Về quê giỗ bố

31/01/2017 07:47 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Về quê giỗ bố, một cái giỗ thường, vì ông mất đã trên 40 năm, trên 40 lần giỗ. Trừ giỗ đầu và giỗ hết mời họ hàng làng nước ra, các giỗ thường cũng hàng chục mâm, con cháu biết cầm đũa đều đến đủ cả.

Khi còn mẹ, những ngày giỗ bố, mẹ không phải nhúng tay vào việc gì. Các con đem gà đem gạo rượu về đóng góp. Khi làm cỗ giỗ, các con xúm vào dưới sự sắp xếp của huynh trưởng. Ngày giỗ có không khí vừa long trọng, trang nghiêm nhưng vui vì anhem con cháu ở xa cũng về đủ. Ngồi trà nước chuyện trò, đợi làm xong thủ tục lễ cúng là bày mâm đánh chén.

Hồi trẻ, tôi thấy giỗ chạp là nhiêu khê, chỉ nải quả, con gà, đĩa xôi với hoa quả nhang đèn là xong chứ bày vẽ làm gì. Cái cần là lúc sống đối với cha mẹ chu đáo, còn chết có ăn được đâu mà cúng với bái. Cái suy nghĩ này đóng cọc trong đầu tôi nhiều năm, thậm chí có lúc nghĩ chẳng cần giỗ cũng được, miễn khi sống chu tất là được rồi.

Nhưng rồi, tôi cũng dần  hiểu ra, giỗ chạp là làm cho người sống. Một năm có ngày giỗ các cụ, con cháu tụ hội, người ở xa cũng nhớ về để còn biết đến nhau. Cây cùng một gốc. Nhắc con cháu về chữ hiếu đễ với cha mẹ.


Với lại một năm có ngày giỗ ngồi với nhau hàn huyên ít giờ để hiểu hoàn cảnh của nhau và những việc cần giải quyết trong họ mạc, xóm làng. Chỉ đừng bày vẽ xa hoa lãng phí thôi. Thực ra cái gì bị lạm dụng cũng đều hỏng, chứ đâu chỉ chuyện giỗ chạp.

Quê tôi một năm còn thêm ngày giỗ họ do ngành chi trưởng tổ chức. Mọi con cháu từ xa gần về ngày giỗ đều đóng góp cỗ giỗ, góp tiền cho trưởng họ.

Năm nay, tôi về quê giỗ bố. Mẹ không còn, chú út chưa giao việc cho cháu trưởng, chú đứng ra lo toan.

Anh chị em có mặt đủ cả, vài đứa cháu và dâu rể chúng sống xung quanh  đều có mặt. Duy mấy đứa cháu con anh chị ở xóm khác không thấy. Cảm thấy thiếu hụt, tôi hỏi chú út: Sao mấy đứa ở xóm trong xóm ngoài không đến? Chú nói, em không gọi. Sau này tôi mới biết các cháu vẫn nhớ ngày giỗ ông, nhưng không ai bảo thì chúng không dám đến. Chả nhẽ nghe thấy cỗ thì đến à? Còn các anh chị nhớ giỗ bố thì về, không cần ai nhắc nhở mời mọc. Lệ quê là thế.

Tôi bảo chú, từ giỗ sau anh em bàn bạc làm cẩn thận, con cháu trong nhà không được quên đứa nào. Ngày giỗ là ngày con cháu hướng về nơi sinh thành và máu mủ ruột rà quây quanh nhau, cái đó lớn hơn miếng ăn…chú nhớ cho điều đó. Còn cỗ bàn thì trong nhà làm, cơm thịt thì bố mẹ hoặc chính chúng nó góp, có gì khó khăn đâu.

Tuổi trẻ, con cái quay quần quanh bố mẹ. Về già, khi bố mẹ không còn  thì vẫn còn cái giỗ để anh em con cháu một năm có một dịp bên nhau. Điều đó thiêng liêng chứ không phải đơn thuần chỉ là chuyện lễ nghĩa.

Chú út làm cán bộ nhiều năm, việc nước thì thông, việc nhà không thạo, thấy tôi nhắc chú cúi đầu lầm bẩm: Thôi từ giỗ sau em sẽ nhớ lời bác.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm