Trang Thanh Hiền - Đàn bà vượt cạn

25/08/2014 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - 1. Tôi được biết Trang Thanh Hiền từng triển lãm với một nữ họa sĩ vào năm 2004. Từ đó đến nay cô không có nhiều thời gian cho việc vẽ, cho đến gần đây năm 2011, mới quay lại với hội họa, niềm yêu thích riêng của mình. Trang Thanh Hiền là người được đào tạo chuyên về lịch sử nghệ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng có thể nói tình yêu với sáng tác trở nên rất phố biến với rất nhiều người học lịch sử nghệ thuật, khiến họ muốn học cả hai: vẽ và viết, hoặc vẽ nhiều như là một họa sĩ chính cống.

Hầu hết những người được đào tạo lịch sử nghệ thuật và phê bình ở Việt Nam đều bỏ nghề, hoặc làm một nghề gì đó trong ngành nghệ thuật, nhưng hầu như không viết hay nghiên cứu gì cả. Đó cũng là đặc điểm của đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam hiện nay, không có chỗ đứng cho những nhà phê bình và lịch sử nghệ thuật. Không có lương, không có đầu tư nghiên cứu, trừ việc tham gia dạy học.

Trong hoàn cảnh đó, Trang Thanh Hiền cũng đã viết được hai cuốn sách: Hình tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở Việt Nam và Cửu phẩm liên hoa trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam - hai cuốn sách chuyên khảo về nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, kỹ lưỡng thấu đáo với nguồn tư liệu tin cậy. Tất nhiên, cô có nhiều bài phê bình nghệ thuật hiện tại, lĩnh vực mà cô có vẻ quan tâm nhiều hơn.

Trong đời sống cá nhân cô là người phải bươn chải, để sống và để làm nghệ thuật. Xưa có câu: Đàn ông vượt bể có chúng có bạn / Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình. Điều này vô cùng đúng với Trang Thanh Hiền. Cô không chỉ vượt cạn khi sinh đẻ, mà còn phải vượt cạn hàng ngày để nuôi con, khi khó khăn tứ bề. Vẽ tranh là nguồn an ủi của cô, dẫn cô tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống và nghệ thuật.

2. Trang Thanh Hiền chọn giấy thủ công của người Nùng An, một loại giấy dân gian không tốt lắm mà người Tày Nùng hay dùng chép kinh sách, vẽ tranh thờ từ xa xưa, để vẽ. Giấy thủ công có vẻ đẹp riêng của nó, để thể hiện những lối vẽ dân gian phương Đông hoặc của những người phương Đông bất đắc chí.

Mực Nho là chất liệu vẽ thứ hai, và cô không vẽ màu mè gì hơn, ngoài đen trắng. Họa sĩ đã dùng những mô típ hình bóng Phật, hoa lá, các biểu tượng sinh thực khí lặp đi lặp lại với những bố cục khác nhau. Mỗi bức họa là một tâm trạng khắc khoải, chẳng biết mình vui hay buồn, chẳng biết đi đâu trong cái thể giới tâm linh này, trong đó đầy nỗi hoài nghi vô định. Đàn bà dầu có làm nghệ thuật cũng không ngoài nỗi quan tâm về tình yêu, nhân duyên, niềm vui nỗi buồn của họ trước hết là việc này, chứ không phải là những vấn đề chính trị, xã hội hay tiền bạc. Điều đó luôn dẫn họ vào một thế giới khác, mà chỉ  có họ hiểu, nó giúp họ vượt lên cuộc sống nhọc nhằn mà những người đàn ông đặt vào vai họ.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm