Nistelrooy, Torres, Cassano lập công: Khi các “chiến binh” lên tiếng

05/09/2010 19:15 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online) – Chiến thắng “hủy diệt” của Tây Ban Nha, Hà Lan trước các đối thủ như  Liechtenstein, hay San Marino gần như là điều tất yếu. Nhưng khi những Fernando Torres, Ruud van Nistelrooy “nổ súng”  lại là một  câu chuyện khác. Bên cạnh đó cái tên Antonio Cassano cũng khiến người ta nhắc đến anh.

* Torres, mừng ngày trở lại

Một năm, ba tháng, đó là quãng thời gian mà người hâm mộ phải chờ đợi để được thấy tiền đạo Fernando Torres nở nụ cười ăn mừng bàn thắng của riêng anh. Các CĐV của đội bóng xứ sở đấu bò tót không hiểu tại sao một chân sút đẳng cấp như Torres lại “tịt ngòi” lâu đến thế.

Vẫn biết trong thời gian qua, “El Nino” gặp phải chấn thương, chưa tìm lại được cảm giác bóng tốt nhất. Nhưng liệu đó có không phải là lời giải thích thỏa đáng khi tiền đạo thuộc biên chế Liverpool cứ lần lượt bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn mà các đồng đội tạo ra ở kỳ World Cup vừa qua. Từ đội bóng yếu Honduras cho đến các đối thủ như Thụy Sĩ, Chile, hay Bồ Đào Nha, Torres đều “lệch tầm ngắm” một cách khó hiểu.

Dù vậy, nhiều người vẫn kỳ vọng “El Nino” sẽ tỏa sáng trong trận chung kết, như cách mà anh đã làm ở Euro 2008 để giúp Tây Ban Nha lên ngôi vô địch. Tuy nhiên, Fernando Torres lại gây ấn tượng mạnh bằng một…chấn thương. Thế nên, trong giây phút chiến thắng lịch sử của La Roja, các fan của Torres vẫn gợn lên những ánh mắt đượm buồn.

Nhưng tối 3/9, họ đã vỡ òa trong niềm vui sung sướng. Một cú sục bóng tinh tế, một cú dứt điểm trái phá ở góc gần, “El Nino” đã lập cú đúp, góp công vào chiến thắng chung cuộc 4-0 của Tây Ban Nha trước Liechtenstein. Nhờ các pha lập công ấy, Torres đã có tổng cộng 26 bàn thắng trong sắc áo ĐTQG để sánh ngang  huyền thoại Emilo Butragueno. Song điều quan trọng nhất đối với Torres vào lúc này là anh đã tìm lại được cảm giác ghi bàn, tìm lại được niềm tin từ người hâm mộ và tìm lại được sự tự tin từ chính bản thân mình mỗi khi trở về làm nhiệm vụ cho đội tuyển quốc gia.

* Ruud Van Nistelrooy: Vì anh là Van Gol

Nếu đặt câu hỏi, trong vòng một thập kỷ qua ai là  chân sút xuất sắc nhất hẳn không ít người sẽ chỉ ra cái tên Ruud van Nistelrooy. Trong quãng thời gian 5 năm thi đấu cho MU, Van Gol ghi tới 150 bàn thắng 220 lần ra sân, một con số mà bất cứ tiền đạo nào trong làng bóng đá thế giới đều phải mơ ước.











Van Nistelrooy, vì anh là Van Gol - Ảnh AP
 Bên cạnh đó,Van Nistelrooy còn là một trong những cầu thủ hiếm hoi có thể tỏa sáng ở một đội bóng khác sau khi nhận “án trừng phạt” từ ngài Alex Ferguson. Tuy nhiên, tuổi tác cộng những chấn thương liên miên đã buộc Van Gol phải thường xuyên “làm bạn” với băng ghế dự bị. Cũng vì thế cựu tiền đạo của Real đã lỡ cơ hội tham dự World Cup 2010.

Nhiều người cảm thấy tiếc cho anh, tiếc cho một cây săn bàn xuất sắc không có cơ hội tham dự giải đấu bóng đá số 1 hành tinh trên đất Nam Phi, và  liên tưởng số phận bóng đá của Val Gol với số phận của họa sĩ Van Gogh, người đã vẽ ra những bức tranh tuyệt hảo nhưng cuối đời lại phải chịu những giày vò đến nỗi tự cắt đi tai trái của mình.

Nhưng nghệ  thuật và người đời luôn quý trọng những cống hiến không biết mệt mỏi của danh họa Van Gogh. Val Gol cũng đáng nhận được những thứ như thế từ bóng đá. Sau World Cup 2010, HLV Bert van Marwijk đã không bỏ rơi Nistelrooy, dù trong đội hình hiện tại của Hà Lan không thiếu các chân sút đẳng cấp có đủ khả năng lấp khoảng trống mà cựu cầu thủ của MU để lại.

Có thể đối thủ San Marino quá yếu, quá nhỏ bé bên cạnh “ông lớn” Hà Lan, có thể Van Nistelrooy không vẽ lên những đường cong kỳ vĩ trên sân bóng hay một cú “nã đại bác” trái phá, nhưng cú chạm bóng tinh tế  đưa bóng vào lưới trước sự bất lực của thủ  môn đối phương, ấn định tỷ số 5-0 cho Hà Lan đủ để người hâm mộ túc cầu tin rằng Val Gol vẫn còn “sung” trong một thời gian dài nữa.

* Cassano, “ngựa chứng” sẽ hóa “tuấn mã”?

Khuôn mặt câng câng, những pha ăn mừng “kỳ dị”, anh là  Antonio Cassano, “ngựa chứng” của bóng đá Italia. Anh không ưa các huấn luyện viên đề cao tính kỷ luật. Ngược lại, họ cũng chẳng thích dây dưa gì với anh. Thế nên, từ Donadoni đến Lippi, Cassano không mấy khi được trọng dụng, dù tài năng chơi bóng của “ngựa chứng” là không phải bàn cãi.

Nhưng khi “gã đầu bạc” đã ra đi, Cassano trở thành vị cứu tinh trong sơ đồ chiến thuật của Prandelli. Trong một đêm mưa gió ở Tallinn, đội tuyển Italia đã thi đấu mờ nhạt trước đội bóng “nhược tiểu” Estonia, nhưng phút tỏa sáng của Cassano đã tạo bước ngoặt giúp cựu ĐKVĐ Thế giới lật ngược thế cờ bằng chiến thắng 2-1.

“Vạn sự  khởi đầu nan”, song điều quan trọng là Italia đã được nếm mùi chiến thắng, còn Cassano đã “nổ súng”. Biết đâu trong thời gian tới, từ biệt danh “ngựa chứng”, Cassano sẽ trở thành “con tuấn mã” đầu đàn dẫn dắt Italia tìm lại vị thế của một trong những đội bóng lớn nhất thế giới trên đất Ukraina và Balan? Nếu Cassano còn khát vọng, còn cảm hứng cống hiến cho ĐTQG, điều đó có thể lắm chứ!

Nhất Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm