08/08/2019 07:06 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhà văn Mỹ Toni Morrison, người khổng lồ của nền văn học hiện đại, chủ nhân của giải Nobel Văn chương năm 1993, tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Beloved, Sula cùng nhiều tác phẩm khác, đã qua đời đêm 6/8 (theo giờ địa phương), ở tuổi 88.
Nhà xuất bản Alfred A. Knopf thông báo, Morrison trút hơi thở cuối cùng tại Trung tâm Y tế Montefiore ở New York sau một thời gian ngắn lâm bệnh. “Toni Morrison qua đời một cách thanh thản bên gia đình và bạn bè, gia đình. Bà vốn là một người mẹ, người bà vô cùng tận tụy” - thông báo viết.
“Văn học chưa bao giờ chỉ để giải trí”
Có rất ít cây bút nổi lên trong văn đàn thế giới nhanh như Morrison. Bà tung ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên, The Bluest Eye, hồi năm 1970 khi đã gần 40 tuổi. Lúc đó, Morrison là biên tập viên của một nhà xuất bản nổi tiếng, phải chăm sóc 2 cậu con trai nhỏ sau khi đã ly hôn.
Trong những năm đầu thập niên 1990, chỉ sau 6 cuốn tiểu thuyết, Morrison đã trở thành nhà văn nữ da màu đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Khi đó, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, Sture Allen, nhấn mạnh rằng bà “đã trả lại cho người Mỹ gốc Phi lịch sử của họ” trong những miêu tả của mình về thế giới của người da màu. Ấn tượng lâu dài nhất mà tiểu thuyết của bà để lại “là sự đồng cảm, lòng trắc ẩn với đồng loại”.
Morrison được coi là nhà văn đã góp phần nâng cao nhận thức của công chúng nước Mỹ - cũng như trên thế giới - về cuộc sống riêng tư của những người vô danh. Và, qua những trang viết, bà tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn với các nhân vật thường phải chịu đựng của mình. Trong cách viết của Morrison, người ta thấy sự xuất hiện của văn hóa dân gian ở những người nô lệ gốc Phi, Kinh Thánh, và cả chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez.
“Đối với tôi, văn học chưa bao giờ chỉ đơn thuần là giải trí” - Morrison nói trong bài phát biểu khi nhận giải Nobel Văn học. “Đó là một trong những cách để chúng ta tiếp thu kiến thức”.
Morrison đoạt giải Pulitzer năm 1988 với Beloved (Yêu dấu - 1987), cuốn sách nổi tiếng nhất của bà và cũng là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho nền văn học Mỹ. Tác phẩm này được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật hết sức đau lòng mà ban đầu Morrison nghĩ là “không thể tiếp cận được với nghệ thuật”.
Sách lấy bối cảnh là vùng Ohio thôn dã trong thế kỷ 19, với câu chuyện về một nô lệ bỏ trốn tên là Margaret Garner – người đã giết con gái bé bỏng để đánh đổi lấy mạng sống cho mình. Bằng lối trần thuật truyền thống, cuốn sách tạo ra những xúc động lớn khi đề cập tới số phận của người nô lệ trên đất Mỹ.
Những người ngưỡng mộ cuốn sách này thuộc nhiều tầng lớp, từ các sinh viên đại học tới người nội trợ và cả cựu Tổng thống Barack Obama, người đã trao cho bà Huân chương Tự do. Ngoài ra, phải kể tới cựu Tổng thống Bill Clinton hay Oprah Winfrey.
Morrison luôn tự hào coi cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm “hoàn hảo”. Bà bác bỏ quan điểm cho rằng, con người ta khi đã đạt được thành tựu nghệ thuật thì cũng cần phải có sự khiêm tốn.
Bởi thế, Morrison bày tỏ niềm tự hào sau khi đoạt giải Nobel Văn học: “Tôi nhận thấy việc mình đoạt giải Nobel thật tuyệt vời. Bây giờ, tôi cảm nhận được mình là một người Mỹ, là một người Ohio. Tôi cảm thấy da mình đang có màu đen hơn bao giờ hết. Và thấy mình là một phụ nữ hơn bao giờ hết.”
Luôn tự hào về màu da
Morrison sinh năm 1931 ở Chloe Anthony Wofford ở Lorain, bang Ohio, một thị trấn thuộc ngoại ô Cleveland. Bà là con thứ hai trong gia đình có 4 con thuộc tầng lớp lao động da màu và lớn lên trong một khu dân tộc hỗn hợp gồm người Mỹ gốc Phi, Ba Lan, Italy và Do Thái. Khi còn nhỏ, Morrison thích đọc tiểu thuyết kinh điển của Tolstoy và Jane Austen, nghe những câu chuyện dân gian của người Mỹ gốc Phi mà cha bà, George Wofford, đã kể cho nghe.
Morrison từng học Đại học Howard. Thời sinh viên bà dành phần lớn thời gian rảnh của mình trong rạp chiếu. Morrison gặp và kết hôn với kiến trúc sư người Jamaica, Harold Morrison. Nhưng năm 1964, vợ chồng bà ly dị sau khi sinh 2 cậu con trai Harold và Slade.
Khi lớn lên, Morrison tin mình thông minh hơn những đứa trẻ da trắng. Morrison theo học trường Howard vì bà mơ ước được sống giữa những trí thức da màu. Năm 1964, Morrison trở thành biên tập viên tại Nhà xuất bản Random House và là một trong số ít phụ nữ da màu hoạt động trong ngành xuất bản.
Cuối những năm 1960, Morrison là một người mẹ đơn thân nhưng là cây bút đầy tham vọng. Bà viết một câu chuyện dựa trên ký ức thời thơ ấu của một cô gái da đen ở Lorain, người muốn có đôi mắt xanh, và đặt tên cho cuốn tiểu thuyết này là The Bluest Eye. Thời điểm ấy, bà không có người đại diện và từng bị một số nhà xuất bản từ chối trước khi đạt được thỏa thuận với Nhà xuất bản Holt. Cuốn tiểu thuyết được phát hành hồi năm 1969, lượng sách bán ra ở mức khiêm tốn nhưng được giới phê bình ca ngợi. Và, Morrison đã sớm ký hợp đồng với với Gottlieb & Knopf, sau này trở thành nhà xuất bản lâu năm của bà.
Trong những cuốn tiểu thuyết gần đây nhất, Morrison còn nhắc tới các khía cạnh khác nhau của nạn phân biệt chủng tộc. Điển hình, God Help The Child (2015) là câu chuyện của một phụ nữ trẻ thành đạt ở Mỹ đương đại vẫn phải chịu đựng vì sự thiếu thốn tình cảm của mẹ.
Như những gì được đánh giá, Morrison đã viết về sự khủng khiếp của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc với lòng trắc ẩn, sự giận dữ và những câu hỏi về hai khái niệm thiện và ác. Thu hút hàng triệu độc giả, tiểu thuyết của bà được nghiên cứu và thảo luận trong các trường học và đại học trên khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Thế giới vừa vĩnh biệt một cây bút như vậy!
Sinh thời, Morrison đã nhiều lần được đề nghị viết một cuốn sách về người da trắng song đây là điều luôn khiến bà khó chịu. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất