16/10/2024 05:58 GMT+7 | Bóng đá Việt
Mùa giải 2008, thủ thành ĐTQG và CLB SLNA Dương Hồng Sơn, bất ngờ đầu quân cho tân binh giải hạng Nhất làCLB Hà Nội T&T (phiên hiệu tiền thân của Hà Nội FC bây giờ) với chi phí lót tay 2,1 tỷ đồng cho 3 năm. Hồng Sơn suýt thì bị cấm thi đấu, vì cùng lúc nhận lời cả Thể Công (hạng Nhất QG) và Hà Nội T&T. Ba năm sau, cũng vị trí thủ môn, Bùi Tấn Trường gia nhập một đại diện hạng Nhất khác là XMXT Sài Gòn. Chữ ký trị giá đến 9 tỷ đồng.
CLB Đồng Tháp được hưởng hơn phân nửa số tiền bán Tấn Trường (cụ thể 5 tỷ đồng) để đưa vào chi phí hoạt động. Trước khi Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Filip xuất hiện, Tấn Trường vẫn giữ kỷ lục về tổng số tiền chuyển nhượng, ký mới hoặc gia hạn, so với các thủ môn khác. Ngay cả Nguyên Mạnh (Nam Định) cũng khó bì.
Vẫn vị trí thủ môn, sau SEA Games 2003, Nguyễn Thế Anh rời SLNA để gia nhập Ngân hàng Đông Á (lúc này đang chơi giải hạng Nhất) với phí chuyển nhượng hơn 1 tỷ đồng. SLNA nhận trọn gói, còn Thế Anh được đội bóng mới cấp cho một căn hộ chung cư ở quận Bình Thạnh.
Việc một tuyển thủ quốc gia, thậm chí là ngôi sao, xuôi từ V-League về giải hạng Nhất không hiếm trong lịch sử 25 năm kỷ nguyên lên chuyên. Năm 2001, "Zico Thai" Kiatisuk, cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á khi ấy, chấp nhận gia nhập HAGL chơi hạng Nhất. Trong 3 mùa giải (2010 - 2013), từ hạng Nhất lên V-League, XMXT Sài Gòn tập hợp cả dải ngân hà, từ nội đến ngoại và cầu thủ nhập tịch.
Tất cả những bản hợp đồng vừa nhắc, đều là gia nhập các đội bóng nhà giàu và nhiều tham vọng. Không có ngoại lệ nào khác.
Về lý mà nói, việc Hoàng Đức hay Đặng Văn Lâm, rồi ngôi sao măng non Quốc Việt tìm về Phù Đổng Ninh Bình; ở Bình Phước là Công Phượng, Tấn Trường, Tấn Sinh... cũng bình thường. CLB có chế độ đãi ngộ tốt và ngoài ra, đây đều là những đội bóng mang dòng máu quân vương. Với ít nhất 2 CLB này, không chỉ là suất lên V-League, mà thậm chí còn tính đến chuyện vô địch giải đấu cao nhất Việt Nam luôn. Cả HAGL và CAHN đều từng vô địch V-League ngay trong năm đầu thăng hạng. Với Hà Nội FC (2010) và Viettel (2020) thì chậm hơn chút.
Sự khác biệt ở đây nằm ở tính thời điểm. 15 năm đổ về trước, khoảng cách về trình độ giữa V-League và hạng Nhất quốc gia là không quá xa. Cũng một 10 một 8 và khi ấy, giải hạng Nhất vẫn còn quyền đăng ký cầu thủ nước ngoài, cũng như ngoại binh nhập tịch. Nhưng lúc này thì khác.
Sự bạo chi của Trường Tươi Bình Phước hay Phù Đổng Ninh Bình không thể giúp nâng cấp giải hạng Nhất (11 đội) lên một tầm cao mới chỉ trong ngày một ngày hai. Ở đó vẫn còn rất nhiều đội bóng nhà nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai, thậm chí đến giờ chót mới đăng ký thi đấu. Giải hạng Nhất từ hơn một thập niên qua trở thành ốc đảo, cả về chuyên môn lẫn các giá trị thương mại, truyền thông đều thấp, và nói thực, khó có thể nói là giải chuyên nghiệp thực sự.
Sự xuất hiện của một số ngôi sao chỉ đủ để nhắc rằng, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn còn giải hạng Nhất quốc gia và cả Cúp quốc gia nữa. Người hâm mộ và một bộ phận truyền thông lo lắng các tuyển thủ như Hoàng Đức hay Đặng Văn Lâm, Công Phượng...sa sút phong độ, cũng là có lý do, bởi tính cạnh tranh và mặt bằng chung các CLB ở V-League 2 không cao.
Song suy cho cùng thì cầu thủ mới là người quyết định sự nghiệp của họ và điều đó cần được tôn trọng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất