Về niên hiệu Reiwa của Thiên hoàng Nhật Bản

08/04/2019 07:44 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Trong mấy ngày này, gần 130 triệu người Nhật cùng nhiều người khác trên thế giới chờ đợi hoàng gia Nhật Bản chính thức áp dụng niên hiệu mới Reiwa - Lệnh Hòa (令和) từ ngày 1/5/2019, mở ra “Lệnh Hòa nguyên niên” (令和元年).

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

'Mọt sách, mọt sử, mọt phim': Hành trình khổ ải của những 'con mọt Tam quốc'

'Mọt sách, mọt sử, mọt phim': Hành trình khổ ải của những 'con mọt Tam quốc'

Sẽ không bao giờ, cái thú lâu đời đọc và bàn Tam quốc mất đi, trong xã hội Việt Nam nói riêng cũng như tại các nước “đồng văn” Đông Á nói chung. Nhưng, chục năm qua, không còn dừng ở chuyện trà dư tửu hậu tìm vui, “luận Tam quốc” với nhiều độc giả đã chuyển sang dáng dấp của những hành trình tìm hiểu nghiêm túc và công phu về những tồn nghi vẫn luôn hiện hữu trong pho sách này.

Niên hiệu Lệnh Hòa được cho biết là lấy từ tuyển tập thơ Vạn diệp tập (万葉集: Man'yōshū) từ thế kỷ 8, thời Thiên hoàng Junnin (Thuần Nhân). Tuyển tập thơ này là quốc hồn, quốc túy của dân tộc Nhật Bản. Tuy nhiên, xung quanh cách phiên âm và nghĩa của từ “reiwa” cũng đang có những cách hiểu khác nhau.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc nước Nhật công bố niên hiệu Lệnh Hòa

Một hạnh vận của Nhật Bản

Người dân Nhật kính trọng, thậm chí thờ phụng các vị Thiên hoàng của họ, nên không bao giờ dùng tên riêng để gọi mà chỉ gọi là Thiên hoàng đương kim, và gọi bằng thụy danh, tức là miếu hiệu sau khi họ qua đời. Vậy nên niên hiệu Reiwa sẽ trở thành thụy danh của Thiên hoàng Naruhito sau này. Niên hiệu là danh xưng chính thức cho vị hoàng đế tối cao và đại diện cho cả quốc gia Nhật Bản trong một thời kỳ dài lâu.

Vì vậy, ý nghĩa, cách phiên âm của niên hiệu được tuyển chọn và áp dụng hết sức thận trọng. Cho đến ngày 1/4/2019, vị chánh văn phòng của hoàng gia Nhật Bản mới chính thức công bố niên hiệu Reiwa cùng với cách đọc của niên hiệu này.

Chữ “rei” (令) có 3 cách đọc:

- Thứ nhất là “linh” với nghĩa là linh thiêng, như trong “reiki” là “linh khí”. Đây là từ ngữ quen thuộc của vũ thuật và tu dưỡng.

Chữ “linh” này trong chữ Nho kết hợp bằng bộ vũ ở trên, có nghĩa là trời mưa, ở tầng giữa là 3 chữ “khẩu”, có nghĩa là nhiều miệng người cầu khấn cho có mưa để mùa màng cây cối tốt tươi và con người có lương thực để sống, tầng chót của chữ “linh” này là chữ “vu” với nghĩa là những người làm trung gian giữa thượng giới và hạ giới như các ông đồng bà cốt hoặc các pháp sư. Vậy linh thiêng là khi mọi người cầu xin các vị pháp sư cử hành nghi thức và trời đất đáp ứng bằng sự đổ cơn mưa.

Nghĩa thứ hai của “rei” là mệnh lệnh, hoặc sai khiến, chỉ huy.

Nghĩa thứ ba của “rei” đọc là “lệnh” hoặc “lịnh” có nghĩa là mùa màng, thời vụ.

Chú thích ảnh

Nghĩa thứ ba này thấy được trong thiên Nguyệt lệnh của sách Hoài nam tử do hoàng tử Lưu An cùng các vị tân khách biên soạn vào thế kỷ thứ 2. Hoài nam tử (2 tập, Nguyễn Tôn Nhan giới thiệu và dịch giải, NXB Khoa học xã hội, 2008) là bộ sách quan trọng của Đạo giáo, tổng hợp và phát huy tư tưởng của Đạo gia. Thiên Nguyệt lệnh nói về sự xoay chuyển tự nhiên của trời đất. Lệnh ở đây là mệnh lệnh của Đông Quân, tức chúa Xuân, cũng là mặt trời.

Chữ “wa” (hòa) cũng là tên của nước Nhật từ thế kỷ 8, với nghĩa là hòa hợp, hòa bình, cân bằng. Họ còn kết hợp với chữ đại (大), nghĩa đen là lớn, để viết cho tên gọi Yamato (大和: Đại Hòa). Còn Nhật Bản nguyên nghĩa là gốc của mặt trời, đó là cách Trung Quốc chỉ về Nhật Bản, vì Nhật bản gồm 3 đảo lớn nằm trong Thái Bình Dương, phía Đông của Trung Quốc. Mặt trời mọc ở phương Đông nên Nhật Bản là gốc của mặt trời. Người Anh dịch chữ “Nhật Bản” là “The Rising Sun”, tức là nước “mặt trời mọc”.

Vậy Lệnh Hòa nên hiểu là đến đúng thời đúng lúc của nước Nhật, cũng như trời đất chỉ định cho hoa đào nở vào mùa Xuân theo Nguyệt lệnh. Chữ “lệnh” hiểu theo nghĩa của Đạo giáo hoặc tự nhiên, khoa học, sẽ không mang ý nghĩa về mệnh lệnh, sai khiến, chỉ huy của con người, hoặc của các tập thể người. Nếu hiểu như thế, niên hiệu này sẽ mở ra một hạnh vận cho Nhật Bản và cả thế giới nữa.

Chú thích ảnh

Hy vọng kế tục công cuộc duy tân

Ngày 1/5/2019, Thái tử Naruhito (Đức Nhân) chính thức tiếp nhận danh hiệu Thiên hoàng của thân phụ là Akihito (Minh Nhân) truyền lại. Akihito đã đảm nhận chức năng Thiên hoàng từ năm 1989, khi phụ hoàng là Hirohito (Dụ Nhân) băng hà.

Hirohito cũng đã giữ chức vụ Thiên hoàng của Nhật bản rất lâu, hơn một chu kỳ lục thập niên hoa giáp, vì kế nhiệm ngai vàng từ phụ thân là Yoshihito (Gia Nhân), tức Đại Chính (Taisho) Thiên hoàng kể từ năm 1926. Bản thân Đại Chính Thiên hoàng cũng kế thừa ngôi vị từ vua cha là Mutsuhito (Mục Nhân), tức Minh Trị (Meiji) Thiên hoàng, trị vì từ năm 1867 đến năm 1912.

Minh Trị là vị hoàng đế lẫy lừng nhất trong lịch sử hơn 2.000 năm của Nhật Bản vì đã thống nhất nước Nhật, phế bỏ chế độ Mạc phủ cùng với các tướng quân cát cứ ở các địa phương và điều khiển giai cấp vũ sĩ/võ sĩ (tiếng Nhật gọi là samurai, nghĩa gốc là thị giả, lấy từ danh xưng người hầu cận trong chùa của Phật giáo).

Công cuộc duy tân tức đổi mới của Minh Trị làm chấn động cả thế giới, nhất là các nước đang bị mắc trong vòng bị trị của các thế lực thực dân đế quốc, hoặc còn đang khốn đốn trong cảnh đói nghèo, ngu dốt, lạc hậu trên cả ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.

Minh Trị là vị anh quân nhờ sự giúp đỡ của các cố vấn tinh hoa của hàng ngàn năm của nước Nhật để can đảm từ bỏ các truyền thống lâu hàng chục thế kỷ mà dứt khoát đổi mới theo phương Tây, không phải chỉ trong những lĩnh vực sinh hoạt cụ thể, hoặc bình diện vật chất, mà còn cả về lối suy nghĩ, văn minh tinh thần nữa.

Cuộc duy tân của Minh Trị đã phế bỏ truyền thống phong kiến, quân phiệt, trung cổ của một đảo quốc bế quan tỏa cảng nên cô lập với thế giới. Nền móng đầu tiên của cuộc duy tân này là Nhật Bản gửi hàng ngàn thanh niên tinh hoa (dĩ nhiên phần lớn thuộc các giai cấp quý tộc) đi học hỏi các tinh hoa của thế giới.

Chỉ nêu một chi tiết nhỏ để thấy cái tầm mức sâu sắc và toàn diện của sự cầu học này: trong số sinh viên gửi đi du học khắp thế giới, có cả những người học về ngôn ngữ Sanskrit là cơ sở của Ấn giáo và Phật giáo, khiến nước Nhật trở thành trung tâm nghiên cứu về Ấn Độ học và Phật giáo đại thừa cho toàn thế giới.

Kết quả là trong thời của Thiên hoàng Đại Chính, Nhật Bản đã hội tụ được các học giả và tăng sĩ để biên tập lại và hoàn chỉnh bộ Đại tạng kinh bằng Trung văn lẫy lừng của Phật giáo đại thừa gồm 50 tập. Kế tập và chấn chỉnh lại từng chữ cho hơn 10 ngàn bộ kinh sách, đồng thời cho dịch toàn bộ 50 tập này mang tên là Đại Chính tân tu Đại tạng kinh sang tiếng Nhật, gồm 100 tập, mà ngày nay học giả trên toàn thế giới vẫn phải dùng làm công cụ tiên khởi để nghiên cứu về Phật giáo. Nhiều người hy vọng Nhật Bản và Thiên hoàng sẽ kế tục công cuộc duy tân này.

Cũng xin mở một dấu ngoặc là Phật giáo Việt Nam có lịch sử dài gần 2.000 năm, nhưng đến đầu thế kỷ 21 chưa có một vị tăng sĩ nào học tập nghiêm chỉnh Ấn giáo, hoặc ngay cả ngôn ngữ Sanskrit để có thể trở thành nhà nghiên cứu có thẩm quyền cùng với các học giả trên thế giới.

Nguyễn Tiến Văn (nhà nghiên cứu)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm