Xem triển lãm ảnh 'Những gì giá trị': Cuộc đối thoại đa diện về giá trị sống

02/07/2021 08:40 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Things That Count, tạm dịch là Những gì giá trị - một câu hỏi đầy sự nghi hoặc về những giá trị hiện tồn. Đó cũng là tên của một triển lãm ảnh đang diễn ra tại Hà Nội, đề cập đến những giá trị sống giữa thời Covid-19 thông qua cuộc đối thoại giữa các nhiếp ảnh gia trẻ từ Việt Nam và châu Âu.

Cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc có chủ đề 'Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam'

Cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc có chủ đề 'Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam'

Tin từ Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, Cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc - lần thứ nhất có chủ đề "Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam" được tổ chức từ ngày 9/6.

1. Lucebert - một nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan từng viết: “Alles van waarde is weerloos”, tạm dịch: “Mọi thứ có giá trị không thể tự vệ”. Ý niệm của Lucebert về giá trị đặt trong đời sống hôm nay vẫn còn khả năng gợi mở khi mà hàng loạt những giá trị của con người liên tục bị “tấn công” và để lại những “tổn thương” đáng lo ngại.

Dễ thấy trước những làn sóng tấn công mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, nhiều giá trị sống bị xâm phạm, bị tổn hại như giá trị của sự an toàn hay sâu xa hơn là giá trị của sự tự do, giá trị của niềm tin… và nhiều thứ giá trị khác nữa.

Trong những thời điểm bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra, dường như ai cũng ít nhiều bị tổn thương. Song đối tượng nhạy cảm nhất vẫn là người trẻ. Họ dễ nảy sinh những nghi ngờ về bản thân, nghi ngờ về cái gọi là sự sống? Một loạt những câu hỏi hiện sinh được đặt ra về cách sống, về những giá trị nào là quan trọng trước một tương lai không chắc chắn đối với người trẻ.

Chú thích ảnh
Không gian triển lãm ảnh “Things That Count - Những gì giá trị”. Ảnh: BTC

Như cách để tìm câu trả lời cho những nghi ngờ về giá trị sống giữa thời Covid-19, riêng tư hơn là cho mỗi cá nhân, Things That Count là một cuộc đối thoại đúng nghĩa giữa những người trẻ đến từ những vùng văn hóa khác nhau nhưng có cùng một mối quan tâm chung.

10 tuần - 10 giá trị, những nhiếp ảnh gia trẻ từ Việt Nam và châu Âu chia thành từng cặp để chụp những bức ảnh thể hiện quan điểm cá nhân trước những giá trị được xem là quan trọng trong xã hội hiện đại gồm: Gia đình, sự an toàn, giới tính, di sản, sự hài hước, sự thân mật, sự tự do, quyền lực, kiến thức và đức tin.

Mỗi bức ảnh được chụp là một câu chuyện được gửi đi. Những câu chuyện trong Things That Count có thể chỉ là những câu chuyện cá nhân nhưng lại có sự kết nối mạnh mẽ giữa những khoảng cách địa lý xa xôi đến cả nửa vòng Trái đất. Thông qua sự kết nối này, họ truyền cảm hứng cho nhau, tin tưởng lẫn nhau để chia sẻ những câu chuyện có thể riêng tư nhất, có thể là những câu chuyện chưa từng được kể. Sau cùng, thông qua sự đối thoại bằng nghệ thuật nhiếp ảnh họ mang đến cho người xem những ý niệm sâu xa, là cách mà người trẻ hiện đại chọn nhìn nhận và sử dụng những giá trị sống bằng bản sắc cá nhân.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “An toàn”của Moritz Broszat. Ảnh: BTC

2. Ở thời điểm hiện tại, khi Covid-19 vẫn như một đám mây đen khổng lồ bao trùm lên toàn nhân loại, giá trị của sự an toàn vừa là hy vọng vừa là sự nghi hoặc. Mỗi người sẽ có cách định nghĩa riêng về sự an toàn trong bối cảnh bất an này. Đó có thể là cảm giác được ở cạnh gia đình, là được bảo vệ trước những hiểm họa, và đôi khi sự an toàn cũng chỉ là một trạng thái nhất thời của tâm trí…

Định nghĩa về sự an toàn, nhiếp ảnh gia Kiên Hoàng lựa chọn bức ảnh chụp một bác sĩ đang làm việc tại một phòng xét nghiệm Covid-19 - nơi mà anh gọi “sự an toàn được quyết định trong những căn phòng như thế này”.

Kiên Hoàng kể: “Tôi có dịp đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nơi điều trị cũng như xét nghiệm Covid-19. Sau khi đến phòng xét nghiệm Covid-19 ở đây, đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về định nghĩa an toàn. Định nghĩa của tôi về an toàn là cảm giác quen thuộc khi trở về nhà, thoải mái gặp gỡ bạn bè hoặc có một công việc ổn định”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “An toàn” của Kiên Hoàng. Ảnh: BTC

Trong khi đó, người bắt cặp với Kiên Hoàng là nhiếp ảnh gia Moritz Broszat lại gửi đi bức ảnh chụp một căn phòng giám sát hệ thống camera an ninh. Qua hình ảnh liên quan đến thuật ngữ “an ninh” này, Moritz nêu quan điểm về hành động kiểm soát như một trạng thái bảo vệ an toàn, chống lại các mối nguy hại.

Còn giá trị của sự tự do thì sao? Chắc hẳn ai cũng thuộc lòng những khẩu hiệu phòng chống dịch bệnh kiểu “Ai ở chỗ nào - ở yên chỗ đó”. Với nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Huế, “tự do chỉ đơn giản là làm những gì tôi thích, và làm điều đó thường xuyên”. Minh họa cho quan điểm này, Huế đã chọn chụp một bức ảnh có 2 người đàn ông và 1 cậu bé nằm ngủ “ngon lành” trên vỉa hè. Thế nhưng, ở thời điểm Covid-19 bất ổn như hiện nay, liệu họ còn có thể tự do “làm những gì tôi thích” dẫu đơn giản chỉ là nằm ngủ trên vỉa hè?

Thay vì đưa ra một định nghĩa cá nhân về giá trị của sự tự do, nhiếp ảnh gia Robert Sasarman lại chọn gửi đi một bức ảnh đầy ẩn ý với hình ảnh một cậu bé nấp sau bụi cỏ vì một lý do nào đó, có thể là sự sợ hãi, mà không dám ra ngoài khám phá, chơi đùa cùng bạn bè. Qua hình ảnh này, Robert đã khắc họa cảm giác phải hạn chế đi lại, tiếp xúc…

Suy cho cùng với mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh, mỗi độ tuổi và đối với mỗi người thì quan niệm về sự tự do là khác nhau. Không riêng sự tự do, đối với tất cả những giá trị sống hiện tồn trong xã hội này cũng vậy. Sẽ không có bất cứ một sự mặc định nào về giá trị sống, thay vào đó là những quan điểm đa diện được bày tỏ với đa dạng cá nhân, giống như ở Things That Count.

3. Bước vào không gian trưng bày của Things That Count dễ thấy một cảm giác thuần mộc, gần gũi. Trên những mảng tường trắng phau là những bức ảnh chụp trần trụi, không khung viền kiểu cách, tất cả chỉ có sự chân thật toàn diện hiện lộ ngay trước mắt người xem. Chính cách bài trí khiến Things That Count có sức ám ảnh mạnh mẽ.

Ở trên một góc tường có một ánh mắt sâu hun hút như níu kéo. Đó là ánh mắt của một người đàn bà đang bế đứa con ngủ say sưa. Đứa trẻ ngủ trong vòng tay mẹ thật bình yên. Nó chỉ có thể đến từ nơi có sự tin cậy, có niềm tin. Đó cũng là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Hoàng về giá trị của đức tin.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đức tin” của Nguyễn Minh Hoàng. Ảnh: BTC

“Nhờ hành động chụp ảnh, trở thành một nhiếp ảnh gia mà tôi được gặp gỡ, trò chuyện, chứng kiến ​​cuộc sống xung quanh. Đó là niềm lạc quan của tôi, niềm tin của tôi, rằng: Miễn là tôi cố gắng hết sức để chân thành và trung thực với những người tôi gặp, trò chuyện và chụp ảnh, tôi sẽ tiếp tục được đền đáp bằng sự quan tâm quý giá của họ. Đối với tôi, niềm tin là giá trị của những kết nối con người” - Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ.

Còn theo ông Bert Danckaert, người chỉ đạo dự án Things That Count, giá trị sống quan trọng nhất đó chính là lòng tin.

Về triển lãm ảnh “Things That Count - Những gì giá trị

Things That Count là sự hợp tác trực tuyến giữa các nhiếp ảnh gia trẻ đến từ châu Âu và Việt Nam. Trong 10 tuần từ tháng 3 đến tháng 5/2021, sinh viên khoa Nhiếp ảnh của Học viện Mỹ thuật Hoàng gia tại Antwerp, Vương quốc Bỉ đã giao lưu trực tuyến với các nhiếp ảnh gia trẻ Việt Nam về các chủ đề quan trọng hiện nay trong xã hội hiện đại.

Dự án do Bert Danckaert, phó giáo sư nhiếp ảnh tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp, khởi xướng và được triển lãm tại Matca Space for Photography với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 7/7 tại Không gian triển lãm Matca (48 Ngọc Hà, Hà Nội).

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm