25/05/2021 13:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cuộc sống càng phát triển, xã hội càng đề cao sự khác biệt, bởi thế giới này đa dạng, phong phú, đầy màu sắc và mỗi người là một cá thể độc lập với những nét tính cách, quan điểm sống khác nhau. Và bộ sách tranh Khác biệt mới tuyệt làm sao (NXB Kim Đồng) chính là một cách để các em nhỏ tiếp cận với điều này.
1. Bộ sách do tác giả Nguyễn Hoàng Vũ (1993) cùng các họa sĩ Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi và Linh Vương thực hiện, gồm 4 cuốn Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên, Nàng rồng khè ra trà sữa, Lão ma cà rồng cuồng cà rốt, Nhóc kì lân mọc sừng búa đẽo. Và ở đó, mỗi cuốn sách đều có những thông điệp riêng của mình.
Chẳng hạn, Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên kể về chuyện cứ 10 năm 1 lần, những bé trai ngoan nhất được gửi lên trời để rèn thành bụt, còn những bé gái thì học làm tiên. Dù cố gắng cách mấy, 1 chú nhỏ vẫn chẳng tài nào theo kịp các bạn trai lớp bụt. Vì nơi chú thực sự thuộc về chính là… lớp tiên, với những người bạn đều biết tự do theo đuổi điều mình yêu thích.
Rồi, Lão ma cà rồng cuồng cà rốt viết về câu chuyện một lão ma cà rồng nhất quyết ăn cà rốt thay vì hút máu như những con ma cà rồng khác nên bị áp giải đến bệnh viện tâm thần. Tại đây, bác sĩ khám phá ra bí mật lý do thật nhân ái đằng sau hiện tượng ngược đời đó, để rồi cuối cùng, cả cộng đồng ma cà rồng đều uống nước cà rốt. Hóa ra, chẳng có niềm tin nào là hoàn toàn sai hay đúng - và khi mở lòng lắng nghe những ý kiến khác biệt, thế giới của chúng ta tức khắc sẽ trở nên rộng mở bao la.
Còn Nàng rồng khè ra trà sữa ban đầu bị chê cười vì ai ai trong họ nhà rồng cũng đều... khè ra lửa cả. Thế nhưng, ở Trân Châu Đảo, khi lửa gây thù hận, thì dòng trà sữa mát lành được phun ra chính là điều tạo nên kỳ tích mang tên Hòa bình, hóa giải mọi căm thù. Như thế, mỗi chúng ta đều giỏi ít nhất một điều gì đó, chẳng cần phải giống với số đông, bởi thế giới này luôn có chỗ cho những tài năng khác biệt - miễn là bạn tìm ra nó.
Hoặc Nhóc kỳ lân mọc sừng búa đẽo bị bạn bè trêu chọc và xa lánh, đặt biệt danh là Kỳ Quặc khi chú có chiếc sừng chẳng giống ai. Nhưng cuối cùng, nhóc lật ngược tình thế, giúp các bạn tự tin khi gặp sự cố, nên lại được gọi là kỳ diệu. Bởi, nếu ai cũng giống ai thì thế giới này sẽ chán vô cùng.
Và như thế, các độc giả nhỏ được hướng tới những điều cơ bản trong bộ sách: Mỗi cá nhân chúng ta không hề giống nhau, về cả ngoại hình, tính cách, sở trường, ý thích, ước mơ. Khác biệt không phải là điều gì đáng xấu hổ, thậm chí còn là điều tuyệt vời. Vấn đề ở chỗ, chúng ta hãy làm thế nào để sự khác biệt đó trở thành ưu điểm, có ích cho bản thân và mọi người, đồng thời học được cách tôn trọng và bao dungvới khác biệt của người khác.
2. Mặc dù những cuốn sách trong bộ Khác biệt mới tuyệt làm sao không có mở đầu bằng mô-típ “Ngày xửa ngày xưa” nhưng đọc lên, các em nhỏ sẽ cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc như những truyện cổ tích vậy. Mỗi câu chuyện đều mở ra thế giới thần tiên, có những điều thần kỳ, có phép màu huyền diệu, kết thúc đều rất có hậu, đều là cái tốt đẹp lên ngôi, nhưng vẫn rất hiện đại và thời thượng.
Chẳng hạn, đọc Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên, các bạn nhỏ bắt gặp ngay hình ảnh cô Tấm đang khóc lóc nhặt gạo và thóc để được đi trẩy hội. Những tưởng câu chuyện Tấm Cám được dựng lại, nhưng không, diễn biến chính của truyện là những gì xảy ra khi Bụt về trời ngay sau đó.
Bụt, tiên, rồng lửa, kỳ lân, ma cà rồng… đều là những nhân vật ở trong thế giới tưởng tượng. Nhưng bụt dạy học cách phất trần, về thần thái, về mây gió; tiên học về cách bung xòe cánh như múa ba lê; rồng phun ra trà sữa - thức uống mà bọn trẻ ngày nay mê tít; ma cà rồng uống nước ép…
Bộ sách mượn những chi tiết trong các tích truyện cổ, nhưng thổi vào đó một hơi thở tân thời và cốt truyện hoàn toàn độc đáo, khác lạ. Có thể coi đây là những câu chuyện cổ tích hiện đại, vừa quen thuộc gần gũi, vừa mới mẻ thú vị.
3. Đọc sách, không thể phủ nhận rằng ngòi bút viết sáng tạo, bay bổng của tác giả Nguyễn Hoàng Vũ rất phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ. Giọng văn hài hước, hóm hỉnh luôn có sức mạnh đối với độc giả nhí. Hẳn các bé sẽ phì cười trước nhưng câu văn như: “Cưỡi mây, đáp xuống, cười hiền, vuốt râu, thăm hỏi. Cả nghìn năm nay, ông thuộc làu các thủ tục này đến mức chẳng còn nghĩ ngợi về chúng” vì bụt cũng giống các em bé khi học thuộc bài vậy.
Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng các từ ngữ đẹp, sinh động và nhiều sức gợi nữa. “Đào non cuộn mây, khoai Tây sốt nắng, cải trắng ngào sương. Bữa tối toàn món khoái khẩu, nhưng chú nhỏ chỉ xì xụp vội vàng”. Chỉ là miêu tả món ăn mà độc đáo và như bày ra trước mắt người đọc một thực đơn thơm phức vậy. Hay đọc những dòng sau, chúng ta lại như đang chứng kiến cả hành trình làm cánh tiên của chú bé: “Gom lá vàng chất đầy ba lô. Nhặt hoa khô nhét căng túi áo. Hứng nhựa cây táo thay cho keo hồ. Xếp xếp hì hục. Dán dán miệt mài. Cuối cùng cũng ra hình hài đôi cánh”.
Trẻ em ngày nay cũng rất thích “vần vè hóa” những gì mà chúng muốn nói. Thế nên, cả bộ sách đều sử dụng rất nhiều câu thơ khi các nhân vật đối thoại với nhau: "Trả lại đây, quân ăn cắp!/ Món quà của ngoại thỏ nâu!" (lời lão già ma cà rồng). "Á à, để tôi giúp hấp!/ Miễn lão hứa kể từ đầu!" (lời bác sĩ). Và những câu văn dẫn truyện cũng dịu dàng, có nhịp điệu, đối vần đối thanh nhịp nhàng, giàu chất thơ.
Phần lời văn của bộ sách chỉ do tác giả Nguyễn Hoàng Vũ viết, nhưng lại có đến 4 họa sĩ minh họa cho 4 cuốn sách, đều tươi mới, đầy màu sắc. Những con chữ, nét vẽ, được chọn lọc kỹ lưỡng, và sắp xếp các chi tiết tranh một cách hợp lý, khéo léo, giúp các trang sách sinh động và có hồn.
BTV Khánh Linh (NXB Kim Đồng) chia sẻ, sau khi nhận được nội dung truyện, nhà xuất bản đã mất hơn 1 năm lựa chọn, làm việc với các họa sĩ, đầu tư cho phần thiết kế để mang đến bộ sách vừa ý nghĩa vừa đẹp mắt cho bạn đọc. Bởi hình ảnh phải sống động và thuyết phục thì bộ sách mới có thể thu hút được các em nhỏ.
Tác giả: Nguyễn Hoàng Vũ, sinh năm 1993. Làm việc trong lĩnh vực quảng cáo; Vừa giành được học bổng Thạc sĩ Fulbright, chuyên ngành Screenwriting, trường Đại học Stony Brook (New York; Sách đã in: The Alphabet I Found In Mom’s Kitchen (2017, NXB Kim Đồng) Họa sĩ Ru-oi (minh họa cho tập Lão ma cà rồng cuồng cà rốt): Đã minh họa: Bộ sách Câu chuyện dòng sông (2019, NXB Kim Đồng); Chiếc gối biết nói (2021, NXB Kim Đồng) v.v... Họa sĩ Hoàng Trung (minh họa cho tập Nàng rồng khè ra trà sữa); Đã minh họa: Tập artbook 5 mùa (2016, NXB Kim Đồng); artbook Thiện và ác và cổ tích (2018, NXB Kim Đồng) v.v... Họa sĩ Linh Vương (minh họa cho tập Nhóc kì lân mọc sừng búa đẽo); Đã minh họa: Chuyện kể thành ngữ (2017, NXB Kim Đồng); Hạ về trên đồi cỏ lau hồng (NXB Kim Đồng, 2018), Từ vay hay dùng (2019, NXB Kim Đồng)... Họa sĩ Gà's little world (minh họa cho tập Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên) |
“Bộ sách này là tâm huyết của cả ê kíp, từ các biên tập viên cho đến tác giả, họa sĩ. Tất cả đều mong muốn làm nên một bộ sách đến được với đông đảo bạn đọc trẻ em, nhận được sự yêu thích của phụ huynh và các em ở cả phần câu chuyện lẫn hình ảnh. Các biên tập viên, người viết và họa sĩ phối hợp sâu sát với nhau trên từng con chữ, từng nét vẽ, chọn lựa từ ngữ kĩ lưỡng, thảo luận các chi tiết tranh. Vun đắp tâm hồn - Khác biệt mới tuyệt làm sao được đầu tư không chỉ bằng nhân lực tài lực, mà bằng cả tình yêu dành cho sách và trẻ thơ” (BTV Khánh Linh - NXB Kim Đồng) |
Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 – 2021 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức sẽ diễn ra trực tuyến vào dịp Tết Thiếu nhi (1/6) tới đây. Từ 117 tác phẩm dự thi hoặc được đề cử, Ban sơ khảo cuộc thi đã chọn được hơn 10 tác phẩm vào chung khảo. Hội đồng Giám khảo (do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng) sẽ họp phiên cuối cùng vào hôm nay, 25/5, để chấm các giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn, Khát vọng Dế Mèn. |
Thanh Hoa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất