Trần Nhật Thăng và một “chuyện tử tế”

12/04/2013 08:21 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Nhân vật của Gặp gỡ cuối tuần số này là một hoạ sĩ. Nhưng anh không muốn nói về mình, nên nhà thơ Vi Thuỳ Linh đã viết về “tác phẩm độc đáo” mà anh là người khởi xướng: Lần đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam có một triển lãm dành cho công chúng là những người đã mất. Các tác phẩm vừa được trưng bày tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị) trong 2 ngày 6-7/4, sau đó thì hoá. Chủ dự án độc đáo này là họa sĩ Trần Nhật Thăng, con trai NSND Trần Văn Thủy.

“Chuyện tử tế” của Thăng

Ý tưởng triển lãm này bắt đầu từ 20 năm trước, khi Trần Nhật Thăng đọc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Và cảm thức chiến tranh qua hy sinh của triệu người, qua thân phận con người thời hậu chiến neo trong Thăng còn từ các bộ phim của cha, đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Trần Văn Thủy (Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai…).

Trần Nhật Thăng sinh tại Hà Nội năm 1972, khi bố anh đã có mặt nhiều năm trước ở mặt trận trong vai trò quay phim chiến trường. Bộ phim tài liệu Chuyện tử tế (sản xuất 1985) của Trần Văn Thủy vừa chiếu lại tại Viện Goethe Hà Nội tối 23/3/2013, trong đó có hình ảnh Thăng, một chú bé 13 tuổi cùng các bạn cắt dán khẩu hiệu.



Trần Nhật Thăng ôm bức tranh trừu tượng Sen của anh.

Năm 2007, Thăng theo bố, khi làm Mạn đàm về người mandi hiện đại, phim về nhà báo, nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), người tự nhận mình như tên phim. Sau cảnh quay trên đất Lào, đoàn vào thăm Nghĩa trang Trường Sơn, theo ý nguyện của ông  Nguyễn Lân Bình, cháu nội Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Bình đến khu mộ Hà Nội thắp hương, châm thuốc lá mời đồng đội sinh năm 1952. Bên chú Bình, Thăng thấy chú xót bạn, nhiều người lính sinh 1952, 1 bao thuốc không đủ, đành xin lỗi đồng đội. Lần hai trở lại Nghĩa trang Trường Sơn năm 2010, Thăng lại chứng kiến lời xin lỗi nữa của võ sư Lê Công (HLV trưởng đội tuyển karatedo Việt Nam). Chắp tay hướng về bốn phía nghĩa trang, HLV Lê Công xin lỗi vì không thể thắp hương hết cho đồng đội.

Thăng nung nấu ý định lần thứ ba trở lại nơi này, phải làm được việc gì ý nghĩa thiết thực. Thực tế hiện nay, không ít các giá trị bị đảo lộn, con người ích kỷ, thực dụng, ngờ vực nhau, lòng tham đã làm một số lao vào lốc xoáy mưu sinh, chức quyền, vô ơn và vô cảm. Đã đến lúc không thể muộn hơn, phải làm một cuộc triển lãm dành cho những người con anh dũng của dân tộc đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tác phẩm Chân dung người lính của Lê Trí Dũng.

Lễ cầu siêu và lời nguyện của các họa sĩ

“Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh/Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi/Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi/ Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng/Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần”… - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã viết như thế về những người đang nằm lại ở Nghĩa trang Trường Sơn (bài thơ Khát vọng Trường Sơn, giải Nhì, không có Nhất, cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 1996). Ra đi từ các miền quê, tỉnh, thành phố, nhiều người trong số đó nằm lại mà chưa một lần được biết đến tình yêu. Nghệ thuật với họ nhiều khi chỉ là các buổi xem văn công trên sân khấu dã chiến và sách, báo, thiếu thốn, vài tờ, quyển chuyền tay. Cũng có thể nhiều người chưa bao giờ có cơ hội thưởng thức một bức tranh, chưa nói tới một cuộc triển lãm…

Các họa sĩ tham gia triển lãm đặc biệt này tin vào sức sống của linh hồn. Các liệt sĩ với thanh xuân bất diệt, họ bất tử bên chúng ta, họ vẫn sống và chờ ta chia sẻ. Những cái chết vĩ đại ấy, chẳng phải vì hòa bình vì yêu thương sao? Và đó là cảm giác khiến những người sống thời bình, có lương tri cảm thấy “mắc nợ” hàng triệu người nằm xuống. Trần Nhật Thăng tâm sự: “Chọn Nghĩa trang Trường Sơn, tôi hy vọng cuộc trưng  bày này không chỉ dành cho 1 vạn liệt sĩ tại đây, mà tất cả các chú, bác liệt sĩ trên khắp đất nước mình, cùng bay về Quảng Trị dịp này, thưởng lãm nghệ thuật. Chúng tôi mong đây là sự khởi đầu của một hành trình tâm linh đặc biệt, liên tục, sẽ có nhiều sự kiện tiếp theo tổ chức, vì các liệt sĩ”.

Con trai đạo diễn Chuyện tử tế muốn làm “chuyện tử tế” của mình và đồng nghiệp, tại Nghĩa trang Trường Sơn, nơi không phải là bối cảnh, mà là đích hướng tới các họa sĩ và các nhà điêu khắc, sáng tác cho công chúng đặc biệt. Có lẽ chưa triển lãm nào trên thế giới có lượng người xem đông như thế chỉ trong một ngày như thế: Hàng ngàn người đổ về dự lễ cầu siêu và hàng vạn liệt sĩ. Điều kỳ diệu và xúc động ấy, được biết trước mà vẫn khiến các họa sĩ, những ai biết được sự kiện này, xúc động sâu sắc.

Mười nghìn khát vọng được về bên nhau

Họa sĩ Trần Nhật Thăng đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hôm 15/3, trình bày dự án với cục trưởng. Họa sĩ Vi Kiến Thành ủng hộ và nhanh chóng  gửi công văn tới Sở VH,TT&DL Quảng Trị. Giám đốc sở Nguyễn Hữu Thắng tiếp nhận, bất ngờ và hoan nghênh. Ban tổ chức Lễ cầu siêu và lãnh đạo Nghĩa trang Trường Sơn đồng ý. Thăng cấp tập gọi điện, thông báo mời đồng nghiệp cả nước. Anh tiếp tục nhận tranh cho đến trước lúc lên đường, ngày 5/4.

Gần 100 tác phẩm đã gửi đến trong một thời gian ngắn. “Trong Quảng Trị, các liệt sĩ biết cả, các chú đang gọi đồng đội khắp nơi về Trường Sơn. Tôi sẽ hết sức nỗ lực”, Thăng rưng rưng. “Khi sống, các chú, bác, các anh chưa được xem một triển lãm nào, thì đây, một triển lãm dành cho những người bên kia thế giới, hòa cảm ở thế giới đương đại này, qua tác phẩm của tình yêu, nỗi nhớ, sự biết ơn”.

Chàng lính tăng 40 năm trước - họa sĩ Lê Trí Dũng (1949) gửi tranh đầu tiên, 4 bức: Cánh rừng dioxin, O du kích Gio Linh, Chân dung người línhSen quê nhà. Nhập ngũ tháng 1/1972, ông chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, ở Cửa Việt, bị mảnh bom vào đầu gối phải, di chứng chiến tranh giờ vẫn làm ông nhức nhối. Họa sĩ Lê Trí Dũng nói: “Tôi rất vui lòng nhờ cháu Thăng hóa 4 bức tranh nay gửi đồng đội. Khi chiến đấu và hy sinh, anh em đâu tiếc máu, tiếc tính mạng; thì lúc này tôi tiếc gì tranh”.

Họa sĩ Quách Đông Phương có cha là liệt sĩ Quách Đông Thạch hy sinh tại Củ Chi, gần chục năm trước anh mới đưa được hài cốt cha về Hà Nội. Anh góp 1 tranh bột màu khổ 50 x 80cm, Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Dương Thị Thu Hương rất tâm đắc với ý tưởng của Trần Nhật Thăng, cùng Lê Thị Minh Tâm là 2 nữ họa sĩ tham gia  sự kiện này. Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ mực nho tác phẩm Người đàn bà buồn, Phong cảnh Trùng Khánh ngay sau khi biết tin về triển lãm và anh đích thân đem đến tận nhà Trần Nhật Thăng để gửi tranh.

Hai nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ và Đặng Đức Thành làm tượng giấy vừa xong hôm 1/4. Điêu khắc gia Nguyễn Tuấn làm tượng khổng lồ, sẽ chở vào Quảng Trị bằng xe tải. Điêu khắc gia người Mỹ Dantortter cũng nhiệt tình gửi tác phẩm. Các giảng viên trường mỹ thuật, nhiều kiến trúc sư cũng không đứng ngoài sự kiện này. Họa sĩ Nguyễn Sơn ở TP.HCM làm tranh cắt giấy (giấy bạc, đen), một sáng tác theo anh là “khác hẳn lối vẽ thông thường, vì những người cõi - âm” đặc biệt. Anh còn vận động bạn bè thế hệ 7X, 8X, 9X góp sức bằng tranh phấn màu, acrylic, sắp đặt, gửi tham gia triển lãm. Các họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, Trịnh Tuân đầu tuần này vẫn còn đang vẽ. Nhà thư pháp Bùi Hạnh Cẩn, sinh năm 1919, cũng không chịu thua “bọn trẻ”. Họa sĩ Đinh Quân góp 2 tranh  vẽ Phật, Anh nói: “Tôi đi bộ đội từ 1982 - 1985, đóng quân ở Hà Nội. Anh trai tôi đã chiến đấu ở mặt trận Tây Nam. Dự án này rất đáng trân trọng và nên duy trì. Vẽ Phật, tôi mong muốn cầu cho các linh hồn liệt sĩ được thanh thản”. Chiều 28/3 nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đến tận nhà Thăng chụp tranh và ông gửi 2 ảnh tham gia, cùng các nhà nhiếp ảnh Xuân Bình, Xuân Trường, Na Sơn… Và còn rất nhiều người khác…

Vừa gầy dựng triển lãm, bản thân Trần Nhật Thăng cũng vẽ 3 bức tranh sen bằng chất liệu acrylic trên giấy khổ lớn để mang vào Quảng Trị. Sen là loài hoa có tính Phật giáo như lời cầu cho các liệt sĩ mãi yên nghỉ và trở về trong sự nhớ thương của quê hương thân thuộc, của  người ruột thịt và nhân dân. Riêng về nghi thức hóa tranh sau triển lãm, trước khi đưa ra ý tưởng này (và sau đó gây một số tranh cãi), Trần Nhật Thăng đã hỏi ý kiến thượng tọa Thích Minh Thành (trụ trì chùa Nhạn Tháp, Hưng Yên), GS Nguyễn Huệ Chi, nhà sử học Dương Trung Quốc và được mọi người tán thành, khích lệ. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hóa tranh là cách liên lạc hiệu nghiệm nhất khi muốn gửi tặng các liệt sĩ. Không bưu điện nào chuyển được quà cho người đã khuất ngoài việc hóa để gửi. Thượng tọa Thích Quảng Thiện, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Trị, một trong các nhân vật chủ chốt của lễ cầu siêu lần này, đã xem giờ tốt cho đoàn khởi hành.

Tự bỏ tiền túi, lúc đầu, Trần Nhật Thăng tính đi tàu hỏa, vợ và 2 người bạn thân đi cùng. Sau, anh quyết định thuê ô tô 16 chỗ,  22 giờ tối 5/4 xuất phát tại Hà Nội. Vợ chồng Thăng gửi 2 con gái lớn cho ông bà nội, bé út 15 tháng gửi bà ngoại. Bạn bè cùng đi góp sức có họa sĩ Phạm Trần Quân và em trai Phạm Trần Nguyên (HLV phó đội tuyển karatedo quốc gia, HLV đội tuyển karatedo quân đội), họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu. Họ mang theo tranh, búa, kìm, đinh, dây thép và 2 cây đàn guitare. Vợ Thăng lo mâm lễ đầy đủ như truyền thống xin phép các liệt sĩ. Theo kế hoạch, các tranh được làm bo đen, trắng, buộc lụa trắng, được treo lên các thân cây tại khu chính Nghĩa trang Trường Sơn. Chiều 6/4 tranh treo xong là khai mạc triển lãm luôn. Họ có một đêm đáng nhớ khi đốt lửa và hát tại Nghĩa trang Trường Sơn, những bài ca cách mạng, tác phẩm nổi tiếng thời chống Mỹ…

17h chiều ngày 7/4, tranh đã được hóa tại Nghĩa trang Trường Sơn. Chỉ một số bức được giữ lại tặng Phòng Trưng bày Nghĩa trang Trường Sơn

Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm