Trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014: Vì sao 20 năm mới có 'Giải thưởng Lớn'?

20/04/2015 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Một thông tin đặc biệt tại Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014 (diễn ra tại Hà Nội chiều 18/4): trong lịch sử 10 lần tổ chức kể từ 1994, đây là lần đầu tiên Hội đồng Giám khảo chọn ra được hạng mục "Giải thưởng Lớn" để vinh danh.

1. Hầu hết các giải thưởng kiến trúc lớn trên thế giới đều có hạng mục "Giải thưởng Lớn" nhằm mục đích vinh danh những công trình đặc biệt xuất sắc. Và theo TS-KTS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – Hội KTS VN), ngay từ những lần tổ chức đầu tiên, hạng mục này đã được tính tới trong cơ cấu giải thưởng. Tuy nhiên, ở cả chín lần tổ chức trước đây (2 năm/lần), hạng mục này vẫn phải bỏ trống. Lý do là Hội đồng Giám khảo (HĐGK) chưa tìm được công trình thật sự thuyết phục.

Riêng tại lần tổ chức thứ 10 này, như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã thông tin, Giải thưởng lớn được trao cho công trình Nhà Quốc hội của nhóm KTS quốc tế Meinhard Von Gerkan, KTS Nikolaus Goetze, KTS Dirk Heller và KTS Joern Ortmann. Trước khi nhận được số phiếu thuận 15/15 của HĐGK, nhóm KTS người Đức này đã xây dựng đồ án và giành giải Nhất tại cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội năm 2007, đồng thời tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện để công trình này được triển khai và khánh thành năm 2014.

"Chúng tôi đã có một thời gian rất dài làm việc với đồ án này nhưng vẫn bất ngờ khi nhận Giải thưởng lớn – Giải Kiến trúc Quốc gia. Đó là sự tôn vinh đáng trân trọng từ các bạn đồng nghiệp Việt Nam" - KTS Dirk Heller trao đổi với PV Thể thao & Văn hóa.

Theo lời KTS Dirk Heller, khi thiết kế Nhà Quốc hội, nhóm tác giả đã chú trọng tạo ra hai hình khối tròn và vuông - những hình khối rất giàu tính biểu tượng trong văn hoá Phương Đông - đồng thời tạo thêm nhiều vườn treo trên cao, nhiều hướng tiếp cận ánh sáng bởi "bản tính con người VN là gần gũi và muốn sống cùng thiên nhiên".

"Nói ngắn gọn, đây là một công trình xuất sắc. Cái khó nhất của đồ án là tạo ra sự gắn kết hài hoà giữa Nhà Quốc hội với một quần thể những kiến trúc quan trọng xung quanh như tượng đài Bắc Sơn, Lăng Bác, Hoàng Thành Thăng Long…." – KTS Nguyễn Quốc Thông nhận xét thêm. "Để làm được điều ấy, nhóm tác giả đã khéo léo "chia nhỏ" mặt đứng của công trình đồ sộ này để không lấn át những công trình bên cạnh, đồng thời tạo ra sự thân thiện dễ sử dụng về công năng".

2. Ngoài Giải thưởng Lớn, Hội KTS VN còn trao 21 giải thưởng khác (trong đó có 3 giải vàng) cho các công trình trên nhiều lĩnh vực: Kiến trúc nhà ở, công trình công cộng, thiết kế nội ngoại thất, quy hoạch xây dựng.

Theo nhận xét của Hội đồng giám khảo, điều đáng mừng trong giải thưởng năm nay là sự xuất hiện của khá nhiều đồ án gắn với hạng mục nhà ở xã hội - vốn đang là vấn đề nóng gắn mà cuộc sống hiện đại đặt ra. Tuy nhiên, ngược lại, các giải thưởng về quy hoạch nông thôn lại xuất hiện khá ít và cũng chỉ có một giải thưởng về ý tưởng - cho dù đây cũng là một vấn đề thường xuyên được nhắc tới trong xã hội.

Thêm vào đó, nét mới của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014 còn nằm ở sự xuất hiện của hạng mục giải dành cho các KTS nước ngoài đang làm việc tại VN (4 giải thưởng). Theo KTS Nguyễn Quốc Thông, trên thực tế, các KTS Việt Nam ít có điều kiện được làm việc tại những công trình có quy mô cực lớn và yêu cầu công nghệ cao. Do vậy, việc đặt riêng một hạng mục giải thưởng cho các KTS nước ngoài là phù hợp với đời sống kiến trúc hiện tại.

"Tôi hy vọng, theo thời gian, các KTS Việt Nam sẽ sớm được các nhà đầu tư tín nhiệm hơn để giao cho những công trình lớn và san lấp được chút khoảng cách này" - ông Thông nói.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm