04/11/2013 06:44 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Thanh niên ở ĐBSCL đang làm gì? Câu hỏi trên tưởng chừng như thừa thãi, vì xưa nay ở đâu có nếp sinh hoạt đó: Thành thị thì kinh doanh buôn bán, lao động công nghiệp và dịch vụ…, nông thôn thì trồng trọt chăn nuôi là chủ yếu. Gần đây ở nông thôn ĐBSCL xuất hiện nhiều khu công nghiệp, còn nông nghiệp thì tiến độ cơ khí hóa diễn ra rất nhanh (máy cày, máy xới, máy trục, máy gặt đập liên hợp…) nên lẽ đương nhiên là cơ cấu lao động cũng dần dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Tuy nhiên, nếu sự dịch chuyển này diễn ra một cách cân đối thì cũng là một tín hiệu tốt lành, đằng này lại chứa đựng sự mất cân đối nghiêm trọng: Lao động công nghiệp (mà chủ yếu là làm công nhân) hầu như chỉ dung nạp nữ thanh niên, còn nam thanh niên thì không có việc làm. Các chủ doanh nghiệp cho biết lý do là vì các công việc này không cần sức vóc mà chỉ cần chăm chỉ, do đó tuyển nam công nhân vào làm sẽ không phù hợp, lại có nguy cơ đánh nhau, đập phá gây hư hại tài sản của doanh nghiệp.
Bởi vậy mà trừ những nam thanh niên học hết lớp 12 (hoặc ít ra là hết lớp 9) có thể học nghề gì đó và tìm được việc làm, những thanh niên không học hoặc học hành dở dang thì hầu như chỉ còn cách đi làm hồ, số còn lại không được siêng năng lắm chỉ còn cách lêu lổng, vô công rỗi nghề. Một số rất nỗ lực xin làm bảo vệ, công nhân nhưng hầu hết đều bị từ chối (vì trình độ học vấn hay vì doanh nghiệp không tuyển nam công nhân). Thậm chí một số muốn được đi nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn khó được tuyển, vì không đủ trình độ học vấn, mặc dù phần lớn các địa phương đều báo cáo đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.
Tình trạng nói trên một mặt gây lãng phí một nguồn sức lao động rất lớn và mặt khác làm tăng nguy cơ nảy sinh các tệ nạn xã hội, bởi “Nhàn cư vi bất thiện”. Điều này thấy rõ nhất ở các cánh đồng hay nông trường vừa giải phóng mặt bằng để làm khu công nghiệp hay khu vui chơi giải trí gì đó: Lao động nông nghiệp bị xóa sổ mà không có việc làm gì để thay vào. Tất nhiên chính quyền địa phương cũng tìm cách để chuyển đổi nghề cho họ, nhưng thực tế cho thấy họ rất khó thích nghi với các nghề mới như kinh doanh hay làm dịch vụ, bởi thiếu vốn và kinh nghiệm, tay nghề.
Một khi đời sống vật chất đã thấp, thu nhập không có thì đương nhiên đời sống tinh thần của lớp nam thanh niên này cũng không thể khá hơn. Phần lớn trong số họ sống bám gia đình, một số sa vào các tệ nạn như như: cờ bạc, trộm cắp, một số còn dính vào ma túy… Nhìn chung, cách giải trí thông thường của nam thanh niên ở ĐBSCL hiện nay là… nhậu nhẹt. Nhậu có nghề. Nhậu triền miên, hàng ngày. Cách giải trí được xem là lành mạnh hơn chính là… uống cà phê.
Do nhu cầu uống cà phê quá lớn, mọi lúc mọi chỗ nên ở ĐBSCL có rất nhiều quán cà phê mà phần lớn là quán bình dân… Tuy gọi là bình dân nhưng các quán này cũng thường tuyển chọn người phục vụ là các cô gái trẻ đẹp để câu khách, từ đó hình thành một hạng gái gọi là “gái bán quán cà phê”. Trong khi các nữ thanh niên mải lo đi học hoặc đi làm công nhân suốt ngày và có khoảng cách quá lớn so với các nam thanh niên thiếu học, thất nghiệp thì các cô gái bán cà phê này chính là phần an ủi của các anh chàng ở quê. Bởi vậy mà trong khi các nam thanh niên thường xuyên “ngồi đồng” lê thê tại các quán cà phê, xem như là một kiểu hưởng thụ văn hóa thì tại đây người ta rất hiếm khi bắt gặp khách là phụ nữ. Chính vì vậy mà có thể nói các quán cà phê ở nông thôn thực sự trở thành các tụ điểm giao lưu riêng của các nam thanh niên nhàn rỗi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất