09/12/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - “Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại....”. Đó là những câu trong bài Lời ru của nhạc sĩ Phú Quang được đăng trên Fanpage nhạc sĩ Phú Quang sáng qua (8/12) để báo tin buồn với những người yêu nhạc về sự ra đi mãi mãi của ông ở tuổi 72 sau 2 năm trị bệnh.
1. Tôi đã có dịp được trò chuyện với nhạc sĩ Phú Quang vài lần. Lần nào, ấn tượng của tôi về Phú Quang cũng như nhau: Ông là một người rất đặc biệt. Đặc biệt khó tính, đặc biệt thẳng thắn và đặc biệt là luôn đòi hỏi cao trong làm nghệ thuật.
Nhưng nếu ai đó hỏi “Ông và âm nhạc của ông có gì đặc biệt và mới lạ không?”, Phú Quang sẽ cười lớn và đáp ngay rằng: Đặc biệt là không có gì đặc biệt cả. Rồi ông nhận rằng bất kể làm việc gì, nhất là làm âm nhạc, ông chỉ làm theo thói quen. Thói quen ấy cũng chính là một điều đặc biệt. Chẳng hạn, nếu tổ chức show, ông chỉ chọn những ca sĩ hát ra được chất nhạc của ông, không quan trọng giọng ca đó có “số má” trong làng nhạc hay không!
Ông cũng không chạy theo thị trường bằng cách cố gắng làm mới các tác phẩm của mình thông qua hòa âm, phối khí mà nhiều nhạc sĩ khác vẫn đang làm. Cái mới trong nhạc mục của ông mỗi khi tổ chức show chính là toàn những bài hát… cũ.
Theo ông, cái cũ, cái mới không quan trọng. Cái quan trọng với ông khi sáng tác hay thể hiện một tác phẩm âm nhạc chỉ hay hoặc không hay. Ông bảo, hòa âm phối khí theo một phong cách mới nào đó không phải là cách làm nhạc của ông. Tôi vẫn còn nhớ câu ông nói: “Cũ mà chất, mà hay còn hơn mới, nhưng không hay, nó chẳng mang lại điều gì cả!”
Có một điều đặc biệt khác mỗi khi trò chuyện về âm nhạc với Phú Quang là ông luôn nhận mình là “bố của mẹ ghẻ”. Nhiều người “phê bình” ông là người khó tính, thậm chí bảo thủ và ví ông như là “mẹ ghẻ”. Lúc ấy, ông chỉ cười xòa, rồi “bồi lại” đầy chất… Phú Quang rằng: “Gọi tôi là mẹ ghẻ là chưa chuẩn. Tôi thực ra còn là bố của mẹ ghẻ ấy chứ”.
Và, cái gọi là tiêu chí trong nghệ thuật của “bố của mẹ ghẻ” ấy cho một người nghệ sĩ, như đã nói ở trên, không cần phải quá cầu kỳ về hình thức, tiếng tăm mà đơn giản chỉ cần thể hiện được cái “chất âm nhạc” của ông một cách chân thành, dung dị là được.
Thế nên, thói quen của Phú Quang mỗi khi chương trình diễn ra là luôn “túc trực” bên cánh gà, “soi” từng nghệ sĩ đang hát bài của mình ngoài sân khấu. Chỉ cần nhìn vẻ mặt của ông lúc ấy cũng có thể đoán được ông có hài lòng với phần thể hiện của ca sĩ hay không. Nếu ông mỉm cười, khuôn mặt rạng rỡ, có nghĩa là ca sĩ đã làm tốt. Còn nếu ngoái nhìn về phía ông mà thấy ông nhăn nhó thì ca sĩ tự biết mình vấp lỗi gì đó. Ông bảo: “Chỉ có người hát không thật lòng thì mới khiến tôi nhăn nhó. Vì thế, muốn làm tôi hài lòng thì ca sĩ phải hát thật lòng!”
2. Nhiều người góp ý với Phú Quang rằng, thật lòng, những ca khúc cũ của ông rất dễ khiến cho người thưởng thức cảm thấy đơn điệu. Nhưng ông vẫn bảo vệ quan điểm của mình rằng âm nhạc đích thực thì không đơn điệu. Ông chứng minh quan điểm của mình bằng việc nói về âm nhạc cổ điển, rằng những bản nhạc được viết ra cách đây hàng thế kỷ, vẫn có nhiều người nghe đi nghe lại mà không thấy chán. Ngược lại, những bản nhạc cổ điển bây giờ mà thêm thắt “râu ria” cho nó có khi lại thành phá hoại, không thể “nuốt” được.
“Thế nên, đã là sáng tác thì không thể hôm nay hát nốt này, mai lại hát nốt khác. Nhạc của tôi không ai có thể phối thêm được, vì bản thân bản phối của tôi là từ bản gốc sáng tác rồi” - ông nói.
Lần cuối cùng tôi gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Phú Quang là cuối tháng 10/2019 để hỏi chuyện ông về liveshow Trong ánh chớp số phận diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần đó, ông khoe với tôi mặc dù đã ở tuổi 70, “lẩm cẩm đến nơi rồi” nhưng vẫn có nhiều người “đặt hàng” ông sáng tác với giá rất cao. Ông đều từ chối vì ông không muốn ép mình sáng tác theo “đề bài” người khác đưa ra: “Chỉ khi tôi thật sự xúc động về sự việc, hiện tượng, con người, sự kiện nào đó thì tôi mới sáng tác được. Tôi là thế, sáng tác hay nói gì cũng… thật!”
Nói xong, ông lấy hơi hát mộc cho tôi nghe bài hát chủ đề liveshow năm ấy của ông - bài hát Trong ánh chớp số phận:
Trong ánh chớp bất ngờ của số phận
Em đã kịp nhìn thấy anh
Trong vòng quay điên cuồng của số phận
Em đã dừng lại đúng nơi anh
Và từ đó em lặng lẽ nói cười, lặng lẽ nát tan
Và từ đó em thành sương thành lửa
Tình nào không một nửa là mơ!
Xe cấp cứu đang rú còi đó phải chăng?
Hàng giậu ấy, hoa quỳ vàng đã nở
Hay nỗi buồn xưa một thuở vẫn chưa tan?
Em lặng lẽ cầu xin, lặng lẽ chờ mong
Lặng lẽ vỡ òa, lặng lẽ khô cạn
Lặng lẽ hồi sinh chứa chan trong tiếng gọi thầm tên anh!
Lặng lẽ hồi sinh chứa chan trong tiếng gọi thầm tên anh!
Lặng lẽ hồi sinh chứa chan trong tiếng gọi thầm tên anh!
Chắc chắn còn lâu nữa, những người yêu nhạc sẽ còn gọi tên ông: Nhạc sĩ Phú Quang - nhạc sĩ của Hà Nội - người đã giành Giải thưởng Lớn của giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020.
Giải thưởng Lớn Vì tình yêu Hà Nội Phú Quang tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang, người Hà Nội nhưng sinh tại Cẩm Khê, Phú Thọ năm 1949. Năm 1967, ông tốt nghiệp hệ Trung cấp Kèn Cor tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), làm nhạc công tại Nhà hát Giao hưởng- Hợp xướng- Nhạc vũ kịch Việt Nam đến năm 1978. Từ 1978- 1982 trở lại Nhạc viện Hà Nội học chuyên ngành Chỉ huy Giao hưởng, tốt nghiệp thì đầu quân cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Trong cuộc đời mình, nhạc sĩ có hơn 600 tác phẩm gồm cả ca khúc, tác phẩm giao hưởng, nhạc không lời, nhạc phim, nhạc múa, nhạc kịch… được phổ biến. Ông được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 năm 2020 (thuộc hệ thống giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và văn hóa tổ chức) khi đang nằm viện. Ông trở thành người trẻ nhất trong số những người được Giải thưởng Lớn tính đến thời điểm này. Hồi tháng 6/2021, nhạc sĩ Phú Quang cũng được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với chùm ca khúc về Hà Nội Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Điều giản dị, khí nhạc: Solo Fute et orchestre (Tình yêu của biển). |
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất