VĐV giành HCB thừa nhận có thể bị giết vì 'hành động dũng cảm nhất Olympic 2016'

22/08/2016 14:44 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) – Tại chung kết marathon Olympic 2016, một VĐV người Ethiopia đã xuất sắc cán đích ở vị trí thứ 2. Tuy vậy, anh cho rằng mình có nguy cơ bị giết khi trở về quê nhà, vì anh đã biểu thị một biểu tượng nhằm phản đối chính phủ nước nhà.

Feyisa Lilesa, VĐV marathon của Ethiopia, đã giành được Huy chương bạc hôm chủ nhật vừa qua. Tuy vậy, Lilesa cho rằng khi về quê nhà, anh có thể bị giết. Lý do là bởi vì, trong lúc thi đấu, anh đã giơ 2 tay vắt chéo nhau, thể hiện biểu tượng của các cuộc biểu tình chống lại các cuộc đàn áp của chính phủ Ethiopia về bất đồng quan điểm chính trị. Sau cuộc đua, Lilesa chia sẻ: “Nếu đề cập đến vấn đề dân chủ, họ sẽ giết tôi khi tôi trở về quê hương. Hoặc họ sẽ đưa tôi vào tù”.


Lilesa giơ hai tay lên trời khi chuẩn bị cán đích

“Ở nước tôi, điều đó hết sức nguy hiểm. Có lẽ, tôi phải tới một đất nước khác. Tôi đã ở đây, và đã giơ lên biểu tượng của sự phản đối, phản đối cho những người không có được sự tự do”

Các tổ chức nhân quyền cho biết, lực lượng an ninh của Ethiopia đã giết nhiều người trong thời gian gần đây, khi đàn áp một làn sóng bất ổn chống lại chính phủ ở các vùng trọng điểm.


Giống với hành động của các nhóm biểu tình tại Ethiopia

Kênh BBC World đã mô tả hành động này của Lilesa là một “khoảnh khắc lạ thường”, trong khi tờ Washington Post thì cho rằng, đó là “một hành động dũng cảm nhất của Thế vận hội 2016”. Hàng loạt các phương tiện truyền thông xã hội đã đề cao hành động của VĐV người Ethiopia.

Hoàn thành phần thi sau 2 giờ 9 phút 54 giây, và về đích ở vị trí thứ 2 sau VĐV Eliud Kipchoghe của Kenya, nhưng Lilesa không hề quan tâm đến kết quả của mình. Anh chỉ chạy, và muốn cho cả thế giới biết về tình trạng bất ổn ở quê hương anh.


Rất nhiều người Ethiopia bị giết trong các cuộc biểu tình

Kế hoạch phân bổ đất đai tại Ethiopia đang là vấn đề nóng tại quốc gia này, và hiện tại, Ethiopia đang đứng trước tình trạng bất ổn nhất trong hơn một thập kỷ. Từ lâu, Ethiopia đã được biết đến là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, và chính phủ đã lên kế hoạch để công nghiệp hóa đất nước một cách triệt để nhất. Tuy vậy, việc phân bổ đất đai lại là một vấn đề phức tạp, vì đa số người dân nước này là nông dân. Vì thế, liên tiếp các cuộc biểu tình đã diễn ra, hầu hết tại Quảng trường Meskel tại thủ đô Addis Ababa.


Lilesa lo sợ rằng mình cũng sẽ bị giết khi trở về quê nhà

“Chính phủ Ethiopia đang giết chết những người ở bộ lạc Oromo chúng tôi, cướp đất và các nguồn lưc của chúng tôi. Vì vậy, những người Oromo còn lại đang hết sức phản đối, và tôi ủng hộ các cuộc biểu tình của họ”, Lilesa nói với báo chí.

“Oromo là bộ lạc nơi tôi sinh ra và lớn lên. Người Oromo chúng tôi luôn ủng hộ điều đúng đắn, vì hòa bình”, Lilesa chia sẻ. “Trong 9 tháng qua, hơn 1.000 người đã thiệt mạng, và rất nhiều người đã bị kết tội phản quốc, và bị giết. Đó sẽ là số phận của những người Oromo ở Ethiopia”.


T.Tú
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm