Tự phát như... nghề giám tuyển mỹ thuật ở Việt Nam

29/10/2020 08:08 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam diễn ra sáng 28/10 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, thu hút gần 15 tham luận và nhiều ý kiến tại chỗ. Nhìn chung, hội thảo cho thấy nghề giám tuyển (curator) tại Việt Nam trong mấy chục năm qua là tự phát, tự học tự làm. Và trong tương lai gần, điều này cũng khó thay đổi.

Giám tuyển Anh kêu gọi 'siêu' dự án nghệ thuật trong đại dịch

Giám tuyển Anh kêu gọi 'siêu' dự án nghệ thuật trong đại dịch

Thế giới đang phải “gồng mình” trước đại dịch Covid-19. Và thế là tại Anh, curator (giám tuyển) Hans-Ulrich Obrist, Giám đốc nghệ thuật của Phòng trưng bày Serpentine (London) đã kêu gọi một dự án mang đầy “tham vọng”…

Về căn bản, giám tuyển (curator) là người trực tiếp phụ trách việc sưu tập, giám định, phục chế, bảo quản, trưng bày, tổ chức triển lãm cho các bảo tàng hoặc nhà trưng bày nghệ thuật. Họ cũng là người kết nối tác giả, tác phẩm, điều tra, nghiên cứu, diễn giải về các vấn đề mỹ thuật, thị trường cho các cấp độ quản lý, nhà đầu tư, nhà sưu tập. Ngoài ra, họ còn là cầu nối làm việc với các đồng nghiệp trong các lĩnh vực như bảo tồn, giáo dục, thiết kế, tài chính, tiếp thị, bảo hiểm.

Người điền vào chỗ trống quan trọng

Như thế, giám tuyển nôm na là những chuyên gia giải các bài toán cụ thể về chuyên môn hẹp, nên mỗi giám tuyển thường sở hữu vài chuyên môn sâu, điều mà các bảo tàng khó tuyển cho đủ số lượng người, nên buộc phải mời cộng tác viên vụ việc từ bên ngoài.

Trên thế giới, phổ biến nhất là các giám tuyển khách mời (guest curators) và các giám tuyển tự do (freelance curators). Nói cách khác, nghề giám tuyển ít phù hợp với biên chế cố định, vì đặc thù công việc, trả lương thường xuyên cao thì không đủ việc cho họ làm, mà trả lương thấp thì họ không làm. Giám tuyển thường là “người điền vào chỗ trống quan trọng”, giúp các hệ thống, tổ chức nghệ thuật trở nên chuyên nghiệp, trơn tru, linh hoạt trong các sự kiện, các vấn đề nói chung.

Chú thích ảnh
Buổi Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam

Các bảo tàng lớn, hoặc nhà trưng bày nghệ thuật thì có các giám tuyển hoặc ban giám tuyển cơ hữu, nhưng nhiệm vụ chính của họ không phải là trực tiếp làm giám tuyển, mà đứng ra mời gọi, kết nối các giám tuyển khác. Giống như Singapore, khi làm triển lãm đương đại Đông Nam Á, phần liên quan đến Việt Nam, họ đã mời Trần Lương, Nguyễn Như Huy phụ trách thời vụ. Tất nhiên để mời được các giám tuyển địa phương hoặc có chuyên môn hẹp, người mời phải ở trong giới giám tuyển thì mới biết người biết việc. Các giám đốc hoặc nhà quản lý chung của bảo tàng, của sự kiện thì khó biết chính xác, nên khó mời đúng người.

Các nhà đấu giá lớn thì giám tuyển khách mời của họ càng đa dạng hơn, từ phụ trách hội họa châu Âu, hội họa Việt Nam đến các tên tuổi cụ thể như Lê Phổ, Affandi… Giám tuyển phụ trách Lê Phổ chưa chắc được mời làm giám tuyển các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí chẳng hạn. Chính điều này dẫn đến hai thách thức, đồng thời là cơ hội. Thứ nhất, các tổ chức thuê mướn giám tuyển phải có người am hiểu đội ngũ giám tuyển để mà thuê cho chính xác. Thứ hai, các nhà giám tuyển thì phải nâng cao tay nghề, sắc sảo trong các chuyên môn hẹp, để có được việc làm và thanh thế trong nghề nghiệp. Các tổ chức kiểu bao cấp, biên chế cố định thì khó có được cơ chế linh hoạt để thuê mướn giám tuyển dễ dàng, nên đa số giám tuyển hoạt động độc lập.

Tóm lại, nghề giám tuyển có thể chia ra các khía cạnh sau: 1) Mua, lưu trữ và triển lãm các bộ sưu tập; 2) Chọn chủ đề và thiết kế các cuộc triển lãm; 3) Phát triển hoặc tổ chức tài liệu triển lãm; 4) Thiết kế, tổ chức hoặc thực hiện các chuyến tham quan và hội thảo cho công chúng; 5) Tham dự các cuộc họp, hội thảo và các sự kiện dân sự để thúc đẩy nghệ thuật; 6) Tham gia phục chế, vệ sinh, giám định, định giá; 7) Giám sát, quản lý các nhân viên, kỹ thuật viên và sinh viên tình nguyện tại các sự kiện nghệ thuật; 8) Lập kế hoạch và tiến hành các dự án nghiên cứu đặc biệt; 9) Các vấn đề pháp luật, pháp chế, hợp đồng, dự án, tài trợ.

Nhìn từ Việt Nam

Nếu lấy cột mốc năm 1995, khi các sự kiện nghệ thuật quốc tế bắt đầu trở lại Việt Nam - và cũng là lúc Việt Nam kết nối với quốc tế thường xuyên hơn - có thể nói nghề giám tuyển đã có 25 năm hiện diện. Những công việc của bà Huỳnh Nga (Không gian xanh), Nguyễn Quân, Nguyễn Mạnh Đức (Nhà sàn collective), Vũ Dân Tân - Natalia Kracvskaia (Salon Natasha), Trần Lương, Trương Tân… cho thấy họ là những giám tuyển thời kỳ đầu của Việt Nam.

Ngày nay, số người làm công việc của một giám tuyển tại Việt Nam có thể đã nhiều hơn 100, vài người vươn tầm ra quốc tế như Trần Lương, Nguyễn Như Huy… Nhiều tên tuổi quốc tế đến hoặc về Việt Nam như Dinh Q.Lê, Zoe Butt. Nhưng nhìn từ tổng thể nền mỹ thuật thì giám tuyển vẫn là hoạt động tự phát, tự học tự làm.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam

Tại hội thảo, TS Mã Thanh Cao nói rằng có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, mở các lớp đào tạo giám tuyển, cử người đi nước ngoài học, để trong tương lai không xa chúng ta có được đội ngũ làm việc bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Việc thứ hai là các bảo tàng và các tổ chức nghệ thuật nói chung phải thiết lập được cơ chế mới về quản lý và tài chính thì mới mong thuê được các giám tuyển lành nghề, giỏi việc.

“Hồi tôi còn làm Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, dù rất muốn thuê các giám tuyển độc lập để làm các sự kiện chuyên sâu, nhưng do cơ chế ràng buộc, thành ra không làm được. Các nhân viên bảo tàng đều có chuyên môn riêng, nhưng với các sự kiện, các vấn đề nằm ngoài chuyên môn của họ, thuê giám tuyển là cần thiết, nhưng không thuê được, vì cơ chế” - TS Mã Thanh Cao cho biết.

TS Phạm Hữu Công (ĐH Công nghệ Sài Gòn) nói rằng trong các kỹ năng chính của giám tuyển, thì việc nhận định và giám định là quan trọng nhất. Nếu không nhận định được vấn đề, không giám định được chất lượng, công việc về sau sẽ khó có kết quả như ý. “Mấy chục năm qua chúng ta đã có nghề giám tuyển, việc tại sao không tiến tới xây dựng các mô hình đào tạo. Trong các ưu tiên đào tạo, tôi nghĩ giám định là ưu tiên hàng đầu” - ông nói.

Còn theo điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM), giả dụ chúng ta có được tất cả các giải pháp để khắc phục thực trạng nghề giám tuyển, thì nghề này còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường làm việc chung, ý thức của giới mỹ thuật. “Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc tạo điều kiện và đánh giá đúng mức về nghề giám tuyển từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đến một ngày không xa, giả dụ chúng ta có nhiều giám tuyển lành nghề ở xung quanh, nhưng cần sớm có giải pháp về cơ chế để thuê được họ làm việc” - ông khẳng định.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm