30/12/2020 20:24 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhân dịp chào đón năm mới 2021, nhóm 5 họa sĩ trẻ Huế làm cuộc trưng bày triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, đây là cuộc triển lãm quy tụ 5 họa sĩ trừu tượng khá ổn định của Huế, mang đến công chúng yêu mỹ thuật một hơi thở mới. 5 họa sĩ đương đại đó là: Trần Vĩnh Thịnh, Hoàng Đăng Nghiễm, Hoàng Đăng Khanh, Trần Hữu Nhật, Nam Thành Trung.
1. Đây là một cuộc triển lãm ngẫu hứng lần đầu tiên của 5 tác giả, có cùng quan điểm và đam mê hội họa trừu tượng. Họ cùng khởi hứng và lấy tên Phiêu sắc làm chủ đề cho triển lãm, với nghĩa là phiêu lưu và trải nghiệm trong thế giới của sắc màu.
Với gần 40 tác phẩm trong triển lãm lần này, có thể nói các họa sĩ nhóm “Phiêu sắc” đã thuyết phục được người xem tranh ấn tượng về sự “phiêu” của mình. Không phải là những thông điệp gì đó lớn lao, nhưng lại là những thao thức, những suy tư, trăn trở của tấm lòng người nghệ sĩ, trăn trở với những va đập trong cuộc sống thực tế với thời đại mình đang sống. Quá khứ, hiện tại, hay vị lai đều làm chúng ta nghĩ suy, một chút cõi lòng của các họa sĩ “Phiêu sắc” muốn sẻ chia với công chúng về chiến tranh, môi trường, dịch bệnh hoặc là cơm áo đều rất đáng trăn trở.
Với triển lãm lần này, nhóm đã để lại được dấu rất ấn tốt trong lòng người thưởng lãm, về những tấm lòng, những thổn thức của những người con Huế muốn sẻ chia những rung động, những cảm thấu đến với công chúng xem tranh, cảm tranh. Trong những ngày mùa Đông lạnh giá của miền Trung, được xem và ngắm một triển lãm quá đẹp và ấm cúng với sự xuất hiện mới lạ của 5 nghệ sĩ đến từ Huế, quả thực là rất hạnh phúc và ấn tượng.
2. So với phong trào cả nước, có lẽ hội họa trừu tượng phát triển tại Huế khá sớm. Trước đây, cũng đã có nhiều họa sĩ Huế đã định danh về trừu tượng không những tại Việt Nam mà đã được nhiều người nước ngoài tìm đến sưu tập. Tuy nhiên, cũng có thể do một thời bị thiếu thông tin cũng như khoảng cách địa lý, nên về sau này các họa sĩ trừu ở Huế mới được biết đến, và được sưu tầm nhiều hơn.
Những năm về trước, nhiều triển lãm tại Huế có khá nhiều tranh trừu tượng được treo, nhưng nếu nói trừu tượng hẳn cả một triển lãm thì hình như chưa thấy.
Ngày nay, có lẽ do đời sống đã được cải thiện và thay đổi nhiều, nguồn thông tin cũng như nhận thức có khác đi theo trào lưu xã hội đương thời, nên thế hệ sau có khác với thế hệ trước, khác về nhận thức và thời đại của mình đang sống, từ các diễn biến của xã hội, cho nên họa sĩ đã sáng tác từ tâm thế nhận thức của mình với đời sống xã hội đó. Việc lập ra những hội nhóm của những con người có đồng quan điểm với nhau, để cùng tương tác là cũng dễ hiểu, và 5 họa sĩ nhóm “Phiêu sắc” cũng ra đời như thế.
Như lời họa sĩ Trần Hữu Nhật, một thành viên của nhóm nói: “Trừu tượng của nhóm có cái riêng của nó, cụ thể ngay trong chính những tác phẩm của mỗi nghệ sĩ. Vì bản thân họa sĩ đã là một sản phẩm của tạo hóa, là một sản phẩm của văn hóa, địa điểm và thời kỳ của họ, cho nên lịch sử vùng miền (nghệ sĩ sinh ra miền Trung) cũng như lịch sử bản thân của nghệ sĩ đã quyết định đến tác phẩm.
Tranh trừu tượng là để cảm chứ không nhằm để hiểu (lý tính). Phần lớn tôi nhận thấy ở Phiêu sắc, các nghệ sĩ vẽ trừu tượng như muốn thuyết phục chính bản thân mình rằng điều mình theo đuổi có thực sự thỏa mãn được đam mê hay chưa?”.
Tuy có thiệt thòi hơn về thông tin và cơ hội so với thị trường của 2 đầu đất nước, nhưng những năm gần đây các họa sĩ Huế, nhất là họa sĩ trẻ đã tạo nên một khuôn dạng mới với, và hội họa trừu tượng của Huế cũng được phát triển chung trong dòng thị trường đó. Việc lập nên một nhóm để cùng trao đổi và triển lãm cũng là một sân chơi thú vị cho những ai có cùng đam mê.
Triển lãm Phiêu sắc kéo dài đến ngày 4/1/2021, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng (78 Lê Duẩn, Quận Hải Châu). |
THUẬN AN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất