Hà Nội.T&T và nỗi buồn sân vắng: Nghịch lý đào tạo trẻ

16/01/2015 15:18 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Chúng ta đã nói rất nhiều về chuyện bản sắc của Hà Nội.T&T trong 2 kỳ trước của chuyên đề này. Bản sắc của một đội bóng, thứ giá trị cốt lõi để lôi kéo CĐV tới sân, phải được tạo nên bởi các cầu thủ bản địa, do đội bóng tự đào tạo, chiến đấu và phục vụ đội bóng. Đó mới là những cầu thủ có thể khiến CĐV cảm thấy thực sự yêu mến và tin tưởng. Thế hệ ấy hiện không tồn tại ở Hà Nội.T&T.

Trong đội hình xuất phát của Hà Nội.T&T ở trận gặp Than Quảng Ninh tại vòng 2 V-League hôm 11/1, có 5 cầu thủ quê Hà Nội. Đó là Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Quốc Long, Nguyễn Ngọc Duy và Đỗ Duy Mạnh.

Bản sắc mong manh

Nhưng 3/5 cái tên ấy trưởng thành từ lò đào tạo Thể Công, Thành Lương phát triển ở CLB bóng đá Hà Nội. 2 ngôi sao sáng nhất trong danh sách trên (Văn Quyết, Thành Lương) đều quê ở Hà Tây (cũ). Tài năng 19 tuổi Duy Mạnh là người duy nhất do Hà Nội.T&T trực tiếp đào tạo.

Cầu thủ sinh năm 1996, vì thế, là tài năng trẻ tự đào tạo duy nhất của Hà Nội.T&T có chân trong đội hình chính. Từng ấy là quá ít để tạo nên bản sắc.

Hãy nhớ tới một ví dụ kinh điển về bản sắc trong bóng đá: Manchester United nổi tiếng toàn thế giới với thế hệ 1992 của Paul Scholes, Gary Neville... Đó đều là những cậu bé của thành Manchester, sinh ra, lớn lên và chơi bóng trên từng đường phố của Manchester.

Họ mang trong mình dòng máu Manchester, họ thi đấu và cống hiến gần trọn sự nghiệp cho đội bóng quê hương. Nhiều thế hệ như vậy sẽ tạo nên bản sắc cho đội bóng. Đó mới là những cầu thủ khiến CĐV cảm thấy “họ là người của chúng ta”.

Nhưng lịch sử của Manchester đã kéo dài hơn 100 năm. Còn lịch sử CLB chuyên nghiệp và hệ thống đào tạo trẻ của Hà Nội.T&T thì mới được hơn nửa thập kỷ. Từng ấy thời gian là chưa đủ để đào tạo hoàn thiện một tài năng trẻ chứ đừng nói tới xây dựng nhiều thế hệ.

Đó là chưa kể tới truyền thống tập hợp tài năng trẻ từ các địa phương khác của lò đào tạo này. Hà Nội.T&T có một trung tâm đào tạo VSH đặt ở Nghệ An. Họ cũng có chân rết ở nhiều tỉnh khác và thường xuyên nhận cầu thủ trẻ từ Trung tâm thể dục thể thao Hà Nội. Rất nhiều cầu thủ trẻ của Hà Nội.T&T có gốc gác ở các tỉnh khác. Điển hình là thủ thành Văn Công của U22 Việt Nam có quê ở Nghệ An.

Cái khó riêng của bóng đá Hà Nội

Do được tập hợp từ nhiều nguồn, nên yếu tố bản sắc của lò đào tạo trẻ Hà Nội.T&T không quá đậm đặc. Nó hoàn toàn ngược lại với hệ thống đào tạo trẻ của Than Quảng Ninh, Nam Định hay SLNA, vốn chỉ ưu tiên thu nạp các tài năng trẻ từ chính tại địa phương.

Lý giải về hiện tượng này, HLV Trương Việt Hoàng, người từng đứng đầu hệ thống đào tạo trẻ Hà Nội.T&T và đang là HLV trưởng CLB Hải Phòng, nhận xét: “Việc các cầu thủ ở những tỉnh khác chiếm số lượng lớn tại lò đào tạo Hà Nội.T&T là một xu hướng. Trên thực tế, việc tìm được những em ở Hà Nội thực sự đam mê là việc rất khó. Nguyên nhân tới từ định hướng của gia đình các em. Người ta không còn muốn cho con em mình chơi bóng. Điều đó khác hẳn với những địa phương khác.

Môi trường của Hà Nội cũng có nhiều thứ khác, có nhiều ngành nghề khác. Đó là cái khó riêng của bóng đá Hà Nội. Đấy cũng là lý do khiến người hâm mộ bóng đá Thủ đô càng ngày càng ít đi”.

Đón đọc kỳ 4: Kinh nghiệm Quảng Ninh: Tính địa phương trên vùng đất mỏ


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm