Tranh luận nảy lửa với tiểu thuyết 'dâm thư' đầu tiên của Việt Nam 'Hà Hương phong nguyệt'

16/06/2018 19:25 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Xuất hiện trên báo từ năm 1912, in thành tập từ năm 1914, Hà Phương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu đang giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam, như tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên, tiểu thuyết tính dục đầu tiên…

Sáng 16/6/2018 tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm Hà Hương phong nguyệt - Tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam?!. Đến dự có nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, nhưng do khác nhau về quan điểm tiểu thuyết và lịch sử văn học, nên đã tranh luận rất nhiều về việc đây có phải là tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên hay không?

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm

Gần như suốt thế kỷ 20, trong học giới có mặc định rằng Tố Tâm (in năm 1925) của Hoàng Ngọc Phách là khởi đầu của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Nhưng từ đầu thế kỷ 21, cách nhìn này đã dần được thay thế, bởi văn học Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có nhiều tiểu thuyết xuất hiện sớm hơn về lịch sử, hiện đại hơn về tư tưởng, cốt truyện.

Chú thích ảnh
"Hà Hương phong nguyệt" tái xuất hiện sau hơn 100 năm

Nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn, người có công lớn trong việc phục dựng lại văn bản và vị thế của Hà Hương phong nguyệt, viết: “Với dung lượng đáng kể, với hệ thống nhân vật đa dạng, ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật khá đặc sắc, tác phẩm này của Lê Hoằng Mưu xứng đáng là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ, của Việt Nam, như Bình Nguyên Lộc, Bằng Giang đã khẳng định”.

Với khổ lớn, chữ nhỏ, bản in Hà Hương phong nguyệt (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2018) đã hơn 430 trang. Nếu so với khoảng 30 tiểu thuyết chữ quốc ngữ thời kỳ đầu của Việt Nam (trải dài từ 1890 cho đến 1945), dung lượng của Hà Hương phong nguyệt vẫn thuộc loại đồ sộ nhất. Dù trên thực tế, sau 4 năm in nhiều kỳ trên báo Nông cổ mín đàm (từ 1912 đến 1915), tiểu thuyết này vẫn chưa kết thúc.

Năm 1923, sau các cuộc tranh luận nảy lửa, chủ yếu đánh vào đạo đức và nhân thân nhà văn, tiểu thuyết đã bị chính quyền thực dân Pháp yêu cầu tác giả thiêu hủy toàn bộ. Từ đó đến cuối thập niên 1980 thì gần như rơi vào quên lãng.

Chú thích ảnh
Với dung lượng hơn 430 trang, chưa tính phần giới thiệu, bạt, phụ lục...

Tranh luận sáng 16/6 đương nhiên không nhắc lại những thông tin cũ này, mà đi vào định nghĩa về tiểu thuyết, để từ đó so với các tiểu thuyết khác của Nam bộ, ra đời trước và sau đó chút xíu.

“Tôi nghĩ đầu tiên hay không cũng không quan trọng bằng việc nó có giá trị gì, có tạo được sức ảnh hưởng và tiếp nối hay không. Theo tôi Hà Hương phong nguyệt có nhiều vấn đề và giá trị để nghiên cứu, chúng ta cần dành nhiêu công sức hơn cho chính nó” - nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh khẳng định.

Chú thích ảnh
6 tập "Hà Hương phong nguyệt" đã phát hành từ năm 1914 đến 1916

Tiến sĩ Hà Thanh Vân thì nhận định: “Đây là tiểu thuyết đặc biệt, vì nó hiện đại về câu chuyện, về tư duy, nên hơn 100 năm sau đọc lại vẫn thấy mới mẻ. Cách lấy người đàn bà dâm đãng làm trung tâm, đi vào tâm lý nhân vật, diễn tả được các băn khoăn… quả là mới mẻ. Xét ở khía cạnh nữ quyền, đây là một trong vài tiểu thuyết nữ quyền sớm của Việt Nam và thế giới”.

Đây cũng là điểm đặc biệt nhất, khi mà Hà Hương hoàn toàn khác với mô-típ “công dung ngôn hạnh”, “luân thường lễ giáo” như thường thấy, mà là người phụ nữ trắc nết, sống thực dụng, thỏa mãn sắc dục.

Nhân vật Hà Hương hiện đại và thời sự, vì đây là kiểu người “sống vì mình”, “miễn sao mình thấy hạnh phúc”, “thấy có lợi”, thì trong xã hội kim tiền ngày nay, đâu có thiếu.

Xét trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam - so với Tự lực văn đoàn chẳng hạn, kiểu nhân vật này hoàn toàn tân kỳ, mới mẻ.

Chưa nói việc đi vào tâm lý nữ lưu và ẩn ức tính dục, tiểu thuyết thế giới đầu thế kỷ 20 cũng không có nhiều tác phẩm viết được như vậy.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn (trái) mất hơn 10 năm cho việc phục dựng tiểu thuyết này

Đứng ngoài khía cạnh văn học, Hà Hương phong nguyệtchuyên khảo Nam nữ bình quyền (năm 1928) của Đặng Văn Bảy (1903-1983) xứng đáng là những nền tảng tân kỳ và tinh hoa của nữ quyền Việt Nam. Chính điều này đã góp phần làm cho phụ nữ Việt Nam sớm có được ý thức về các quyền căn bản của mình.

Tháng 10/1946, Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức được ban hành, Điều 9 ghi: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”.

Tranh luận về tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên vẫn chưa thỏa đáng, nên cần “hạ hồi phân giải”, nhưng tọa đạm tạm đi đến thống nhất: đây là tiểu thuyết tính dục đầu tiên của Việt Nam.

Văn Bảy

Tiểu thuyết từ vụ án giết hai đứa trẻ

Tiểu thuyết từ vụ án giết hai đứa trẻ

Leila Slimani (35 tuổi), nhà văn Pháp gốc Morocco, đã đoạt giải Goncourt2016, giải thưởng văn học hàng đầu của Pháp với cuốn tiểu thuyết 'Chanson Douce' (Ca khúc ngọt ngào).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm