02/10/2016 15:21 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trần Tiến của du ca đồng nội ai cũng biết. Trần Tiến lên báo, lên sóng phát thanh, đài truyền hình ai cũng rõ mặt. Nhưng đây là lần đầu Trần Tiến in sách với lối viết “sột soạt” với câu chữ đầy âm thanh.
NXB Hội Nhà văn và Công ty sách First News – Trí Việt vừa ấn hành cuốn sách mang tên Ngẫu hứng của nhạc sĩ Trần Tiến. Trên dặm dài năm tháng du ca của mình, Trần Tiến Ngẫu hứng sông Hồng nơi ông sinh ra, vào Nam thì Ngẫu hứng lý qua cầu. Lần này ông viết văn in sách cũng đầy chất “ngẫu hứng” như thế.Trần Tiến, kể: “Mấy anh bạn ở Công ty First News nhờ Nguyễn Quang Lập dẫn đến gặp mình để hợp tác in sách. Đi theo lại còn có cô biên tập viên xinh xẻo, lủng củng bê theo lẩu bò với vài chai rượu xịn. Thế là mình gục! Việc ký hợp đồng hoàn tất nhanh chóng”.
Đây là cuốn sách đầu tay, nếu không muốn nói là tác phẩm đầu tay hoàn chỉnh của Trần Tiến. Ông xác nhận viết văn là nhờ bạn bè “xúi”, và nhờ cô biên tập viên xinh xẻo kia dùng “mỹ nhân kế” một cách đáng yêu khiến ông mềm lòng.
Bìa cuốn sách "Ngẫu hứng"
Mà cũng kỳ lạ, Trần Tiến nổi tiếng là thế nhưng xưa giờ chưa chủ động in một tập nhạc hay ra một album nào. Các ca khúc của Trần Tiến toàn được người đời “truyền tai” cho nhau.
“Đó là lý do mà từ xưa đến giờ, bạn đọc và kể cả các ca – nhạc sĩ không làm sao tìm thấy các audio và văn bản bài hát Trần Tiến, để có thể biểu diễn và thu thanh. Tội nghiệp anh bạn họ Đàm bị dư luận chê vì hát sai lời bài Chiếc vòng cầu hôn mà vẫn đoạt giải thưởng “một tỷ đồng”. Thực ra lỗi ở mình: Có bao giờ chịu in nhạc đâu, để cho người ta hát cho đúng nhạc, đúng lời”.
Vậy ca khúc Trần Tiến đến với người nghe như thế nào? Trong Ngẫu hứng, nhạc sĩ cho biết: “Đi hát du ca khắp nơi, mình có dịp “xuất bản miệng”, để mọi người biết đến bài hát của mình. May mà có cô cháu gái Trần Thu Hà và bạn thân lục tìm, mang ra Hà Nội hát. Nên nhiều ca khúc được giữ lại, bản thân tác giả còn bất ngờ, bài Chuyện tình thảo nguyên nằm trong số đó. Nhờ Lê Minh Sơn mà mọi người biết đến bài hát Quê nhà do Tùng Dương hát. Nhờ thu trộm với cái cassette cà tàng, mà ca sĩ Đình Văn mang đến cho mọi người bài hát Chị tôi viết mười năm trước đó. Cả một thời mình như nhạc sĩ "ngoài vòng pháp luật”.
Ngẫu hứng chia làm các phần: 27 khúc “ngẫu hứng văn xuôi”, Du ca, Lưu ảnh ký, Đối thoại và các bài bè bạn, người thân Viết về Trần Tiến. Ba phần đầu do Trần Tiến ngẫu hứng chấp bút với các kỷ niệm vui buồn của tuổi bảy mươi nhớ về một thời, về những con người với cảnh với tình với nhiều sự kiện.
Trong 27 khúc “ngẫu hứng văn xuôi”, nhạc sĩ to cao như võ sĩ giác đấu nhớ về chiếc áo bông của mẹ may cho ông thời niên thiếu. Tưởng là chiếc áo bông nhưng bên trong độn toàn giấy báo, vì bông khó kiếm, chống lại cái lạnh Hà Nội những ngày đông giá rét. Nhạc sĩ khi đó có trách nhiệm đi thu bài của bạn học nộp lên cho thầy chấm điểm, khi di chuyển chiếc áo bông kêu “sột soạt”. Tiếng kêu “sột soạt ấy cũng là thứ “âm nhạc” đầu tiên trong đời của chàng trai Trần Việt Tiến, nổi danh khắp nước với bút danh Trần Tiến sau này.
Khán giả bây giờ quá quen với hình ảnh nhạc sĩ Trần Tiến có hai chiếc răng cửa khá to, nói chuyện hay đang hát thường nheo mắt tinh nghịch. Nhưng hình ảnh thời còn cởi truồng của nhạc sĩ ra sao đã được ông đưa vào Ngẫu hứng. Thời gian con người sinh ra, trưởng thành rồi già đi không gì sống động bằng hình ảnh. Nhất là những hình ảnh đó kèm theo một câu chuyện sống động do chính nhạc sĩ thuật lại.
Trong phần Lưu ảnh ký, Trần Tiến viết đầy ngẫu hứng như thơ: “Người già hiếm khi lôi ra những bức ảnh xưa cũ. Vào cái tuổi thất thập, sao bỗng ngại ngần ngó lại ngày xưa. Cố nhân xa rồi, bóng mờ nhân ảnh. Chốn xưa hoài cổ, nhật nguyệt vãng lai. Vậy nhưng, cũng là một thời yêu dấu. Để nhớ, để quên, để thầm thì kể lại cho một ai đó, biết đâu…”.
Bài hát Chị tôi của Trần Tiến nhiều người có thể hát nghêu ngao vài câu. Nhưng “chị tôi” là ai, là nhân vật tưởng tượng hay có thật? Thì đây, ở trang 141 của Ngẫu hứng, Trần Tiến in tấm hình chụp chung với người chị ruột Trần Thị Bạch Yến, với phần “ký” bên dưới: “Chị Yến hơn mình 4 tuổi, chăm sóc em cho đến ngày chị vào đại học mới thôi”. Nhưng bà Yến không phải là nhân vật chính của bài hát Chị tôi, bà Yến chỉ có công rèn môn văn cho Trần Tiến. Còn chị Loan của Trần Tiến, một nhà giáo rời Hà Nội đi dạy học tận Đông Triều, chẳng thiết lấy chồng mới là nhân vật trong Chị tôi.
Tuy nhiên, nhạc sĩ cho biết: “Mình viết lời bài hát nghe tử tế, là nhờ công đầu của chị Yến. Thằng em sau này nổi như cồn, chị không thiếu một album nào của nó, nhưng chưa bao giờ chị mở một lời khen em. Quê mình, con gái họ Trần, mắt Sơn Tây: đen và buồn lắm. Con nhà bị gán tội tư sản, đôi mắt còn buồn và u tối đến đâu? Nón chiều che ngang, mắt chiều hoang vắng. Mắt đen chờ ai, tháng ngày lận đận, mối tình long đong- Quê nhà”.
Bức hình chụp năm 1981 tại Sài Gòn của Trần Tiến, được ông “ký”: “Hắn vừa nhập cư Sài Thành, trạc tuổi băm, còn thích điệu đàng, lập dị. Áo ngâm vỏ cây người thiểu số, tóc tai hippi, ngực vưỡn, vai khuỳnh. Mở miệng là đại ngôn, bị đồng nghiệp Nam ghét, tẩy chay, cả năm trời chẳng ai mời diễn, đói chết mẹ”.
Lúc này, Trần Tiến ở nhờ nhà Trịnh Công Sơn, được chăm sóc tốt quá đâm ngại, bỏ trốn ra ngoài công viên ngủ bụi. Anh Tịnh (em trai Trịnh Công Sơn) tìm được đưa về, nhạc sĩ họ Trịnh buồn lắm nói: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời, thì làm sao biết trả ơn người”.
Sống phải biết “hàm ơn cuộc đời”, Trần Tiến viết về NSND Trần Hiếu đầy xúc động, vì ngay với người ruột thịt không thương nhau thì làm sao thương được người xung quanh: “Khán giả hâm mộ hay lẫn giữa tôi và anh tôi, càng tuổi xế chiều hai anh em càng giống nhau. Thực ra, nếu anh ấy không hứng lên để râu chơi giống em cho vui thì đâu đến nỗi”.
Trần Tiến kể chuyện vui về sự giống nhau này giữa hai anh em ông: “Cách nay đúng 40 năm, tôi đang diễn ở rạp Đống Đa, Hà Nội. Một đêm diễn nhớ đời vì mình mới vào nghề. Diễn xong, có người lên sân khấu mời anh Trần Tiến xuống phân giải giùm cuộc đánh lộn của hai cậu bé bơm xe.
Tôi xuống thì một cậu bé mếu máo hỏi “Anh là Trần Hiếu hay Trần Tiến?” – “Anh là Tiến, thì sao?” – “Thế là em mất một ngày bơm xe rồi?” – “Thôi, anh bù cho, đừng khóc nữa. Bận sau đừng dại cá cược nhé, Trần gì cũng kệ cha nó, em bơm xe, cứ nhớ mặc quần là được rồi”.
Lối viết có khi bay bổng, lúc ngậm ngùi, khi tinh nghịch như các nốt nhạc của Trần Tiến trong Ngẫu hứng, được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bình phẩm: “Thằng Tiến nó viết cứ “sột soạt” ấy”.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất