04/06/2021 19:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - LTS: Có rất nhiều điều để nói về Đi trốn (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam), cuốn tiểu thuyết vạm vỡ, thấm đẫm ký ức của nhà văn Bình Ca, tác giả Quân khu Nam Đồng, với đoạn đầu như một ký ức về tuổi thơ trong chiến tranh và đoạn sau là một cuộc phiêu lưu sinh tồn kiểu "Trên sa mạc và trong rừng thẳm". Cuối cùng là một "Vĩ thanh" để khép lại cuộc đời các nhân vật - nó khiến cho câu chuyện trở nên giống với truyện ký, mặc dù được đề rõ là tiểu thuyết.
Xin giới thiệu ý kiến về Đi trốn của nhà thơ Hàm Anh sau khi tác phẩm này được trao giải Dế Mèn:
Đọc bản thảo Đi trốn từ khi còn manh nha trứng nước cái tôi lo nhất là tôi biết nó sẽ không gây hiện tượng kiểu như Quân khu Nam Đồng. Nhưng điều tôi thích nhất cũng chính là nó đã vượt thoát được cái bóng lẫy lừng của Quân khu Nam Đồng. Và ngạc nhiên nhất là sao có cái kiểu văn vẻ gì viết như học sinh lớp 4 chuyên toán làm bài tập làm văn tả cảnh, tả người mà lại khiến độc giả luôn bận rộn việc đời như tôi phải ngốn một mạch?
Công bằng mà nói, Đi trốn không dễ hấp dẫn bạn đọc như Quân khu Nam Đồng vì không có chuyện yêu đương tuổi trẻ, không gợi tò mò về một “hiện tượng” vang bóng một thời. Đi trốn viết về tụi trẻ con tầm trên dưới 10 tuổi thời chiến tranh, nhưng cuộc chiến chỉ hiện ra như một hậu cảnh được đẩy xa, vài nét chấm phá, toàn bộ tiền cảnh là thiên nhiên vùng núi đá vôi kỳ vĩ ở Bắc Bộ.
Sách viết về thiếu nhi và thiên nhiên. Văn tả thì đơn giản, không véo von, không mượt mà. Đi trốn toàn những thứ “bất lợi” như thế, vậy Bình Ca đã múa "cây đũa thần" của anh ấy như thế nào để lôi cuốn bạn đọc và rốt cuộc thì rinh “chú Dế Mèn” (Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn) của báo Thể thao và Văn hóa, vượt qua nhiều “yêng hùng” khác?
Thứ nhất, Bình Ca vẫn tỏ ra đắc địa trong cái duyên kể chuyện tưng tửng và dí dỏm của anh ấy. Các tình tiết luôn gọi mời nhau theo một cách rất “Bình Ca”, kiểu có vẻ như không đâu vào đâu nhưng thực ra nó đều có những “võ bỏ nhỏ” khiến người ta luôn muốn biết “thế rồi sao nữa”? Cái này là “duyên trời phú” không trường lớp nào “dạy” được.
Thêm vào đó, Đi trốn chỉ có vẻ ngoài hiền lành, vô thưởng vô phạt nhưng thực ra khá thâm hậu, hệt như người sinh ra nó vậy. Những câu chuyện sâu xa được nhà văn giấu sau cái vẻ ngoài rất giản dị, câu chuyện lớn luôn ý nhị ẩn trong câu chuyện nhỏ, những câu nói trẻ thơ ngây ngô nhưng làm cho người ta phải suy nghĩ day dứt về những nỗi buồn đau lớn của một thời. Chuyện cải cách ruộng đất, chuyện ấu trĩ một thời, chuyện chiến tranh khắc nghiệt, chuyện thân phận nhỏ dạt trôi trong một quầng bão lửa của chiến tranh...
Tuy nhiên, thú vị nhất vẫn là việc anh Bình Ca đã bằng những hiểu biết rất thực tiễn về địa lý của một loại địa hình và vùng đất mà tạo ra cả một thế giới thiên nhiên núi non sông hồ, hang động vô cùng kỳ ảo! Cái giỏi của cuốn Đi trốn đó là thổi hồn cốt nên một thế giới thiên nhiên vừa rất thật, thậm chí rất chính xác về mặt khoa học địa chất và thời tiết, mùa vụ, lại vừa có cái vẻ đẹp hoang đường của trí tưởng tượng. Nếu bạn đã từng cầm bút viết văn, bạn sẽ hiểu việc tạo ra sức hấp dẫn này không hề dễ chút nào!
Thế nên tôi vẫn nói với anh Bình Ca là tôi khâm phục Đi trốn hơn cả Quân khu Nam Đồng vì anh chọn một đề tài và lối đi khó mà vẫn “thoát hiểm” một cách ngoạn mục. Xét theo khía cạnh này thì văn tài của Đi trốn có phần cao tay hơn Quân khu Nam Đồng một bậc.
Mặc dù các nhân vật của Đi trốn được vẽ bằng những nét phác họa đơn giản, thoáng thưa nhưng vẫn đủ để gieo trong lòng bạn đọc một tình cảm và lưu luyến.
Có thể cái tạng của tôi thích lối nói nhỏ nhẹ khi viết về những chuyện to tát nên tôi quý trọng những đóng góp của anh Bình Ca cho văn chương. Ít nhất nó khiến người ta muốn đọc mà không gây nặng nề, mệt mỏi, bế tắc hoặc ngao ngán vì cái kiểu dễ dãi “sốc, sến súa” còn được gọi một cái tên khác là “văn thị trường”. Đọc văn của Bình Ca người ta cảm nhận được một tinh thần mạnh khỏe, có lòng tin vào điều thiện nên trong trẻo và nhân từ.
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn là : Tôi có cảm giác rằng Đi trốn mới là khúc dạo đầu của những ấp ủ lớn hơn cho một cuốn tiểu thuyết dày dặn hơn về cuộc chiến mà anh Bình Ca đang sở hữu một gia tài tư liệu giàu có và quý hiếm.
Rất hy vọng sớm được tiếp tục đón đọc anh Bình Ca trong tương lai gần và chân thành chia vui cùng tác giả Đi trốn với giải Dế Mèn rất xứng đáng mà Hội đồng giám khảo đã dành cho anh.
(Còn nữa)
Hàm Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất