15/04/2021 07:49 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cuối tuần qua, một nhóm nhà khảo cổ Ai Cập công bố họ đã tìm thấy “thành phố vàng đã mất” 3500 năm tuổi với tên gọi Aten. Đây được cho là thành phố cổ đại lớn nhất từng được phát hiện ở Ai Cập và được coi là khám phá khảo cổ học quan trọng nhất Ai Cập kể từ sau lần phát hiện lăng mộ của Tutankhamun gần một thế kỷ trước.
Theo nhà khảo cổ Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập đồng thời là trưởng nhóm khảo cổ, thành phố cổ đại Aten có niên đại từ thời vua Amenhotep III, vị Pharaoh trị vì vương quốc cổ đại từ năm 1391 đến năm 1353 trước Công nguyên. Nhiều nhóm chuyên gia nước ngoài đã từng tìm kiếm thành phố này.
“Lãnh địa của Aten chói lọi”
Các cuộc khai quật được bắt đầu tiến hành hồi tháng 9/2020 ở khu vực nằm giữa những ngôi đền của Ramses III và Amenhotep III gần Luxor, cách phía Nam thủ đô Cairo khoảng 500km. Khu vực này từng được gọi là “Đại đô thị hàng ngàn năm của Pharaoh”, vì một số xác ướp và cấu trúc đồ sộ đã được phát hiện ở Luxor từ những năm 1800.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu tiến hành khám phá Đền thờ Mortuary của Tutankhamun, nơi vị vua trẻ được ướp xác. Chỉ trong vòng vài tuần sau khi đào, họ đã phát hiện ra “các thành gạch bùn ở mọi hướng”. Sau đó, nhóm khảo cổ đã khai quật được một số công trình khác nhau của thành phố.
Betsy Bryan, giáo sư nghệ thuật kiêm nhà Ai Cập học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), mô tả phát hiện này là “khám phá khảo cổ quan trọng thứ 2 sau khi phát hiện ra lăng mộ Tutankhamun” gần một thế kỷ trước. Theo đó, thành phố được khai quật nằm giữa đền thờ của Rameses III tại Medinet Habu và đền thờ của Amenhotep III tại Memnon..
Mục tiêu đầu tiên của nhóm khảo cổ là xác định niên đại của khu định cư, được thực hiện bằng cách giải mã các dòng chữ tượng hình được tìm thấy trên nắp đất sét của các bình rượu.
Các nhà khảo cổ học chia sẻ trong một tuyên bố: “Các tài liệu tham khảo lịch sử cho chúng tôi biết khu định cư bao gồm 3 cung điện hoàng gia của Vua Amenhotep III, cũng như trung tâm hành chính và công nghiệp của Đế chế”.
Những dấu tích thú vị
Hầu hết cát đã được dọn sạch khỏi khu vực này trong 7 tháng qua và phát lộ các cụm kiến trúc khác nhau. Khá thú vị, có một tiệm bánh ở phía Nam của thành phố, với một nhà bếp hoàn chỉnh với lò nướng và đồ gốm. Nhóm khảo cổ giải thích: “Từ kích thước của nó, chúng tôi có thể nói rằng nhà bếp đã phục vụ một số lượng rất lớn công nhân và nhân viên”.
Nhóm khảo cổ hiện vẫn đang làm việc trên phần thứ hai của thành cổ Aten. Mặc dù bị che phủ một phần, họ tin rằng đó là khu hành chính và dân cư. Khu vực này được bao quanh với một bức tường ngoằn ngoèo và chỉ có một lối vào duy nhất dẫn ra hành lang nội bộ và khu dân cư. Các nhà nghiên cứu chia sẻ: “Lối vào duy nhất khiến chúng tôi nghĩ rằng đó là một biện pháp an ninh nào đó, qua đó giúp người Ai Cập cổ đại kiểm soát ra vào các khu vực kín”.
Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một chiếc nồi chứa khoảng 10kg thịt, có khắc một dòng chữ: “Năm 37, khoác thịt trên người cho lễ hội Heb Sed lần thứ 3 từ lò mổ của bãi chăn gia súc của Kha do người hàng thịt luwy làm”.
“Thông tin quý giá này cho chúng tôi biết tên của 2 người đã sống và làm việc trong thành phố, đồng thời xác nhận rằng thành phố đã hoạt động trong thời gian vua Amenhotep III đồng nhiếp chính với con trai mình là Akhenaten” - các nhà khảo cổ kết luận.
Theo các tài liệu lịch sử, một năm sau khi chiếc nồi này được chế tác, kinh đô đã được chuyển đến thành phố Amarna. Vua Akhenaten, người đã ra lệnh cho thần dân của mình chỉ tôn thờ duy nhất thần mặt trời Aten, đã kêu gọi hành động này.
Cũng cần nói thêm, tại thành phố này, các chuyên gia cũng phát hiện ra những khuôn đúc lớn để làm bùa hộ mệnh và các đồ vật trang trí tinh xảo. Các nhà khảo cổ học cho biết: “Đây là bằng chứng về sản xuất đồ trang trí rộng rãi trong thành phố, cho cả đền thờ và lăng mộ”.
Một khu vực quan trọng trong thành phố vừa phát lộ được cho là các xưởng xây bằng gạch bùn từng được sử dụng để xây dựng thành phố đồ sộ. Một số viên gạch vẫn còn rải rác quanh khu vực mang dấu ấn của Vua Amenhotep III và những viên gạch khác với dòng chữ có thể đọc được, như “gm pa Aton” - có thể được dịch là “lãnh địa của Aten chói lọi”. Đây là tên của một ngôi đền được Vua Akhenaten - cha của Vua Tutankhamun - xây dựng tại Karnak.
Trên khắp các khu vực được khai quật, nhóm khảo cổ đã tìm thấy nhiều công cụ được sử dụng trong một số loại hoạt động công nghiệp như kéo sợi và dệt vải. “Vảy kim loại và thủy tinh cũng được tìm thấy, nhưng khu vực chính của hoạt động này vẫn chưa được khám phá” – theo nhóm khảo cổ.
Cùng với các yếu tố cấu trúc, có những ngôi mộ được tìm thấy bên trong các bức tường của thành phố. Hai ngôi mộ được khai quật có xương của một con bò cái hoặc một con bò đực cùng với hài cốt của một người được tìm thấy với cánh tay duỗi sang một bên và sợi dây rách nát quấn quanh đầu gối của họ.
Sẽ tiếp tục “giải mã” thành phố bị bỏ hoang
“Theo lịch sử, một năm sau khi Aten được hình thành, thành phố đã bị bỏ hoang và thủ đô được chuyển đến Amarna. Việc phát hiện ra thành phố đã mất không chỉ cho chúng ta cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại” – nhóm nghiên cứu tuyên bố - “Nhưng, tại sao thành phố này bị bỏ hoang? Đây vẫn còn là một câu hỏi và chỉ sau những cuộc khai quật sâu hơn của khu vực này mới có thể biết được những gì đã thực sự xảy ra cách đây 3500 năm” - nhóm nghiên cứu tuyên bố.
Theo các nhà khảo cổ học, Amenhotep III kế thừa một đế chế trải dài từ sông Euphrates ở Iraq và Syria hiện đại đến Sudan và qua đời vào khoảng năm 1354 trước Công nguyên.
Ông cai trị gần 4 thập kỷ, một triều đại nổi tiếng với sự xa hoa và sự hùng vĩ của các di tích, bao gồm cả Colossi of Memnon - hai bức tượng đá lớn gần Luxor đại diện cho ông và vợ ông.
Nhóm nghiên cứu cho biết, họ lạc quan và tin rằng những phát hiện quan trọng hơn nữa sẽ được tiết lộ. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng họ đã phát hiện ra các nhóm lăng mộ mà có thể tiếp cận được nhờ “những cầu thang được khắc vào đá” - công trình tương tự như những ngôi mộ được tìm thấy ở Thung lũng các vị Vua.
“Các lớp khảo cổ đã nằm nguyên vẹn hàng nghìn năm và được các cư dân cổ đại để lại như thể nó mới hình thành ngày hôm qua. Hy vọng chúng tôi sẽ khám phá ra những ngôi mộ hoang sơ chứa đầy kho báu” - tuyên bố của nhóm nghiên cứu.
Thung lũng của các vị Vua Ai Cập Luxor nổi tiếng với những địa điểm cổ xưa nhất và lâu đời nhất của Ai Cập, cùng với đó là nơi tọa lạc của Thung lũng các vị vua. Đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch chính của đất nước và là nơi chôn cất nổi tiếng của nhiều Pharaoh đã qua đời. Phần lớn các Pharaoh của các triều đại từ 18 đến 20, những người trị vì từ năm 1550 đến năm 1069 trước Công nguyên, đã an nghỉ trong các lăng mộ to lớn ở nơi này. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất