25/09/2014 14:53 GMT+7 | Các ĐTQG
Nhưng, có thể U19 Việt Nam, rồi Olympic Việt Nam đã và đang tạo được tiếng vang, nhưng chưa đủ để nâng tầm đẳng cấp nền bóng đá.
Từ cuộc phiêu lưu mang tên Olympic
Từ e dè, đến nghi ngại, giờ thì Olympic Việt Nam thậm chí không còn là hiện tượng nữa, mà trở nên rất đáng gờm, sau khi toàn thắng tại vòng bảng trước các đối thủ hàng đầu như Iran và Kyrgyzstan, hiên ngang đoạt ngôi đầu bảng H, bước tiếp vào vòng 1/8. Nói không ngoa, chính UAE (đối thủ của thầy trò Toshiya Miura ở vòng “knock-out” đầu tiên) mới ngại chúng ta, thay vì chiều ngược lại thông thường.
Lại nhắc UAE. Nền bóng đá Các tiểu Vương quốc Ả Rập này có quá nhiều duyên nợ với bóng đá Việt Nam. Mọi chuyện bắt đầu từ lần chúng ta đại thắng họ tỷ số 2- 0, trong khuôn khổ VCK Asian Cup 2007 (giải Vô địch châu Á) trên sân nhà Mỹ Đình. Các bàn thắng kết liễu đại diện Trung Đông này của Quang Thanh và Công Vinh đều rất nhanh, mạnh và cực kỳ đẹp mắt, nức lòng người hâm mộ.
Một cách chính thức thì phải đến hơn nửa thập niên sau đó, UAE mới trả được món nợ đã vay, sau các chiến thắng 2-1 và 5-0, trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2015. Vào thời điểm đó, đội tuyển Việt Nam khá hỗn mang, cả về lực lượng đến tiêu chí hướng tới cho sân chơi cao nhất của bóng đá châu lục. Cuộc cách mạng diễn ra sau đó và Toshiya Miura đã xuất hiện để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng ở cabin.
Với thuyền trưởng người Nhật Bản, bóng đá Việt Nam cấp độ đội tuyển, mà cụ thể là Olympic Việt Nam, thực sự đã mang một bộ mặt rất khác. Về lực lượng cầu thủ, phần lớn trong số họ đều thuộc “bại quân” tại SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013. Nhưng khác biệt lớn nhất là luồng sinh khí mới được tạo ra, các ý niệm về chiến thuật và tư duy chiến thuật được nâng cấp, cùng nền tảng thể lực cải thiện trông thấy.
Nhiều ý kiến cho rằng, Olympic Việt Nam đang được… hưởng lợi, sau khi các đàn em U19 Việt Nam tiếp tục tạo được niềm tin trong lòng người hâm mộ, giữa bối cảnh nền bóng đá đang phải chịu rất nhiều nghi kị. Điều này, bao gồm cả sự tự ái, cũng chỉ đúng một phần, bởi chất lượng đội bóng mới là yếu tố quyết định. Chúng ta đang sở hữu một đội tuyển có chất thực sự, từ cabin ban huấn luyện đến các vị trí trên sân.
Olympic Việt Nam sẽ dừng lại (trước UAE), hoặc cũng có thể bước tiếp, trước khi buộc phải kết thúc hành trình (tại tứ kết, thậm chí bán kết…), đó là điều có thể tiên liệu. Suy cho cùng, chúng ta có thể tạo những cột mốc tại một giải đấu, chứ thành tích tại giải đấu, lại là sân chơi ASIAD vốn dành cho bóng đá trẻ, không thể giúp nền bóng đá nâng tầm về đẳng cấp. Để nâng tầm cần có sự tích luỹ bền bỉ.
Đến cuộc phiêu lưu của nền bóng đá
Trước khi Olympic Việt Nam tạo được tiếng vang ở Incheon, nền bóng đá vốn đã thiếu chiến lược phát triển dài hơi. Các cầu thủ thuộc biên chế Olympic là sản phẩm của các câu lạc bộ và như một thuộc tính, đến tuổi thì gặt thôi, chứ nó không hẳn là những sản phẩm kiểu mẫu, đủ chất lượng xuất khẩu sang thị trường… Hàn Quốc. Tức là, ông Miura và các học trò tự đốt đuốc tìm đường, thay vì được dẫn lối.
Năm 2007, nền bóng đá cũng từng bội thu với hàng loạt những cột mốc được tạo ra. Đội tuyển U20 Việt Nam (tương đương với U19 Việt Nam bây giờ) lọt vào VCK U20 châu Á, đội tuyển Olympic đi tới vòng đấu loại thứ ba Olympic Bắc Kinh, sau các chiến thắng vang dội trước đó và đội tuyển quốc gia Việt Nam, như đã nhắc, lần đầu tiên lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục, sau khi hạ đo ván UAE và cầm chân Qatar ở vòng bảng…
Cần chắc rằng, thời điểm 2007, chúng ta đã mất đi hàng loạt những gương mặt ưu tú bậc nhất nền bóng đá, từ hệ luỵ bán độ của đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games năm 2005 ở Bacolod, Philippines. Có điều gì đó như đang lặp lại, với 9 gương mặt ưu tú của V.Ninh Bình và ít nhất 6 người trẻ tài năng khác thuộc biên chế Đồng Nai, đã và sẽ phải hầu toà vì liên quan đến dàn xếp tỷ số trong các trận đấu ở mùa giải 2014.
Về mặt logic những vụ việc trên khiến nền bóng đá có thể đã phải chịu những hoang tàn, nhưng không. HLV Toshiya Miura đã rất tận tuỵ, cóp nhặt những gì còn lại, để xây dựng không chỉ một đội bóng Olympic Việt Nam đủ sức chinh chiến, đủ năng lực cạnh tranh ở đấu trường ASIAD, mà còn có kế hoạch khác cho đội tuyển quốc gia, chuẩn bị bước vào AFF Suzuki Cup 2014, giải đấu quan trọng nhất trong năm của nền bóng đá.
Với những tín hiệu lạc quan, rất nhiều người tin rằng, Toshiya Miura sẽ làm được. Nhưng thuyền trưởng người Nhật Bản sẽ phải cẩn thận, bởi bài học năm 2007 của người tiền nhiệm Alfred Riedl vẫn còn chưa ráo mực. Mô hình 2, thậm chí là 3 trong 1 của HLV Alfred Riedl, người có dư thâm niên ăn cơm Việt và hiểu đến tường tận nền bóng đá xứ sở, đã thất bại toàn tập tại SEA Games 24, cũng là giải đấu quan trọng.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, sau thất bại của U23 Việt Nam ở Korat, Nakhon Ratchasima năm 2007, trong đó phải kể đến sự chủ quan của nền bóng đá. Và ngoài ra, là yếu tố con người, khi ông Riedl, vốn cũng “một nách 2 – 3 con” như Tohisya Miura bây giờ, đã gần như bê nguyên xi một đội hình, để chinh chiến ít nhất các giải đấu khác nhau trong năm: Từ Asian Cup, đến vòng loại Olympic Bắc Kinh và SEA Games.
Chúng ta cổ vũ Tohisya Miura, cổ vũ Olympic Việt Nam tiến càng sâu càng tốt tại một sân chơi bổ ích và có đẳng cấp thực sự như ASIAD, nhưng nếu còn nuôi tham vọng giành lại ngai vàng AFF Suzuki Cup 2014, chắc chắn ông Miura phải có những tham khảo.
Tùy PhongĐăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất