Thơ lục bát với Di sản văn hóa dân tộc

04/09/2019 16:20 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Ngày 4/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi – 2019, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Website Lục bát Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Thơ lục bát với Di sản Văn hóa dân tộc".

Tọa đàm về cuộc vận động đưa thơ lục bát trở thành "quốc thơ"

Tọa đàm về cuộc vận động đưa thơ lục bát trở thành "quốc thơ"

Song song với việc nhiều di sản Văn hóa Việt Nam đang được nghiên cứu làm hồ sơ trình lên UNESCO công nhận di sản Văn hóa thế giới thì trong lĩnh vực Văn học cũng có một cuộc vận động đưa thơ lục bát trở thành "Quốc thơ".

Hội thảo đã thu hút hơn 40 bài viết, ý kiến tham luận của hơn 40 tác giả là những nhà nghiên cứu, nhà thơ có uy tín về thể loại lục bát.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo nhấn mạnh, lục bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo được các thế hệ cha ông truyền lại. Đặc biệt, trong tâm thức của nhiều người dân Việt Nam, hầu như ai cũng thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng thơ lục bát; những câu ca dao đằm thắm vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình, như nguồn cội dân tộc.

Lục bát có trong lời ru của mẹ, trong ca dao, có trong sấm ký và có trong kho tàng thi ca của nước Việt, từ những câu nói có vần, đến những điệu hò, điệu lý, câu hát giao duyên cho đến những tác phẩm văn học đồ sộ như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm), Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật (Nguyễn Đình Chiểu)... Thể thơ lục bát còn có trong hàng ngàn tác phẩm văn học khác, trong những câu dân ca, những làn điệu Chèo, Quan họ, trong điệu Trống quân, Cò lả, Ví, Giặm, điệu Nam ai, Nam bình, Chầu văn, Ca trù…   

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo

Đến nay, không ai có thể khẳng định thể thơ lục bát có từ khi nào nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lục bát có xuất xứ từ ca dao, từ thời vua Hùng và có thể có từ trước đó, tồn tại trong dân gian từ đời thượng cổ đến giờ, là văn hóa truyền miệng từ đời này sang đời khác. Ngày nay lục bát đã trở thành thể thơ truyền thống đặc thù cho thi ca cổ truyền, một thể thơ giàu cảm xúc, trữ tình, có sức truyền cảm cao trong trào lưu thi ca hiện đại. Từ Tản Đà cho đến Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Trọng Tạo... và một số cây bút trẻ sau này, lục bát đã trở thành những tác phẩm mang phong cách hiện đại, là những tác phẩm "đóng đinh" trong sự nghiệp văn chương của họ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Đức (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), trong cả tục ngữ lẫn ca dao Việt Nam còn lưu giữ rất nhiều dấu tích của quá trình hình thành, hoàn thiện thể thơ lục bát. Những gì đã được hoàn thiện trong thể lục bát ngày nay đều in dấu bàn tay sáng tạo của người Việt qua tục ngữ, ca dao. Thể thơ lục bát Việt Nam do người Việt sáng tạo ra đầu tiên trong văn học dân gian, được góp sức hoàn thiện thêm bởi văn học viết.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng thơ lục bát là di sản văn hóa và là tài sản quý giá của dân tộc bởi đây là thể thơ tiêu biểu, đặc sắc do người Việt Nam sáng tạo ra và mang tính bản địa rõ rệt. Thơ lục bát được sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ, liên tục được duy trì, bổ sung, nâng tầm thành những tác phẩm văn học bằng thơ ca có sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp cư dân trong xã hội.

Trong quá khứ, văn học dân gian nói chung, thơ lục bát nói riêng được coi là tài sản chung của một nhóm người, một cộng đồng. Đồng thời, nó được lưu giữ bằng một hình thức rất độc đáo là truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ địa phương này sang địa phương khác theo các con đường giao thương hoặc các bước chân mở đất và mở nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài nhấn mạnh: Tính dân gian, tính truyền miệng, đặc biệt ngôn ngữ tiếng Việt là "nguồn sữa tinh thần" sản sinh, nuôi dưỡng, duy trì và trao truyền di sản thơ lục bát; do đó, nội dung và hình thức nghệ thuật trong thơ lục bát liên quan tới hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội của người Việt Nam. Từ đó, có thể nói, thơ lục bát là một "phần hồn" trong di sản văn hóa dân tộc, là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam, cần được bảo tồn và tôn vinh.  

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu về giá trị di sản của thể thơ lục bát trong dòng chảy thi ca Việt Nam như: đi tìm nguồn gốc của thể thơ lục bát Việt Nam; lục bát là thể thơ quý tộc của người Việt; sức sống mãnh liệt của lục bát trong dòng chảy văn hóa Việt; vẻ đẹp mới trong thơ lục bát Việt Nam hiện đại.

Nhiều ý kiến cũng xoay quanh nội dung: tìm hiểu lục bát - thể thơ đặc thù của dân tộc; tính thống nhất, sắc thái riêng của thể thơ lục bát trong ca dao ba miền Bắc-Trung-Nam; quá trình hình thành, phát triển và đặc điểm của thơ lục bát trong nền văn học nước nhà; thơ lục bát với việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài…

Mỗi nhà nghiên cứu đã tiếp cận một góc độ khác nhau, bằng nhiều cứ liệu lịch sử, xã hội với dẫn chứng nhưng đều khẳng định giá trị, vị thế của thơ lục bát trong di sản văn hóa dân tộc, xứng đáng là "Di sản Văn hóa phi vật thể" của quốc gia.

Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019 với dự tham gia của đại diện gần 30 câu lạc bộ thơ lục bát đến thuộc nhiều tỉnh thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Gia Lai, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Bên cạnh đó, ngày hội còn có các nghi thức đặc trưng như: Sắp đặt các Lục bát quán, Lễ rước thơ, Lễ phát lộc thơ lục bát….

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm