15/08/2019 07:03 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Triển lãm nhóm mang tên Cá nhân của 6 họa sĩ Phạm Tuấn Tú, Đinh Tuấn Hoàng, Phan Tuấn Ngọc, Vũ Tuấn Dũng, Nguyễn Thanh và Vũ Lâm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (kéo dài đến 16/8), tưởng chừng chỉ là một cuộc chơi của 6 chàng nghệ sĩ, giới thiệu những tác phẩm cũ của một thời ngây ngô... Nhưng hóa ra nó lại đem đến những lý giải đầy thuyết phục về một giai đoạn phát triển của đời sống mỹ thuật đương đại.
Trong hành trình đi đến cái TÔI NGHỆ THUẬT của hiện tại, mỗi người nghệ sỹ đã trải qua biết bao NHỮNG – CÁI – TÔI – KHÁC trong từng giai đoạn sáng tạo của mình. Với mỗi một tác phẩm được sáng tạo bởi NHỮNG – CÁI – TÔI – KHÁC ấy, xét về mặt thời gian, đã thuộc về quá khứ, là những cái CŨ của ngày hôm qua. Nhưng về mặt ý niệm nghệ thuật, những tác phẩm CŨ ấy dường như đã giữ một vị trí quan trọng trong việc tạo nên diện mạo chân thực của người nghệ sỹ hôm nay.
Những vụng dại thời kỳ “khởi nghiệp”
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, hơn 100 tác phẩm là những bức tranh khởi nghiệp của của 6 họa sĩ, là những ngô nghê vụng dại thời kỳ đầu, nhưng đã xác lập được con người cá nhân của họ để làm nghệ thuật.
"Chúng ta quý trọng từ nét bút đầu tiên, từ cách pha màu, cách xử lí trên bức họa, nó càng làm cho ta hiểu, có một thời những sinh viên mỹ thuật trẻ đã phải vật lộn tìm kiếm con đường cho cá nhân vất vả đến nhường nào! Thật may, các bạn đều tự trưởng thành, trưởng thành từ chính đời sống mỹ thuật đương đại nhiều xáo trộn và áp lực. Và tôi cho rằng, cái quan trọng là chất liệu làm nên nghệ thuật cũng chính là bối cảnh xã hội đã tạo nên những cá nhân như thế".
Sáu tác giả đồng hành trong triển lãm nhóm lần này, ngoài cái chung là đam mê con đường mỹ thuật khi mới bước vào tuổi trưởng thành ra thì đều có sự khác biệt, cuộc đời đã đưa họ đến những ngã rẽ khác nhau.
Họa sĩ Vũ Tuấn Dũng đặt chân trong ngành giáo dục, Đinh Tuấn Hoàng ướm chân vào ngành y tế, Vũ Lâm bước trong ngành báo. Còn lại ba họa sĩ là Phan Tuấn Ngọc, Nguyễn Thanh, Phạm Tuấn Tú đều “tự do tự tại” bằng nghiệp vẽ và khi rảnh rỗi mới rong chơi.
Chuyên nghiệp còn sống với nghề "cắt cưa đóng đinh" nhất là họa sĩ Phạm Tuấn Tú. Những tác phẩm của họa sĩ Phạm Tuấn Tú được giới thiệu trong triển lãm này chính là những bức vẽ đã chạm vào câu chuyện tín ngưỡng tâm linh, mà trước đó anh chỉ dám im ắng thể nghiệm đời sống bên trong của chính mình.
Tuấn Tú đã nói ra câu chuyện về đời sống trần gian, khi những con người của dương gian đầy sự bề bộn phức tạp và có cả những trả giá đau đớn, thì đâu đó, có một đời sống tâm linh vẫn đủ sức để giữ một mặt bằng yên ả cho tinh thần, không chỉ nghệ sĩ mà bất cứ người Việt nào cũng vậy. Nếu như, thế kỷ 21 là thế kỷ của Phương Đông, thì những tác phẩm ấy thực như một dự cảm về những gia trị của thế giới tâm linh đầy huyền bí nhưng cũng rất tự nhiên.
Họ đã cùng nhau “thoát hiểm” trước thị trường
Tuấn Tú và cả 5 tác giả còn lại từ những cảm tính đầu đời trong nghệ thuật, họ đã dự cảm, họ đã nói trước câu chuyện, rằng nghệ thuật chắc chắn sẽ phải đi con đường như chúng ta thấy hôm nay. Và dự cảm ấy, như họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định: "Chính điều này cho chúng ta thấy, những người làm sử nghệ thuật, mỹ thuật cũng phải nên chăm chú, dõi theo một chiều thời gian khác để hiểu từng tác giả, trong hoàn cảnh ấy, đời sống ấy mà nghệ thuật của họ vẫn ngây thơ hồn nhiên đẹp đẽ như vậy”.
Ông nhấn mạnh: “Không biết ai đã mách bảo họ, nhưng họ đã bảo trọng cái bản thể, bảo trọng con người cá nhân của mình thật tốt để làm nghệ thuật. Đó là những điều kiện tiên quyết nhất để bước tới những thành công sau này của một người nghệ sĩ, trong khung cảnh qua 2 thập niên đầu thế kỷ 21, mỹ thuật đương đại Việt Nam vẫn là một toàn cảnh để ngỏ của nền kinh tế thị trường, áp lực thị trường tranh, của rất nhiều cám dỗ, với đầy những hiểm nguy cho người làm nghệ thuật. 6 nghệ sĩ, họ đã cùng nhau thoát hiểm, họ đã không giấu giếm khởi nghiệp, không giấu giếm mọi ngô nghê mà đã tự tin mỉm cười, rằng cái vụng về ấy là cái xác lập tâm hồn họ. Lúc nào cũng phải là cái tâm thật trong, không một vết gợn, thả một viên sỏi xuống đáy hồ, mặt hồ vẫn lặng, mặt hồ ấy chính là tâm hồn nghệ sĩ hôm nay".
Chính từ 6 cá nhân, 6 số phận nghệ sĩ, 6 câu chuyện cuộc đời như những đại diện cho một thời kỳ đã qua, cho một thế hệ đang phải gánh vác nhiệm vụ nghệ thuật trong một chặng đường mới. Họ đã thành thật kể những câu chuyện bên trong mình trong hành trình khởi nghiệp, như một mách bảo vô hình, để cho thấy câu chuyện của nghệ thuật không hẳn là đào tạo trường quy quyết định số phận nghệ sĩ. Đào tạo nhà trường chỉ là cách “mượn cửa” của người nghệ sĩ. Để trở thành họa sĩ thì anh phải vững vàng từ chính nội tại. Và ở đây, chính sự tự tin đầu đời đã cho thấy câu chuyện nghệ thuật không còn đơn thuần là kỹ năng nghề nghiệp, mà còn là câu chuyện bên trong của họ, là đời sống tâm hồn.
Tất cả để thấy, trên dòng sông nghệ thuật, mỗi người nghệ sĩ, dẫu là bơi, lặn, lội hay chèo đò một mình, không đua tranh thắng thua với ai được cả, mà trước hết là với chính mình. Vậy tới đích được sớm hay muộn không thành vấn đề...
Yên Khương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất