Nguyễn Nhật Ánh: Đốt lửa thắp sáng văn học thiếu nhi

11/10/2008 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Văn học thiếu nhi lâu nay vẫn được giới cầm bút ngầm phân loại là “hạng hai”, do vậy người viết cho thiếu nhi đã thưa thớt ngày càng vắng hơn. Trong số rất ít những nhà văn ở ta vẫn cặm cụi viết cho đối tượng độc giả này, Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là người thành công nhất với hàng loạt tác phẩm truyện ngắn, dài, nhiều tập… được độc giả nhí chờ đợi ngày phát hành. Nhân dịp anh vừa được giải thưởng văn học TP.HCM với tập truyện Tôi là Bêtô, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trò chuyện cùng TT&VH.

* Vẫn biết giải thưởng lớn nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là bạn đọc, song anh đón nhận giải thưởng này như là thêm “hương hoa” hay xem nó rất quan trọng?

- Nhà văn khi ngồi vào bàn sáng tác dĩ nhiên không ai nghĩ tới giải thưởng; có hay không có giải thưởng thì nhà văn vẫn sống tiếp và viết tiếp, nhưng khi giải thưởng đến thì nó mang theo niềm vui và sự khích lệ. Mặc dù thế giới không quay chung quanh những giải thưởng nhưng trong tình hình văn học thiếu nhi đang vắng dần người viết, tôi nghĩ giải thưởng dành cho Tôi là Bêtô là nguồn động viên rất lớn với đội ngũ các nhà văn viết cho trẻ em. Nếu “quan trọng” thì nó quan trọng ở chỗ đó: Giống như có ai đó đánh lên một que diêm trong bóng tối của sự thờ ơ.

* Gần như năm nào anh cũng có sách best seller trên thị trường. So với các tác phẩm trước của mình, xin anh “tự bầu” (bằng “lý trí” chứ không tình cảm “ yêu tất cả”) tác phẩm nào xứng đáng được giải thưởng hơn Tôi là Bêtô?

- Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn TP.HCM là giải thưởng thường niên chứ không phải xét trên sự nghiệp của một tác giả. Cho nên tôi không thấy tác phẩm nào của tôi xứng đáng hơn Tôi là Bêtô vì trong năm 2007 tôi chỉ… in duy nhất có một cuốn đó thôi. Chưa kể, mỗi giải thưởng đều dựa trên tiêu chí của một ban giám khảo cụ thể, kể cả giải văn học Nobel. Đạt đến ý nghĩa hay giá trị phổ quát trong trường hợp này là rất khó, nếu không muốn nói là không tưởng. Ngay cả tôi, nếu như được trao giải cho mình, thú thật tôi cũng không biết trao cho cuốn nào trừ phi tôi xác định tôi sẽ đo thế giới bằng thước đo nào.
 
Nguyễn Nhật Ánh giữa vòng vay của khán giả nhí

* Có ý kiến cho rằng, lấy tiêu chuẩn Tôi là Bêtôđể trao giải, thì tất cả các tác phẩm truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều xứng đáng được giải. Vì lấy đánh giá của bạn đọc mà xét, thì quyển sách nào của anh cũng hấp dẫn như nhau. Như vậy, Hội đồng giám khảo của Hội Nhà văn TPHCM quyết định chọn Tôi là Bêtômột cách rất “ngẫu hứng”. Anh có nghĩ như vậy không?

- Lý do trao giải cho Tôi là Bêtô, bạn hỏi Hội đồng giám khảo của Hội nhà văn TPHCM thì sẽ có câu trả lời xác đáng hơn. Với tư cách tác giả, tôi chỉ có thể nói như thế này: Về hình thức, khi để cho các chú cún đóng vai nhân vật chính, Tôi là Bêtô vẫn sử dụng thủ pháp viết truyện thiếu nhi, nhưng trong quá trình viết tác phẩm này, tôi không để cho mình quá bị lệ thuộc vào tính đối tượng. Khi giải phóng khỏi sự ước thúc của phương pháp sáng tác văn học thiếu nhi truyền thống, biên độ chủ đề được mở rộng và tôi cho phép mình ngẫm nghĩ nhiều hơn trong tác phẩm. Một cách tự nhiên, cuốn sách hướng tới cả bạn đọc trẻ con lẫn người lớn, nhờ vậy tôi tin Tôi là Bêtô chứa đựng được nhiều điều hơn vẻ bề ngoài của nó.

* Anh có quan tâm đến văn học trẻ không? Nếu có, xin anh nhận xét đôi chút về văn học trẻ thành phố trong những năm gần đây.

Điều tôi quan tâm nhất là mặt bằng chất lượng văn học. Năm 2007, mặt bằng của Giải thưởng văn học TP.HCM hơi bị thấp! Hội đồng Văn xuôi không tìm được tác phẩm để vào vòng sơ khảo và trao Giải thưởng. Năm nay thì khác hẳn! Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh là truyện viết cho thiếu nhi, nhưng mượn cớ con chó Bêtô để nói được khối chuyện về nhân tình thế thái. Người viết chuyên nghiệp, truyện có tư tưởng, hấp dẫn - (Phát biểu của nhà văn Triệu Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP.HCM)

- Tôi cho rằng văn học trẻ TPHCM đang khởi sắc. Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy... đều là những nhà văn giàu cá tính và có ý thức đổi mới. Đó là tôi chưa kể đến các nhà thơ. Sau 1975, đây là lần thứ hai thành phố xuất hiện một lực lượng viết trẻ đông đảo như vậy. Tôi tin đây sẽ là những cây viết chủ lực của thành phố trong vòng dăm, bảy năm nữa.

* Ví dụ anh làm giám khảo được quyền quyết định giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM (tất nhiên giám khảo không thể tự trao giải cho mình), anh sẽ chọn tác phẩm nào xứng đáng cho năm nay (kể cả văn và thơ vì anh cầm bút cả “hai tay”)?

- Tôi chịu, không thể trả lời câu hỏi này được. Dù chỉ đưa ra ý kiến chủ quan thì cũng cần phải đọc hết và đọc kỹ các tác phẩm xuất bản trong năm, mà tôi thì lại không có điều kiện đó.
 
Thanh Kiều (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm