05/03/2018 20:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) – Phim Thương nhớ ở ai đã kết thúc nhưng dư âm của bộ phim vẫn còn đọng lại trong suy nghĩ của nhiều khán giả, đặc biệt là cái kết của bộ phim thay đổi so với bản gốc đã làm bùng nổ tranh luận...
Kết khác tiểu thuyết “Bến không chồng”
Tập 34 cũng là tập cuối phim Thương nhớ ở ai vừa phát sóng trên kênh VTV3 chiều 4/3. Diễn biến tập cuối của phim liên quan tới quyết định của nhân vật Hạnh. Chia tay Nghĩa vì hai người không thể có con, Hạnh bỏ lên thành phố để xây dựng cuộc sống mới. Gặp và được ông chủ xưởng thêu giàu có đem lòng yêu thương, giây phút Hạnh chạm tay đến hạnh phúc mới thì phát hiện mình có thai với Vạn.
Hạnh quyết định sinh con và xác định sẽ quay trở về tìm Vạn: “Con tôi phải có cha. Mẹ tôi phải được bế cháu vào những năm tháng tuổi già. Tôi trở về nơi tôi sẽ tìm được sự bình yên mặc dù tôi biết bão tố đang chờ”. Hạnh cho rằng hạnh phúc của cô phải gắn với làng quê nơi cô sinh ra và lớn lên với biết bao vui buồn, đau đớn.
4 năm sau ngày sinh con, Hạnh quyết định mang bé Ban Mai về làng Đông. Sự trở về của Hạnh cùng với con gái giữa cô với Vạn thực sự là điều làm chấn động người dân làng Đông, với Nhân - mẹ của Hạnh, với Nghĩa - chồng cũ, và hơn hết là với Vạn.
Vạn và Nhân đã yêu nhau suốt những năm tháng tuổi trẻ, và ngay cả khi Vạn từ chiến trường trở về, họ vẫn dành tình cảm cho nhau. Giữa Vạn với Hạnh trước đây là thứ tình cảm giống như cha với con... Đó là chưa kể, người dân làng Đông luôn coi Vạn như một người hùng.
Khi Hạnh đưa bé Ban Mai đến nhà Vạn nhận bố, rất nhiều người làng đã đi theo cô. Vạn choáng váng, sợ hãi khi biết sự thật.
Có thể Hạnh đã sẵn sàng đương đầu với bão tố khi cô quyết định trở về làng Đông nhưng những người dân ở đó thì khác. Để đấu tranh cho hạnh phúc của mình, Hạnh dám ngẩng cao đầu thách thức với cả làng nhưng Vạn chưa có được sự can đảm ấy.
Phản ứng của người dân làng Đông, họ ném gạch đá và đập phá nhà Vạn lúc nửa đêm - thêm một lần nữa khiến Vạn không thể chịu đựng. Anh đã lặng lẽ bỏ đi, bỏ lại phía sau lưng là ánh mắt dõi theo, chờ đợi của Hạnh và Hơn.
Trong suy nghĩ của Hạnh: “Vạn lại một lần nữa bỏ chạy. Lần trước ông bỏ chạy vì mất tình yêu với u, còn lần này là khi hạnh phúc đến với ông. Tôi biết không phải ông sợ hãi. Ông đi vì sự bình yên của những người ông yêu quý. Cả cuộc đời ông phải kìm nén, ép xác vì những gì ông mang trên vai. Vì người ta coi ông là biểu tượng của một thời đã qua, để rồi đến khi hạnh phúc thật sự đến với ông thì ông bỏ chạy”.
“Ông nhất định sẽ quay về. Tôi sẽ không phải là người đàn bà hóa đá vì chờ đợi như bà Hơn, như hòn vọng phu trong truyền thuyết. Tôi trở về với làng, làng Đông sẽ cùng tôi và con gái, bé Ban Mai. Ngày mới đang bắt đầu” - Hạnh tràn đầy hy vọng.
Dễ dàng nhận thấy, so với tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, kết thúc phim Thương nhớ ở ai có sự thay đổi, rõ nhất chính là cái kết dành cho nhân vật Vạn. Vạn không tự tử như trong tiểu thuyết mà anh bỏ làng đi, để mọi chuyện chưa là kết thúc, để Hạnh vẫn còn có thể chờ đợi, có thể một ngày Vạn dám sống thật với những điều anh mong muốn...
Nguyên tác kết hay và ám ảnh hơn nhiều?
Nhiều khán giả thích cái kết mở của bộ phim Thương nhớ ở ai bởi tính nhân văn và bớt sự bi thương, ai oán. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng kết phim như vậy có phần hụt hẫng và không hay bằng bản gốc - tiểu thuyết Bến không chồng.
Khi phim kết thúc, diễn viên Trà My đã đăng những dòng trạng thái dài trên trang cá nhân, hé lộ việc cô đã quay một cái kết khác cho Thương nhớ ở ai. Trà My bày tỏ, cô thích cái kết đó hơn: “Thực ra cái kết mà tôi đã quay là cái kết Vạn phải treo cổ tự vẫn. Và phải thú thật, tôi thích cái kết này hơn”.
Hạnh của Thương nhớ ở ai cho rằng: “Có thể nó sẽ là một cái kết dã man nhưng chính vậy sẽ là sự thức tỉnh sâu sắc nhất cùng thông điệp muốn gửi gắm cho chúng ta - những con người đương thời”.
Cũng theo diễn viên Trà My, hình ảnh cuối cùng của bộ phim lẽ ra là Hạnh và bé Ban Mai vấn khăn tang đi trên cánh đồng, có lời tự sự của Hạnh vang lên: “Vạn đã ra đi. Ông tìm đến cái chết có phải vì sự bình yên của những người ông yêu quý. Người làng Đông đến sau này cũng không hiểu được vì sao Vạn tìm đến cái chết.
Tôi biết ông không sợ hãi. Ông đã tìm đến cái chết ngay từ những ngày đầu tiên khi ông phải kìm nén mình, ép xác mình vì những gì ông mang trên vai trong suốt cuộc đời ông. Mỗi một lần hạnh phúc đi qua ông là mỗi lần ông gần hơn cái chết.
Ép xác! Tôi không biết có dùng đúng từ này không? Ông đã ép xác cả một đời để đến khi hạnh phúc thực sự đến với ông, ông không còn cảm nhận được nó. Ông đã trốn chạy hạnh phúc”.
Dưới những lời tâm sự của diễn viên Trà My, khán giả cũng bàn luận về kết thúc của bộ phim Thương nhớ ở ai. Trong đó, có nhiều ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối và cho rằng “kết như nguyên tác hay và ám ảnh hơn nhiều”.
Khán giả Huyền Anh bình luận: “Cái kết như trong nguyên tác ám ảnh hơn. Lúc xem mình cũng hồi hộp không biết kết có đúng nguyên tác không. Đúng thì sợ nhưng kết như phim thì buồn”.
“Kết phim như bản chiếu thấy cứ bị hụt hẫng” - khán giả Phùng Vương bày tỏ. Hay bạn Song An thì cho rằng: “Đúng là theo logic và mạch phát triển của cốt truyện thì Vạn tự tử mới đúng. Kết thúc phim phải là cái không khí ngột ngạt không thể chịu nổi thì thông điệp của phim mới có sức nặng”...
Tiểu Phong. Ảnh: VFC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất