Phép màu đẹp đẽ của phim hoạt hình Pixar

24/06/2015 17:00 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - 20 năm và 15 tác phẩm xuất sắc, mới nhất là Inside Out lập kỷ lục phòng vé, hãng Pixar đã mang đến cho thế giới những bộ phim hoạt hình tuyệt đẹp, với những khoảnh khắc xúc động không thể nào quên.

Từ phim đầu tiên Toy Story (Câu chuyện đồ chơi, 1995), hãng Pixar đã sản xuất 15 phim hoạt hình dài, đều do Walt Disney phát hành. Hầu hết các bộ phim đều có doanh thu rất cao và được đề cử hoặc được trao giải Oscar.

Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc, 2015) vừa ra mắt cuối tuần qua và thu về 91 triệu USD, trở thành phim nguyên gốc có doanh thu tuần đầu cao nhất mọi thời đại.

Khởi đầu từ thất bại, trở thành bất khả chiến bại

Washington Post viết rằng nguyên nhân thành công của Pixar chính là… thất bại. Và thành công trong việc thất bại. Không hãng phim lớn nào trên thế giới dành nhiều thời gian cho thất bại đến vậy. Lịch sử của Pixar toàn những thất bại vĩ đại. Nhưng điều làm nên khác biệt giữa họ và các hãng phim khác là họ nhận thức rõ thực tế đó, biến thất bại thành các kiệt tác có tính tiên phong.

Mark Andrews, đồng đạo diễn phim hoạt hình Brave (Công chúa tóc xù) của Pixar đoạt giải Oscar, từng nói: “Hãy thất bại nhanh nhất và thường xuyên nhất có thể, nhờ đó bạn sẽ tìm ra cách mình phải làm để thành công”.

Phát biểu điều đó như một câu thần thú, Andrews đang nói đúng tinh thần đã được truyền nhau ở Pixar từ nhà đồng sáng lập Andrew Stanton, người 2 lần nhận giải Oscar với WALL-E (Robot biết yêu) Finding Nemo (Truy tìm Nemo).

Thêm một “câu thần chú” khác từ nhà đồng sáng lập Ed Catmull: “Mỗi một bộ phim, khi chúng ta bắt đầu, nó đều dở tệ. Công việc của chúng ta là đưa nó từ chỗ dở tệ đến chỗ không còn dở tệ nữa. Đó mới là phần khó khăn”.

Nhưng các thông điệp sẽ trở thành sáo rỗng nếu như Pixar không làm được điều mà họ nói. Không chỉ một mà những 15 lần và sẽ còn hơn nữa. Điều quan trọng là họ đã biến dở tệ thành xuất sắc bằng cách nào? Đâu là phép thần của Pixar để phù phép cho những khởi đầu thất bại hóa thành các sản phẩm hoàn chỉnh đầy mê hoặc, sâu sắc và rung động trái tim người xem? Làm cách nào, để Pixar bắt nguồn từ thất bại lại trở thành một thương hiệu phim hoạt hình bất khả chiến bại của Hollywood?

Làm cho Pixar giống như làm cho NASA

Pete Docter, đạo diễn của Inside Out cũng là người đã tạo ra các siêu phẩm hoạt hình Monsters Inc. (Công ty quái vật)Up (Vút bay).

Có một điểm tương đồng lớn giữa Inside Out và Pixar. Trong phim, có một trung tâm đầu não trong bộ não của một cô bé 11 tuổi, là nơi ký ức được tạo ra. Và bộ 5 cảm xúc gồm Vui, Buồn, Sợ Hãi, Tức giận và Ghê tởm tạo thành một hệ thống kiểm soát tâm hồn cô bé này.

Có thể trùng hợp hoặc không, nhưng Pixar và nghệ thuật kể chuyện thiên tài của hãng đã được tạo lập từ một trung tâm đầu não kiểu như vậy. Ngay từ bộ phim đầu tiên, Toy Story (1995), từ 20 năm trước, đã thành công nhờ bộ óc của 5 con người quan trọng nhất: Andrew Stanton, Pete Docter, Lee Unkrich, Joe Ranft và John Lasseter, hay còn gọi là nhóm Braintrust (nhóm chuyên gia đầu não).

Nhưng không có nghĩa là mỗi nhân vật trên cũng đại diện cho các cảm xúc vui, buồn… Nhóm bộ ngũ của họ đã dần lớn mạnh không chỉ về trình độ mà cả quy mô, với sự tham gia của những nhà lãnh đạo tài năng như Brad Bird (với 2 phim The Incredibles – Gia đình siêu nhân, Ratatouille – Chú chuột đầu bếp) và Bob Peterson (Up, Finding Nemo).

“Họ là những con người với tính cách khác biệt” – nhà làm phim Angus MacLane (WALL-E) từng nói về nhóm Braintrust - “Bạn có thể thấy những chủ đề khác nhau. Chẳng hạn John Lasseter thường làm phim về bạn bè, gia đình và sự gắn kết cộng đồng. Chúng tôi giống như các thành viên có sở thích khác nhau trong một gia đình. Càng va chạm, chúng tôi càng thân quen với nhau”.

Và những “cuộc chiến hữu nghị” ở Pixar cũng là chìa khóa cho sự xuất sắc của họ. Chỉ qua những thử thách gắt gao, những đóng góp thẳng thắn đến táo bạo mới giúp Braintrust tạo ra bước ngoặt này đến bước ngoặt khác trong lịch sử phát triển của Pixar. Và những khuôn vàng thước ngọc của ngành phim hoạt hình đã được tạo ra qua năm tháng chính nhờ không ngừng khai phá các ý tưởng mới.

Michael Arndt, nhà biên kịch đoạt giải Oscar với phim điện ảnh Little Miss Sunshine (Hoa hậu nhí ánh dương) nhận ra sức mạnh của tập thể này khi ông được mời tham gia biên kịch cho Toy Story 3.

“Kịch bản này rất dày dặn và chín về sáng tạo, một mình tôi không thể làm nên nó” - Arndt nói - “ Tôi chỉ là một người trong tập thể rộng lớn. Có rất nhiều sức lực và trí tuệ đã được sử dụng cho những kịch bản như vậy, giống như làm việc cho NASA vậy”.

“Nhiều đạo diễn không thích làm việc nhóm, dự án có thể kém hiệu quả nếu các ý tưởng đá nhau. Nhưng tôi lại thích” – đạo diễn Andrews nói sau khi ông được gia nhập dự án phim Brave giữa chừng để thay thế đạo diễn Brenda Chapman vì bất đồng quan điểm sáng tạo - “Bạn phải biết cách kiểm soát cả nhóm, biết cách nói: Ý tưởng này thật ngu ngốc và không phù hợp. Tôi từng thấy điều đó xảy ra ở Braintrust”.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm ra giải pháp cho một vấn đề khúc mắc, nhưng kinh nghiệm của các đạo diễn từng làm việc cho Pixar là hãy tin vào bản năng của các đầu não, theo Dan Scanlon, đạo diễn Monsters University (Lò đào tạo quái vật).

Nhưng Braintrust cũng không phải là những con robot được lập trình chính xác và không bao giờ sai. Điều quan trọng là họ luôn học hỏi và rút kinh nghiệm qua từng phim.

Cuộc trở lại ngọt ngào của Inside Out

Pixar không phải là hoàn hảo. Từ năm 2007 đến 2010, họ từng lập kỳ tích khi 4 lần chiến thắng liên tiếp ở giải Oscar với 4 phim hoạt hình xuất sắc gồm Ratatouille, Wall-E, Up Toy Story 3. Nhưng kể từ đó, với 2 phim phần tiếp theo Cars 2Monsters University cùng Brave, hãng bị phê phán là đã đánh mất phép màu sáng tạo.

Và rồi Inside Out ra đời, được coi như một cuộc trở lại ngoạn mục của một Pixar đầy sáng tạo, sâu sắc và xúc động. Một bộ phim khiến người ta suy ngẫm trong từng khoảnh khắc gây cười và đáng rơi lệ. Thậm chí, khán giả có thể cười và rơi lệ cùng lúc.

“Chúng tôi chỉ cố chân thành với mọi người” – Bob Peterson nói - “Tôi là một người cha có 3 đứa con. Bạn phải quan tâm đến mối quan hệ và sự tương tác giữa con người với nhau”.

Hạ Huyền (theo Washington Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm