Ví, Giặm không chỉ quanh quẩn ở xứ Nghệ

16/05/2014 06:36 GMT+7 | Di sản


(giaidauscholar.com) - “Bảo tồn và phát huy gia trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh)” là chủ đề hội thảo khoa học quốc tế diễn ra tại thành phố Vinh, Nghệ An trong 2 ngày 14-15/5 với sự tham dự của hơn 80 chuyên gia trong và ngoài nước. Kết quả hội thảo sẽ bổ sung hồ sơ về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong các loại hình dân ca ở Việt Nam, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình đặc biệt, chứa đựng những sáng tạo độc đáo. Đó là hai thể hát dân ca không có nhạc đệm, được cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình sinh hoạt và lao động. Theo các chuyên gia ước tính thì hiện nay có khoảng 15 điệu Ví và 8 điệu Giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như Ví phường vải, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể…

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh (Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh) cho biết: Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã ảnh hưởng rất lớn trong các tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng, kết hợp hai chất liệu giữa Ví dàn trải, mênh mang sâu lắng, nhịp tự do và Giặm có tính chất nhịp điệu khỏe mạnh. Nhiều tác phẩm có sự kết hợp hài hòa và hoàn chỉnh như ca khúc Trông cây lại nhớ đến Người của Đỗ Nhuận, Người con gái Sông La của Doãn Nho, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của An Thuyên hay Mai anh về Hà Tĩnh của Trần Hoàn là sự kết tinh của làn điệu Ví, Giặm.

Tại hội thảo, các chuyên gia đi sâu phân tích những giá trị nổi bật của dân ca Ví, Giặm nói riêng, dân ca các vùng miền khác ở Việt Nam và trên thế giới nói chung trên phương diện loại hình nghệ thuật để làm rõ tính đa dạng của chúng trong bức tranh chung của văn hóa nhân loại. ThS Hoàng Minh Đạo (Vinh) cho rằng: “Ví Giặm xứ Nghệ không chỉ quanh quẩn ở địa phương này mà còn có sức lan tỏa vươn xa vào tận Quảng Bình, Đà Lạt… Điều đó chứng tỏ Ví Giặm có thể tiếp biến để thích ứng với đời sống môi trường mới trên cơ sở lý giải nguyên nhân của hiện tượng lan tỏa đó là từ lý thuyết Folklore và thực tiễn đời sống đầy biến động”.  

Hiện nay, do chịu nhiều tác động lịch sử xã hội và quy luật hội nhập đổi mới của nền kinh tế thị trường, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đang đứng trước những vấn đề lớn như chưa được tư liệu hóa đầy đủ thành một kho tàng di sản để lưu trữ và quảng bá rộng rãi…

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca trong bối cảnh toàn cầu hóa. “Ví Giặm xứ Nghệ với những giá trị vốn có mà chúng ta tiếp cận hôm nay không phải bất di bất dịch mà đã có sự bổ sung hoàn thiện dần theo điều kiện phát triển của xã hội qua từng thời kỳ lịch sử. Do đó việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví Giặm với phát triển cộng đồng là việc làm rất cần thiết” - phát biểu của ThS Vũ Hoa Ngọc, Viện văn hóa Nghệ Thuật VN.

Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm