12/11/2019 08:51 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, Hoài Đức-Hà Nội) đang “trên đường” được các nhà khảo cổ, lịch sử, văn hóa kiến nghị cấp thiết với cấp có thẩm quyền để xem xét phương án bảo vệ, bảo tồn tiến tới xếp hạng là di sản văn hóa quốc gia... thì đã bị những kẻ vô tâm đào phá, san ủi một cách không thương tiếc.
Những ai phải chịu trách nhiệm này và liệu có bị đưa ra xử lý nghiêm trước Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định có liên quan nhằm đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật hay không, đang là vấn đề được giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ bức xúc nêu ra.
Kìm lòng nhặt từng mảnh gốm vỡ nát
Họ còn nhấn mạnh, một khu di chỉ khảo cổ nằm ngay giữa Thủ đô mà ở đó chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý hiếm có niên đại lên tới hơn 3000 năm tuổi, và đang từng bước chuyển tới thế hệ hôm nay biết bao thông điệp về di sản hàng ngàn năm của cha ông, để cho xâm hại trắng trợn như thế là không thể nào chấp nhận được.
Chỉ mấy ngày sau khi đoàn khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối công bố và tổ chức hội thảo “đầu bờ” về những kết quả khai quật mới nhất tại đây, di sản văn hóa này đã bị đe dọa nghiêm trọng. Có mặt tại hiện trường trong những ngày qua, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Trưởng đoàn khai quật di chỉ Vườn Chuối đã không thể kìm lòng mình khi nhìn thấy cảnh tượng một phần lớn diện tích gò Mỏ Phượng, gò Rền Rắn đã bị đào ủi, san phẳng. Lần theo dấu vết xe ủi, PG.TS Liêm nhặt lên từng mảnh gốm rồi xót xa: “Đơn vị thi công đã coi thường Luật Di sản văn hóa, coi thường di sản của tiền nhân và coi thường ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về quản lý, bảo vệ di sản”. Những mảnh gốm mà ông nhặt lên còn lấm lem bùn đất chính là những hiện vật quan trọng, nó có tiếng nói đầy thuyết phục về một giai đoạn lịch sử mà tổ tiên chúng ta đã gây dựng nên.
Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, ngày 22.10 vừa qua đoàn khai quật tại di chỉ Vườn Chuối đã có cuộc hội thảo “đầu bờ” để công bố những kết quả khai quật khảo cổ học sơ bộ, qua đó để các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhận định, đánh giá và đưa ra đề xuất phương án bảo vệ. Tại đây, các nhà khoa học cùng với cơ quan quản lý đã đề nghị Sở VHTT, Ban Quản lý di tích danh thắng báo cáo UBND TP Hà Nội phương án đưa địa điểm này vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố, sau đó lập hồ sơ di tích trình Bộ VHTTDL, UBND TP xem xét xếp hạng di tích; Đề xuất phương án bảo tồn nguyên trạng địa điểm khảo cổ học Vườn Chuối; Lưu ý các đơn vị đầu tư xây dựng đường 3.5 và khu đô thị Thăng Long 9 phối hợp với cơ quan văn hóa, UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Kim Chung theo dõi và dừng thi công khi phát hiện di tích để xử lý theo Luật Di sản văn hóa. Thế nhưng trong ngày 4 - 5.11 vừa qua, đơn vị thi công đã cho máy ủi cào bằng 90% diện tích gò Mỏ Phượng, 50% gò Rền Rắn, khu Vườn Chuối bị đào trộm nhiều hố.
Trước sự việc di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối bị xâm phạm nghiêm trọng, ngày 6.11, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã cùng với Viện Khảo cổ học tiếp tục kiểm tra hiện trạng khảo cổ; đánh giá mức độ di sản bị xâm hại. “Theo Giấy phép khai quật do Bộ VHTTDL cấp, Viện Khảo cổ học được tiến hành khai quật từ ngày 23.4 đến hết tháng 11.2019. Sau khi kết thúc khai quật bước đầu, chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, đơn vị thi công, trong đó đã nói rõ: Hiện nay khu vực gò Mỏ Phượng, gò Rền Rắn và Vườn Chuối chưa được đoàn khai quật bàn giao mặt bằng cho các đơn vị liên quan. Vì thế chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ. Trong quá trình thi công ở những địa điểm khác có liên quan đến di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, nhất thiết phải có cán bộ khảo cổ học cùng giám sát. Khi phát hiện có di vật, hiện vật phải dừng lại và báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền về di sản văn hóa”, TS Liêm cho biết.
Càng có ý kiến, di sản càng bị xâm hại
Tuy nhiên, những động thái quan trọng trên đã không hề được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan quan tâm, thực hiện theo đúng chức trách của mình. Cũng vì thế di chỉ Vườn Chuối nói chung và những địa điểm đã đào thám sát, khai quật nói riêng đã bị máy xúc, máy đào làm vỡ vụn nhiều di vật, hiện vật lịch sử. Chưa hết, trong ngày 4.11, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động đã có văn bản gửi Công ty cổ phần thương mại xây dựng VN và UBND huyện Hoài Đức về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Văn bản cho biết, các đơn vị chủ đầu tư xây dựng đường 3.5 và khu đô thị Thăng Long 9 tổ chức theo dõi, phát hiện di tích, di vật trong quá trình thi công tại khu vực liên quan đến di chỉ Vườn Chuối cũng như các khu vực khác. Trường hợp thấy có di tích hoặc di vật, cổ vật thì chủ dự án phải dừng thi công và thông báo cho Phòng VHTT huyện Hoài Đức, Ban Quản lý di tích danh thắng có biện pháp xử lý kịp thời.
Còn nhớ, tại cuộc hội thảo “đầu bờ” diễn ra hôm 22.10, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã nhấn mạnh: “Trong khi chờ làm hồ sơ, tài liệu để kiến nghị xếp hạng di tích, đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di chỉ Vườn Chuối và các khu vực có liên quan trước nguy cơ bị xâm phạm; hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực cũng như có các biện pháp ngăn chặn nạn đào trộm cổ vật”. Xem ra, những lời kiến nghị của ông Thành cũng đã tan bay theo gió, và những cảnh báo của ông đã trở thành sự thật tàn nhẫn mất rồi.
Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất