Tiểu thuyết 'đi trốn' của Bình Ca: Cuộc 'sinh tồn' của những đứa trẻ thời chiến

21/11/2020 09:02 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Đi trốn kể lại “câu chuyện về những đứa trẻ đi trốn trong chiến tranh, và chúng được đưa về nơi an toàn nhất. Đó là nông thôn và rừng rú”. Bỏ qua những ý tưởng về thiên nhiên hoang dã, về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, điều đọng lại sau cùng ở Đi trốn của Bình Ca không phải là một không gian rộng lớn của hang động, núi rừng, hồ nước, mà là những suy tư nghiền ngẫm về một thời chiến tranh đã qua.

Nhà văn Bình Ca - Tác giả 'Quân khu Nam Đồng': 'Không thích văn chương dài lê thê'

Nhà văn Bình Ca - Tác giả 'Quân khu Nam Đồng': 'Không thích văn chương dài lê thê'

“Cuộc sống thực của chúng ta đầy những điều kỳ diệu và sâu lắng nên người người viết không phải dụng công bịa đặt làm gì. Giờ tôi thấy nhiều thứ văn chương dài lê thê quá. Ta cứ nói đúng nhịp đập và tốc độ cuộc sống của thời 4.0 này là đã thành công rồi...”!

Câu chuyện của Bình Ca mở đầu bằng những kýức ở Trại Nhi đồng Khe Khao - nhà trẻ nội trú đầu tiên thời chiến. Ở đó, chuyện ăn, ngủ, sinh hoạt, học hành của các cháu được đặt lên hàng đầu. Riêng chuyện…rửa đít bằng tay hay dùng ngón chân thôi cũng được đưa ra bàn luận và thống nhất.

Từ chăm sóc trẻ con và giáo dục thời chiến...

Trên thực tế, chuyện chăm sóc trẻ con và giáo dục thời chiến không được đề cập đến tập trung trong 1, 2 chương, mà xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện. Ở mỗi trang sách, tác giả lại tiết lộ cho người đọc một chút về việc ở những năm kháng chiến chống Mỹ ấy, đám trẻ con và thanh niên đã sống và đã lớn lên như thế nào.

Ai cũng biết đã là thời chiến thì chẳng gì có thể diễn ra bình thường được, thậm chí, nếu đọc sâu về lịch sử, người ta cũng có thể biết thừa rằng trẻ con thời đó sống gian khổ ra sao. Nhưng quả thực, rất ít ai có thể kể lại được một câu chuyện vừa chân thực, vừa hóm hỉnh, dễ thương như Bình Ca.

Sinh hoạt chung ở trại nhi đồng, dưới sự chăm nom của các cô và các chú bộ đội, sáng nào dậy, các cháu cũng phải “đi ị” rồi mới được làm sang việc khác. Điều này không dễ với nhiều đứa, từ đó, nhằm “lách luật”, phong trào “ị hộ” ra đời. Những câu chuyện thật đến không thể thật hơn như vậy, nếu không phải Bình Ca, có lẽ sẽ chẳng ai dám kể, và chắc chắn, kể cả có kể, thì cũng khó lòng kể duyên và khiến độc giả bật cười được như ông.

Cũng có không ít lần, độc giả thấy những đứa trẻ trong Đi trốn nhắc đến “lời hứa con nhà lính”. Dường như đối với chúng, đó là dấu hiệu của một lời hứa bất khả xâm phạm và đáng tôn trọng bậc nhất. Những đứa trẻ “con nhà lính” được giáo dục về việc giữ lời hứa, về việc bảo vệ bạn bè, về sự trung thành, về nhận lỗi khi sai phạm, và bất ngờ hơn, chúng được giáo dục cả về việc tôn trọng những khác biệt nữa.

Chú thích ảnh
Nhà văn Bình Ca

Trong tiểu thuyết của Bình Ca có những cuộc đối thoại mang tính luận đề về niềm tin, về tín ngưỡng. Người bố của nhân vật Tự Thắng đã nói với con về việc “theo chủ nghĩa duy vật biện chứng nên không tin vào thần linh”, nhưng ông cũng không quên dặn dò: “Nhưng ba cũng không bảo những người tin vào trời, Phật là sai. (...) Trong xã hội vẫn có rất nhiều người tin vào thần linh và cần tôn trọng tín ngưỡng của họ”.

Bài học về tôn trọng tín ngưỡng, rộng ra hơn là tôn trọng sự khác biệt ấy, trở đi trở lại trong cuộc đi trốn, khi những đứa trẻ con em cán bộ như Tự Thắng, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam, Thảo không tin thần linh tiếp xúc với Sơn - một cậu bé dân địa phương có lòng sùng kính với loài chim thần mang tên “Cụ Phượng”.

Những câu chuyện chân thực xoay quanh việc nên chăm sóc và dạy dỗ một đứa trẻ như thế nào đã mở đầu và khép lại Đi trốn. Ban đầu, lũ trẻ vì sợ bị trách phạt mà bỏ trốn khỏi Nhà Kỷ luật, để rồi ngẫu nhiên bước vào một cuộc phiêu lưu nơi núi rừng trùng điệp, phải chiến đấu với trăn, rắn hổ mang, ong, hổ, lại phải chịu đựng mất mát khi mất đi một người bạn đường thân thiết.

Cuối cùng, chuyện khép lại khi những người lớn có trách nhiệm thừa nhận rằng cách quản lý và dạy dỗ theo kỷ luật kiểu đó chưa phù hợp với trẻ em. Thế nhưng, cách giáo dục ấy, hay cuộc đi trốn ấy, xét trên một phương diện khác, cũng đã đem lại nhiều niềm vui và trải nghiệm mới cho lũ trẻ.

Đã qua rồi cái thời chúng ta chỉ nhìn nhận một chiều để đánh giá vấn đề. Và dù khăng khăng khẳng định Đi trốn là một cuốn tiểu thuyết với rất nhiều tình tiết hư cấu, nhưng chính nhà văn Bình Ca đã giãi bày: “Tôi chỉ kể lại về một thời đã qua, với tất cả điều tốt đẹp và những sai lầm đáng tiếc. Lịch sử không sửa được. Nó được viết ra để thế hệ sau đọc, đánh giá và rút ra bài học cho mình”.

Có thể, các nhân vật chính trong Đi trốn chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng những câu chuyện mà tác giả kể lại về một thời sơ tán lại chẳng thể nào thật hơn được nữa.

… Đến câu chuyện giữa thiên nhiên và con người

Trong chiến tranh, những đứa trẻ không còn được sống êm ấm trong căn nhà quen thuộc của mình nữa. Chúng phải đi sơ tán. Chúng phải đi về vùng nông thôn và rừng núi.

Những đứa trẻ chưa kịp quen với lối sống ở các đô thị mới nay lại được trở về vùng quê, trở về với thiên nhiên rộng lớn, rừng núi hoang sơ. Ở nơi sơ tán, chúng vẫn được chơi đùa, thậm chí còn được chơi đùa cùng những vật dụng có phần nguy hiểm như súng, đạn, kíp nổ...

Đối với trẻ con ngày nay, những vật dụng ấy vốn không hề quen thuộc. Hãy thử tưởng tượng, thay vì có được một chiếc tàu vũ trụ (nhựa hoặc kim loại) có thể phóng lên trời bằng động cơ tự động hoặc lên dây cót, đám trẻ cần ghép những mảnh bìa thành hình con tàu và đi tìm thuốc phóng từ mấy viên đạn cũ.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết “Đi trốn”

Công đoạn tự làm đồ chơi phức tạp hơn nhiều so với việc mua một món đồ chơi ngoài cửa hàng, và đi cùng với sự phức tạp là rất nhiều nguy hiểm khác nữa. Và trong một lần tự chế đồ chơi, lũ trẻ làm cháy cả cái nhà vệ sinh, dẫn đến việc bị nhốt trong Nhà Kỷ luật. Từ đây, chuyến phiêu lưu đã chớm bắt đầu...Nhà Kỷ luật không giữ chân được đám Tự Thắng, Linh, Hoài Nam, Việt Bắc, cũng như tâm lý sợ bị phạt thôi thúc chúng tìm đường bỏ trốn vào rừng sâu. Thế là cả lũ rủ nhau đi trốn.

Suy rộng ra, câu chuyện đi trốn ấy cũng có thể xem như một câu chuyện con người tìm cách sinh tồn trong thiên nhiên khắc nghiệt. Nhưng thật ra như thế vẫn chưa đủ. Lũ trẻ còn sống trong hoàn cảnh khổ sở và nguy hiểm hơn: Xung quanh là núi cao rừng sâu, trên trời là máy bay thả bom của Mỹ.

Chính vì vậy, xét đến cùng, Đi trốn của Bình Ca vẫn là một câu chuyện về chiến tranh, như chính tác giảđã khẳng định. Nếu không có chiến tranh, trẻ con đã không phải đi sơ tán, đã không phải lo lắng đến mức bỏ trốn vì sợ chịu phạt theo kỷ luật thép. Nếu không có chiến tranh và lính Mỹ dội bom, cửa vào hang động dẫn tới Hồ Mây đã không bị sập.

Nhưng nếu không có tất cả những sự kiện đó, liệu rằng Tự Thắng, Linh, Hoài Nam, Việt Bắc, Thảo, Sơn có cùng nhau đi vào rừng, cùng nhau chơi đùa và cùng nhau vượt qua khó khăn? Đây có lẽ là một câu hỏi khó lòng trả lời được, vì cho đến sau này, những đứa trẻ khi xưa đều nghĩ về lần đi trốn ngày ấy như một hồi ức tuổi thơ đẹp nhất.

Cuối tác phẩm, Bình Ca đã viết về Hồ Mây với nhiều đổi khác. Hồ Mây, Động Trăng Khuyết, Hang Rắn, Cửa Trời... đã khác xưa; ngay cả cuộc đời sau đó của những đứa trẻ từng bước vào chuyến phiêu lưu ấy cũng đã rẽ sang biết bao nhiêu ngả, để rồi ở cuối khúc vĩ thanh, người kể chỉ còn biết ngậm ngùi: “Đó là thực tế mà những người trong cuộc phải chấp nhận. Có thể coi đó là số mệnh của những người sinh ra trong thời chiến, hay nói văn chương một tí, đó là nỗi buồn chiến tranh”.

“Nếu đã chơi văn chương, phải cố mà chơi cho đẹp”

Được viết và hoàn thành trong những ngày cả nước giãn cách vì Covid-19,Đi trốn đánh dấu bước trở lại của Bình Ca sau 5 năm kể từ khi ra mắt cuốn sách đầu tiên (Quân khu Nam Đồng). Vẫn là những câu chuyện kể về thế hệ trước, song tác phẩm của Bình Ca lại được đông đảo độc giả trẻ yêu mến đón nhận. Để lý giải về “hiện tượng” Bình Ca, có lẽ cần một bài viết dài hơi hơn, nhưng từ Quân khu Nam Đồng đến Đi trốn, Bình Ca vẫn là một người kể chuyện duyên dáng lạ lùng.

Thật khó để tìm ra được những cách tân nghệ thuật hay những bứt phá về nội dung trong tác phẩm của ông. Đi trốn, dù là một câu chuyện hư cấu, nhưng lại đặc sệt chất liệu của đời sống. Việc của Bình Ca chính là chọn một góc nhỏ, sắp xếp và kể lại những câu chuyện đời ấy.

Bình Ca thổ lộ, đối với ông, “văn chương chỉ là một cuộc chơi và nếu đã chơi, phải cố mà chơi cho đẹp”. Còn đối với tôi - ngườisống trong một thời đại đã hòa bình và hiếm khi nào biết đến thú dữ, đạn bom, Bình Ca như một người kể chuyện phiêu lãng, kể lại những câu chuyện đậm chất cổ tích về quá khứ, dù chẳng phải “ngày xửa ngày xưa” nhưng lại hấp dẫn và đem đến nhiều hy vọng vô cùng.

Và như rất nhiều câu chuyện cổ tích, truyện phiêu lưu trong lịch sử văn chương, khi đọc xong, mỗi độc giả đều sẽ có được một bài học cho riêng mình.

Những bài học sinh tồn trong rừng

Câu chuyện đi trốn chiếm 2/3 dung lượng của cuốn sách, không chỉ kể về những khó khăn và hiểm họa rừng sâu, mà còn khắc họa nên một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên hoang dã nơi con người chưa đặt chân tới. Đó là Hồ Mây rợp bóng chim bay, là vách đá ma với những bức họa ánh đỏ khắc sâu vào đá, là khu rừng bàng bạc ánh trăng khi lũ trẻ rủ nhau chơi đùa, là con suối róc rách mát lành nơi Thảo thả mình xuống tắm, là âm thanh con trăn săn mồi, là tiếng sơn dương rơi vào vách đá... Tất cả những hình ảnh, âm thanh ấy đều được Bình Ca miêu tả lại bằng ngôn từ hàm súc, gợi cảm vô cùng.

Trong cuộc đi trốn ấy, bạn đọc cũng sẽ được thấy lũ trẻ làm quen với thiên nhiên và với các sinh vật hoang dã khác. Không phải từ sách vở mà từ lời kể của bạn đường và trải nghiệm cá nhân, đám Linh, Tự Thắng, Việt Bắc, Thảo biết rằng trăn, rắn chỉ tấn công người khi chúng cảm thấy bị con người đe dọa; khi tổ bị tấn công, ong sẽ tấn công người ở gần tổ của chúng nhất; và sơn dương là loài vật lanh lẹ rất biết né người...

Trường Khanh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm