20/07/2012 10:05 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Lần đầu tiên, một trại sáng tác mỹ thuật quốc tế không diễn ra tại các thành phố trung tâm mà ở giữa bản Mường (Hòa Bình). Trại quy tụ hơn 80 nghệ sĩ (gồm một nửa là nghệ sĩ nước ngoài, đến từ 13 nước của khắp các châu lục) do một nghệ sĩ Việt Nam khởi xướng và thực hiện vào tháng 10/2012. Người “chơi ngông” ấy không ai khác ngoài họa sĩ Hiếu “Mường”, chủ bảo tàng tư nhân Không gian Văn hóa Mường.
Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu đúng vào thời điểm bận rộn nhất cho việc chuẩn bị trại sáng tác quốc tế. Để tiếp đón hơn 80 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, Hiếu Mường phải huy động mọi khả năng có thể. Các tình nguyện viên là những người bạn thân thiết của Hiếu Mường, trong đó có nhiều tình nguyện viên quốc tế, đã đến để cùng chung sức chung tay làm việc.
Tuy chưa có những nguồn tài trợ lớn, trong khi chi phí đã lên đến tiền tỷ, nhưng trước quyết tâm của anh, nhiều người bạn đã gom góp mang đến cho anh từng tuýp màu, miếng toan đến bút vẽ để phục vụ trại. Người có ít góp vật liệu, người khá hơn góp tiền, người thiếu thốn thì góp công góp sức. Tiếng cưa, đục, bào vang vang khắp nơi. Những người thợ dân tộc Mường cùng các nghệ sĩ vừa làm việc vừa cười đùa vui vẻ. Những chiếc giường, phản, ghế tựa và cả ngôi nhà sàn đang dựng dang dở dần thành hình.
1. Theo thông lệ, mỗi năm dự án nghệ thuật Asia Art Link (AAL) sẽ chọn một nước trong khu vực châu Á để tổ chức trại sáng tác quốc tế (họa sĩ Vũ Đức Hiếu là một trong những thành viên của Asia Art Link). Vùng đất mà các nghệ sĩ đã cư trú và sáng tác, sẽ được tặng lại toàn bộ tác phẩm, nhờ thế, người dân trong vùng đất đó sẽ có thêm thu nhập, nhờ các hoạt động triển lãm và du lịch. Lần này, dự án Asia Art Link lần thứ tư (AAL 4th) sẽ diễn ra tại Việt Nam, với cái tên chính thức là: Trại sáng tác nghệ thuật quốc tế Đất Mường 2 & Asia Art Link 4th.Trước khi có ý tưởng về dự án quốc tế quy mô, vào năm 2011, Hiếu Mường đã mở rộng hoạt động của bảo tàng sang lĩnh vực nghệ thuật đương đại, đúng sở trường được đào tạo trước đây của anh. Vốn từng là thủ khoa của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau lại tốt nghiệp loại giỏi ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (nay là ĐH Mỹ thuật Việt Nam), Hiếu Mường đã thành lập Trung tâm Nghệ thuật Mường (Mường Studio) bên cạnh Bảo tàng Mường nhằm tạo một không gian hoạt động nghệ thuật cho nghệ sỹ đương đại, đồng thời tổ chức các workshop và chương trình Nghệ sĩ lưu trú (Artist Residence) cho nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
Chương trình đầu tiên của Mường Studio là tổ chức Trại sáng tác nghệ thuật Đất Mường I, diễn ra vào tháng 9/ 2011 với sự tham gia 31 họa sĩ và nhà điêu khắc trong nước. Các tác phẩm sắp đặt và điêu khắc được thực hiện cùng chung một nội dung, liên quan đến văn hóa Mường và liên kết một cách tự nhiên hài hòa giữa không gian núi rừng. Nhờ thế, người dân Mường nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung, được tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật đương đại từ các điêu khắc gia, họa sĩ khắp mọi miền của Việt Nam. Và quả thực, các tác phẩm nghệ thuật này, không chỉ thể hiện được tài năng sáng tạo của nghệ sĩ, mà còn đượm cái tình sâu lắng với vùng đất Mường.
Trại sáng tác nghệ thuật quốc tế Đất Mường 2 & Asia Art Link lần thứ 4 là sự kiện tiếp nối cho chương trình năm 2011, và sẽ được Bảo tàng Mường đưa thành một hoạt động thường niên.
2. Yêu đất Mường và văn hóa Mường cổ, Vũ Đức Hiếu đã tự mình mua thêm đất, xung quanh mảnh đất vốn có của ông bà cha mẹ để lại, để mở mang diện tích bảo tàng tư nhân về văn hóa Mường của anh lên tới gần 40.000m2.
Với 20.000m2 dùng để trưng bày các di tích văn hóa Mường cổ, Hiếu Mường đã mang về các nhà sàn nguyên bản đủ bốn tầng lớp xã hội của người Mường. Trong đó, bề thế nhất là ngôi nhà Lang trên trăm tuổi. Không chỉ có đời sống vật chất, đời sống tâm linh cũng được chủ nhân chú ý rất kỹ, khi các bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thiên, đền thờ Mẫu… đúng phong tục người Mường, được dựng lên và thờ cúng thực sự.
Đi qua các con đường nhỏ lát đá, giữa màu vàng ruộm của cây sài đất trồng lan khắp nơi, để đến với các ngôi nhà sàn mà chủ nhân bảo tàng đã kỳ công thu thập, cẩn thận tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt. Nhìn những cô gái Mường nấu nướng trên bếp củi giữa nhà sàn, gà vịt, lợn cắp nách chạy quanh gầm sàn… tưởng như không còn thấy đâu là ranh giới giữa bảo tàng hay là một cụm quần cư lâu năm của người Mường...
Không còn nhiều thời gian, chỉ hơn hai tháng nữa, 80 nghệ sĩ cùng nhiều tình nguyện viên sẽ có mặt tại đây để cùng nhau làm nên các tác phẩm tặng cho người dân địa phương. Một không gian nghệ thuật đương đại quốc tế đồ sộ sẽ cứ thế hình thành giữa núi rừng cửa ngõ Tây Bắc.
Các tác phẩm sau trại sáng tác năm nay sẽ được triển lãm tại Bảo tàng không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình), Cà phê Trung Nguyên (Hà Nội) và Trường Đại học Văn hóa (Hà Nội).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất