Hướng nào cho văn học thiếu nhi? (Bài 2)

23/09/2008 10:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chúng ta có khoảng 600 ấn phẩm báo và tạp chí nhưng chúng ta chỉ có rất ít tờ dành cho lứa tuổi thiếu nhi này. Trong một tờ báo hàng ngày có rất nhiều trang dành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi nhưng dành cho thiếu nhi thì rất ít. Hình như mọi người nghĩ rằng một tờ Hoạ mi, Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Hoa học trò... là đủ cho các em nhưng chúng ta không biết rằng nhu cầu được đọc, được học, được tìm hiểu các kiến thức khoa học từ phía các em nhỏ là rất lớn.
 
 Nhà văn Lê Tấn Hiển
1. Chị Đặng Thu Thuỷ ở Từ Liêm (Hà Nội): Tôi cho rằng, ngoài sự góp mặt của các nhà văn, các Nhà xuất bản thì các tờ báo lớn cũng nên có một góc riêng dành cho thiếu nhi để các cháu đọc. Hai tờ Họa mi, Thiếu niên Tiền phong không thể đủ để thay thế những kiến thức các cháu cần được biết. Hơn nữa, gần đây trên Đài truyền hình có tổ chức các cuộc thi trí tuệ dành cho các em thiếu nhi nên các cháu đều chú trọng tới các loại sách khoa học: lịch sử, địa lý, tìm hiểu về danh nhân văn hoá... Đó là một điều đáng mừng và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nếu không lan tràn truyện tranh của nước ngoài thì con trai tôi, con gái tôi sẽ đọc truyện chữ và các loại sách khoa học khác. Thực sự để các cháu có ý thức và nhận thức sâu sắc về những gì mình đọc thì các cháu chưa tự định hướng được mà bố mẹ phải giúp đỡ. Nếu nhà trường, ngành giáo dục, ngành xuất bản, nhà văn cùng quan tâm đến vẫn đề này thì thực sự chúng tôi rất yên tâm về một môi trường lành mạnh cho các cháu.
 
Chị Vũ Mai Xuân, quận Đống Đa: Súng ống, phép thuật, siêu nhân, là những thứ con trai và con gái tôi thường nhắc đến. Thỉnh thoảng hai chị em còn nhảy ầm ầm từ ghế lên bàn, từ giường xuống đất rồi bùm bùm chíu chíu... giả vờ lăn đùng ra chết. Những thứ ấy các cháu đều học từ truyện tranh. Nhưng bạn bè nó đứa nào cũng như thế thì thật khó khăn khi tôi vun đắp cho con tôi một môi trường thật tốt để đọc sách văn học cho thiếu nhi của Việt Nam.
 Bao giờ những "cảnh nóng" trong truyện tranh ngoại như
thế này mới bớt đi?
Chị Nguyễn Thuý Hà, (giáo viên): Tôi đi mua sách cho con trai 5 tuổi, tất cả các loại tranh ảnh dành cho lứa tuổi mẫu giáo đều được xuất bản từ TP. HCM, ở trong đó có rất nhiều thứ có tên gọi khác với ngoài bắc: ví dụ như cái lốp xe thì trong đó gọi là vỏ xe, mướp đắng gọi là khổ qua.. Còn các sách truyện in trên bìa cứng dành cho lứa tuổi mẫu giáo thì quá đắt. Ví dụ một cuốn truyện chỉ có khoảng 300 chữ nhưng đến giá 15.000 đồng. Mà các NXB dạo này chủ trương làm sách bìa cứng hay sao ấy, cuốn nào cũng đắt. Mà các cháu cũng chỉ học được vài ngày là đòi mua sách mới, rất tốn kém và cũng lãng phí nữa. Nếu các NXB chỉ cần in những cuốn truyện nho nhỏ khoảng vài ngàn đồng thì chúng tôi đỡ tốn tiền hơn.
 
2. Nhà văn, nhà báo Thu Hằng (báo Nhi Đồng): Để cho nền văn học thiếu nhi phát triển một cách đủ, đúng thì cần phải có chế độ khuyến khích hơn nữa cho những người viết. Ít nhất là chế độ nhuận bút. Thậm chí cả cách nhìn đối với những người viết văn thiếu nhi cũng cần phải thay đổi.

Chúng ta không nên coi người viết cho thiếu nhi là viết ba cái chuyện tầm phào. Đó là thế hệ tương lai của cả đất nước, giáo dục về văn học, giáo dục về lịch sử, giáo dục về truyền thống văn hoá là những điều vô cùng cần thiết cho các em. Chúng ta phải lồng ghép tất cả các giá trị đó vào cái gọi là văn hoá đọc cho đúng nghĩa.

Phải tập hợp được đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi, bồi dưỡng họ, giúp đỡ họ và thậm chí chúng ta nên tổ chức những trại sáng tác, cá cuộc thi viết truyện ngắn dành cho thiếu nhi. Bởi từ xưa đến nay ngươi ta tổ chức rất nhiều các trại sáng tác viết về mọi ngành, mọi lĩnh vực nhưng dành cho thiếu nhi thì rất ít. Thỉnh thoảng Nhà xuất bản Giáo dục có tổ chức những cuộc thi truyện ngắn dành cho học sinh sinh viên nhưng đối tượng của họ là các anh chị lớn rồi. Còn viết cho thiếu nhi rất hiếm hoi.
 

Nếu bớt đi các truyện tranh của nước ngoài và thay vào đó là các bộ truyện chữ thì chắn chắn các em, các vị phụ huynh cũng sẽ mua. Thông qua các bộ truyện chữ Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể lồng ghép được các thông tin về lịch sử địa lý văn hoá, truyền thống và kể cả nếp sống của người Việt Nam qua các thời kỳ (nhà văn Thu Hằng, báo Nhi đồng).

3. Nhà văn, nhà báo Lê Tấn Hiển (báo Hànộimới) cho biết hiện nay, tờ Hànộimới (số Chủ nhật) luôn dành một trang gọi là trang thiếu nhi trong đó có rất nhiều chuyên mục: Em tập làm báo, truyện ngắn, thơ, tìm hiểu khoa học, hỏi đáp khoa học... và lực lượng viết chính là thiếu nhi của các trường trên toàn thành phố. Hồi mới ra trang này, BBT cũng đã chủ trương là dành trang này cho thiếu nhi. Nhưng lúc đầu còn thiếu bài vở gửi đến nên có đặt bài của một số người lớn. Dần dần trang báo đi vào ổn định thì bài vở hiện nay chủ yếu là của thiếu nhi. Các BTV ở đây cho biết, họ vẫn giữ nguyên cái ngô nghê của trẻ con khi tập viết báo. Thậm chí có những câu, những bài rất buồn cười nhưng BTV cũng cứ để như thế. Có sự biên tập của người lớn là văn phong của trẻ em không còn hay nữa.

Ngoài ra, báo cũng chú trọng đến các giải thưởng để gây hứng thú cho các em viết, đó là những giải thưởng hàng tuần nho nhỏ, có thể chỉ là mấy chục ngàn đồng nhưng đối vơi trẻ con lại là sự động viên lớn lao kích thích các em đọc và viết văn. Chị phát nhuận bút nhận xét: Vào những buổi phát nhuận bút, trông các em bé tí tí, đeo cặp, quàng khăn đỏ đưa thẻ học sinh tíu tít đến lấy nhuận bút trông yêu lắm.
 
Hoàng Điệp


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm