghệ sĩ có tối thiểu 2 giải vàng quốc gia (hoặc 1 giải vàng và 2 giải bạc để xét danh hiệu NSƯT). Còn trong trường hợp để được xét NSND, các NSƯT cần tiếp tục có thêm 2 giải vàng nữa.
Thực tế, từ rất lâu, dư luận đã nhắc rất nhiều tới trường hợp của những nghệ sĩ tài năng và có nhiều cống hiến nhưng không thể đảm bảo tiêu chí “giải vàng” này. Đó có thể là những gương mặt lão thành từng dành hết tuổi trẻ để phục vụ kháng chiến, là những cái tên thuộc các bộ môn nghệ thuật đặc thù (rất hiếm hoi có hội diễn cấp quốc gia) hoặc các gương mặt chủ yếu làm công tác đào tạo....
Do vậy, trong 5 năm qua, để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, Nghị định 89 đã áp dụng tiêu chuẩn quy đổi giải thưởng - theo đó, những giải vàng dành cho tập thể hoặc tiết mục biểu diễn có thể được quy đổi thành 1/2 hoặc 2/3 giải vàng cho nghệ sĩ (trường hợp hiếm hoi, có thể quy thành 1 giải vàng đối với các đạo diễn chương trình). Tuy nhiên, cách tính quy đổi này cũng dẫn tới luồng ý kiến e ngại việc quy đổi này sẽ khiến danh hiệu bớt đi giá trị, khi mà các hội diễn, liên hoan gần đây thường trao khá nhiều huy chương.
Từ thực trạng này, dự thảo sửa đổi Nghị định 89 có sự điều chỉnh theo hướng “xiết lại” việc quy đổi giải thưởng. Theo đó, một số giải vàng, giải Nhất, giải A... tại các cuộc liên hoan cấp ngành, hay cấp khu vực trước đây được tính giá trị bằng 2/3 giải vàng quốc gia, nay được điều chỉnh hạ xuống chỉ bằng 1/2 giải vàng quốc gia. Đặc biệt, dù xét tặng danh hiệu NSND hay NSƯT, các nghệ sĩ phải có ít nhất một giải vàng quốc gia cho cá nhân - điều không có trong Nghị định 89.
Tuy nhiên, như để bù lại cho thay đổi này, dự thảo sửa đổi Nghị định 89 đã bổ sung thêm các khoản về đặc cách xét tặng danh hiệu. Theo đó, trong trường hợp chưa đủ về số giải vàng quốc gia, các nghệ sĩ muốn xét danh hiệu NSND, NSƯT có thể “được Hội đồng các cấp xem xét, đánh giá là trường hợp đặc biệt, thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc đưa ra quy định xem xét đặc cách xét tặng danh hiệu là điều hợp lý - khi mà trong những năm qua, khá nhiều trường hợp nghệ sĩ từng được đặc cách xét tặng như vậy.
Thay đổi tỷ lệ phiếu bầu Nếu các thay đổi dự kiến về vấn đề tuổi nghề và giải vàng Quốc gia đang được đón nhận với những ý kiến khác nhau thì vấn đề điều chỉnh tỷ lệ phiếu bầu đã cho thấy rõ sự tích cực trong việc tạo điều kiện cho nghệ sĩ. Cụ thể, dự thảo sửa đổi đề nghị giảm tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng xét tặng các cấp xuống còn 80%, thay vì 90% như trước. Để ví dụ, theo quy định cũ, tại Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước, nghệ sĩ cần được tối thiểu 14/15 phiếu đồng ý – trong khi nếu việc sửa đổi được áp dụng, nghệ sĩ chỉ cần được 12/15 phiếu đồng ý là đạt đủ tỉ lệ 80%. |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất